“Hạ nhiệt” các điểm nóng về tuyển sinh đầu cấp

Sự kiện: Giáo dục

Hà Nội là một trong những địa phương đang phải đối mặt với việc tăng dân số cơ học, kéo theo sự gia tăng về số lượng học sinh trong độ tuổi tuyển sinh, gây áp lực không nhỏ cho ngành Giáo dục Thủ đô. Với quyết tâm đáp ứng đủ chỗ học cho học sinh trong năm học mới 2023-2024, ngành Giáo dục Hà Nội đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để chủ động ứng phó, hạn chế quá tải, bảo đảm quyền lợi học tập cho học sinh trên địa bàn, nhất là các khu vực được xem là “điểm nóng” trong tuyển sinh đầu cấp.

Nhiều năm qua, quận Hoàng Mai là một trong những “điểm nóng” về tuyển sinh đầu cấp do quận này có dân số đông nhất Thủ đô. Năm học 2022-2023, quận có 89 trường (48 mầm non, 23 tiểu học, 18 THCS) với 2.048 lớp học. Tổng số học sinh của quận hiện là 98.558 em, trong đó khoảng 79.618 học sinh học công lập.

Đặc biệt, phường Hoàng Liệt trở thành “siêu phường” trong nhiều năm nay với dân số hiện tại trên 80.000 người, hằng năm có khoảng 1.500 - 1.800 trẻ được sinh ra. Thế nhưng, hiện phường chỉ có 1 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 2 trường THCS, do vậy các trường công lập ở đây luôn trong tình trạng quá tải.

Đỉnh điểm cho sự quá tải này là cảnh hàng trăm phụ huynh học sinh đã phải “khóc dở, mếu dở” để bốc thăm giành suất cho con vào Trường Mầm non Hoàng Liệt. Ngoài quận Hoàng Mai, Hà Nội còn có một số khu vực vào tình trạng quá tải như quận Hà Đông, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm. Nhiều khu đô thị mới với hàng loạt chung cư “mọc lên” tiềm ẩn nguy cơ quá tải trường lớp nghiêm trọng vì việc xây trường không theo kịp tốc độ đô thị hóa và tốc độ gia tăng dân số.

Tốc độ đô thị hoá và gia tăng dân số đã gây áp lực lớn cho công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp tại Hà Nội. Ảnh minh hoạ.

Tốc độ đô thị hoá và gia tăng dân số đã gây áp lực lớn cho công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp tại Hà Nội. Ảnh minh hoạ.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2023-2024, mặc dù số lượng học sinh trong độ tuổi tuyển sinh vào các lớp đầu cấp đều tăng so với năm học 2022-2023. Trong đó, số học sinh vào lớp 6 tăng mạnh nhất với khoảng 38.800 em, số học sinh vào lớp 1 tăng khoảng 11.600 em. Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng là công tác tuyển sinh trong năm học 2023-2024 tại quận Hoàng Mai, Cầu Giấy đảm bảo đúng theo quy định, bước đầu đã hạ nhiệt bớt tình trạng quá tải vốn nhiều năm là điểm nóng.

Cụ thể, ở bậc THCS, bậc học có số lượng học sinh tăng mạnh nhất nhưng trong năm học 2023-2024, Trường THCS Hoàng Liệt (Hoàng Mai) đã tuyển sinh 717 học sinh, chia làm 16 lớp, mỗi lớp có 45 học sinh; Trường THCS Linh Đàm (Hoàng Mai) cũng tuyển đủ 720 học sinh, chia thành 16 lớp, từng bước giảm áp lực sĩ số học sinh/lớp học so với các năm trước đó. Tương tự, tại quận Cầu Giấy, dù học sinh lớp 6 được dự báo sẽ tăng nhiều nhưng với nhiều giải pháp, các trường đã nỗ lực đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh. Các trường THCS Nghĩa Tân, Dịch Vọng, Mai Dịch, Yên Hoà… đều hoàn thành công tác tuyển sinh, đảm bảo giảm tỷ lệ học sinh không vượt quá 45 học sinh/lớp.

Để hạn chế việc quá tải trường lớp trước việc học sinh đầu cấp tăng đột biến, một trong những quy định mà Sở GD&ĐT Hà Nội đã đặt ra đối với các Phòng GD&ĐT trong việc tổ chức tuyển sinh trẻ mầm non, học sinh lớp 1 và lớp 6 năm học 2023-2024 là phải có giải pháp hạn chế học sinh trái tuyến ở những trường có số lớp quá cao, không để xảy ra hiện tượng quá tải học sinh ở các trường học.

Bên cạnh đó, các Phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã cũng phải công khai kế hoạch tuyển sinh mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2023-3024. Nội dung kế hoạch tuyển sinh phải nêu rõ đối tượng, độ tuổi tuyển sinh và đặc biệt là phải phân chia cụ thể địa bàn tuyển sinh đối với từng trường trên địa bàn, làm căn cứ để phụ huynh học sinh đăng ký tuyển sinh.

Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đặc biệt lưu ý, trong quá trình xây dựng kế hoạch tuyển sinh, các Phòng GD&ĐT phải phân tuyến tuyển sinh và giao chỉ tiêu tuyển sinh cho từng trường phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ của từng trường, bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh. Các Phòng GD&ĐT cũng phải có giải pháp hạn chế học sinh trái tuyến ở những trường có số lớp quá cao.

Nếu sĩ số học sinh/lớp vượt so với quy định của điều lệ trường học, Phòng GD&ĐT phải có văn bản báo cáo UBND quận, huyện, thị xã, báo cáo Sở GD&ĐT Hà Nội, không để xảy ra hiện tượng quá tải học sinh ở các trường học. Ngoài ra, các đơn vị cũng đã nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường cơ sở vật chất cho các nhà trường, tăng số học sinh được học 2 buổi/ngày và giảm số học sinh trái tuyến.

Theo ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, với áp lực từ việc gia tăng dân số cơ học, số học sinh hằng năm tăng mạnh, công tác tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội gặp nhiều khó khăn với áp lực lớn. Sở GD&ĐT đã và đang triển khai nhiều giải pháp để khắc phục, trong đó có việc tham mưu lãnh đạo thành phố tăng cường nguồn lực đầu tư, ưu tiên quỹ đất xây dựng trường học; rà soát quy hoạch mạng lưới trường học; tổ chức phân tuyến tuyển sinh phù hợp.

Bên cạnh đó, một trong những giải pháp quan trọng trong năm học mới là tăng cường các điều kiện hạ tầng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quyết tâm tổ chức tuyển sinh trực tuyến từ năm học 2024-2025 ở tất cả các trường. Giải pháp này nhằm tăng tính minh bạch, công khai và công bằng, từ đó chấm dứt việc phụ huynh học sinh xếp hàng nộp hồ sơ.

Ngoài ra, do TP Hà Nội có tình trạng tăng dân số cơ học rất nhanh, bình quân mỗi năm tăng từ 50.000 đến 60.000 học sinh, tương ứng với việc cần phải xây mới từ 30 đến 40 trường học. Tuy nhiên, hiện nay quỹ đất ở các quận hạn hẹp, việc xây mới trường học rất khó khăn. Vì vậy, Hà Nội cũng đã đề nghị các cấp xem xét, cho phép Hà Nội nâng tầng các trường học ở khu vực nội thành.

Nguồn: [Link nguồn]

Tuyển sinh đầu cấp: Phụ huynh xét tuyển đợt 2 khi nào?

Phụ huynh chưa có kết quả phân tuyển trong đợt 1, có thể tham gia xét tuyển đợt 2, đợt 3 theo thông báo của phòng GD&ĐT các quận/huyện.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huyền Thanh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN