Gặp "vua săn giải thưởng"
Lê Yên Thanh đang là sinh viên năm 4,Trường ĐHKHTN-TP.HCM, Thanh được bạn bè gọi thân mật bằng cái tên “vua săn giải thưởng”.
Sinh viên Lê Yên Thanh, sinh viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM. Ảnh Đỗ Loan
Sinh ra và lớn lên ở An Giang, chàng sinh viên 21 tuổi Lê Yên Thanh đang là sinh viên năm 4, khoa Công nghệ -Thông tin Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM. Thanh được bạn bè gọi thân mật bằng cái tên “vua săn giải thưởng” khi trong hồ sơ của Thanh có hơn 70 giải thưởng lớn nhỏ, bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế cùng những thành tích cao trong học tập…
Trên con đường thành công không có chỗ cho kẻ lười biếng
Phải đợi mãi tôi mới hẹn gặp được em trong một ngày cuối tuần, bởi lịch học và làm việc của em kín mít. Gặp em tại sân trường ĐH KHTN, ấn tượng đầu tiên của tôi về em là một chàng sinh viên hiền lành, điển trai và có nụ cười rất thân thiện.
Em say sưa kể về những chuyến dự thi ở các nước như Nhật, Nga, Trung Quốc… mà em đã từng đoạt giải. Nhớ hồi học cấp 3 Thanh bảo, để quyết tâm đạt HCV Olympic 30/4 môn Tin học, Thanh đã làm việc 13 tiếng một ngày trong vòng 3 tháng hè.
Những đề tài mà đạt giải thưởng với Thanh rất quan trọng nhưng sẽ có ý nghĩa hơn nếu được ứng dụng trong thực tế. Thế nên trong số các phần mềm nghiên cứu, phần mềm Busmap đã được ứng dụng vào hoạt động xe buýt Thanh viết ra lúc cuối năm nhất là Thanh tâm đắc nhất. Năm 2013, phần mềm này được chuyển giao cho Sở GTVT TP.HCM và đạt giải nhất dành cho khối sinh viên ĐH hội tin học trẻ TP.HCM.
Hơn 2 tháng nghiên cứu, phần mềm này giúp người đi xe buýt có thể tra cứu thông tin của tất cả các xe buýt trong thành phố, tìm kiếm lộ trình đi các tuyến, trạm dừng xe buýt, thông báo khi gần đến trạm dừng... Thanh bảo: “Nếu không phải vừa học vừa nghiên cứu thì em chỉ làm liên tục trong 1 tuần là xong. Đến nay phần mềm này có hơn 10.000 lượt truy cập mỗi ngày”.
Ngoài ra, Thanh còn đang hợp tác với Sở GTVT để viết phần mềm phiên bản mới của Busmap, Trạm dừng thông minh. Với phiên bản mới này, trạm dừng nào cũng có thể xem được bản đồ xe buýt, địa điểm từ đâu tới đâu… chỉ cần một máy tính bảng có kết nối phần mềm android được gắn ở trạm dừng.
Nhìn vào bảng thành tích của Thanh với điểm tổng kết năm là 9,7 không ai nghĩ một cậu sinh viên mọt sách đeo kính cận cả ngày chìm đắm bên máy tính là một Uỷ viên ban chấp hành đoàn trường ĐH KHTN, tham gia mọi hoạt động phong trào của trường và rất ham đi du lịch, thể thao. Nhưng có một nguyên tắc mà Thanh luôn tâm niệm: “Trên con đường thành công không có chỗ cho kẻ lười biếng. Bởi đó là bức tường ngăn cản sự thành công của mọi người. Để viết một phần mềm nhanh cần có trình độ, kiến thức và phải thật tập trung, kể cả việc tắt điện thoại, facebook…”.
Từ chối mức lương 8.000USD/tháng của Google
Khi mới năm nhất đại học, Thanh đã tự trang trải được cuộc sống, bố mẹ không phải gửi tiền cho em ăn học, thậm chí em còn kiếm được nhiều tiền để gửi về cho bố mẹ ở quê. Thanh đã được một số công ty mời làm việc như: Grap taxi, Vinagame, Viet Nam Price Joint Stock…
Vào năm thứ hai, thay vì đi làm thêm cậu sinh viên nghĩ ra một cách kiếm tiền bằng cách mày mò viết ra một phần mềm tiện ích nghe nhạc, xem phim trên điện thoại di động. Nhờ phần mềm tiện ích này, nhiều người tải về máy sau đó các công ty đã đăng ký quảng cáo ở trang web của Thanh với Google. Google sẽ thu tiền của những doanh nghiệp này sau đó trả tiền cho Thanh. Có thời điểm nhiều người truy cập, Thanh được google trả tới 20 triệu đồng/tháng và tháng ít nhất cũng được 8 triệu đồng. Ngoài số tiền của các giải thưởng là hơn 200 triệu đồng, mỗi tháng nhận được tiền “lương” em đều gửi về cho gia đình.
Do đó, Thanh đã lọt vào mắt xanh của Google và được mời qua làm dự án. Thanh bảo: “Để trúng tuyển vào công ty này không phải dễ bởi phải vượt qua nhiều vòng phỏng vấn. Ngoài hồ sơ ấn tượng phải có những thành tích nghiên cứu”.
Chỉ cần đồng ý qua làm việc, Thanh được Google lo visa và vé máy bay đi lại với mức lương là 8.000 USD/tháng dành cho sinh viên thực tập. Còn nếu làm chính thức, mức lương được trả là gần 20.000 USD/tháng. “Một mức lương hấp dẫn như thế, nhưng em vẫn từ chối bởi em còn đang học nên không có thời gian. Nếu sang năm trúng tuyển tiếp em sẽ không bỏ lỡ cơ hội được học hỏi và làm việc trong một môi trường làm việc chuyên nghiệp nhất nhì thế giới”, Thanh cười hiền tiết lộ.
Một người trẻ tuổi mà có được những thành tích và sự tài năng như em là rất hiếm, khi được hỏi những bí quyết của mình để các bạn trẻ có thể học hỏi kinh nghiệm, Thanh khiêm tốn nói: “Những thành tích em đạt được không phải do thông minh, hay tài năng mà là chăm chỉ cộng thêm chút may mắn. Năm thứ 2, em cũng từng thất bại trong cuộc thi Tin học trẻ thế giới ở Nga khi thi đấu với sinh viên đàn anh chị năm thứ 4 và những sinh viên suất sắc trên thế giới”.
Nhận xét về các bạn sinh viên hiện nay, Thanh cho rằng, sinh viên Việt Nam cũng rất giỏi, thông minh nhưng thiếu niềm đam mê. Đa số các bạn thích học theo ý thích của mình, không ý thức được ngành nghề mình chọn, không định hướng được công việc khi ra trường. Khi học phải cố gắng hết mình, không học kiểu… tà tà. Môi trường đại học khác môi trường cấp 3, sinh viên phải chủ động học tập và nghiên cứu có định hướng. Ngoài ra, ngoại ngữ cũng rất quan trọng nhất là tiếng Anh. Bởi có rất nhiều thông tin tài liệu hay từ tiếng anh mà mình bỏ qua vì không biết tiếng hơn nữa công việc bây giờ đòi hỏi phải biết ít nhất một ngoại ngữ…
Con đường chinh phục ngành IT của Lê Yên Thanh vẫn còn là con đường dài phía trước, nhưng với Thanh vẫn không thôi ấp ủ một hoài bão: được học hỏi công việc ở một trong những công ty lớn mạnh trên thế giới sau đó đem kiến thức kinh nghiệm đã học được đế áp dụng và đóng góp một phần hiểu biết của mình về làm việc tại Việt Nam!
Năm 2014: Đạt giải Hornorable Mention (giải thưởng danh dự) cuộc thi lập trình Sinh viên Quốc tế, vòng vô địch thế giới năm 2014; Đạt giải nhất cuộc thi lập trình Sinh viên Quốc tế vòng khu vực Châu Á năm 2014; Đạt giải nhất cuộc thi lập trình Sinh viên Quốc tế vòng online năm 2014; Huy chương đồng cuộc thi lập trình Sinh viên Quốc tế khu vực Châu Á năm 2014; Đạt giải đặc biệt hội thi Tin học trẻ TP. Hồ Chí Minh năm 2014. Các năm khác: Đạt Giải thưởng Khoa học Kỹ thuật Thanh niên Quả cầu vàng năm 2013; Cúp vàng Olympic Tin học toàn quốc năm 2013; Đạt giải nhất cuộc thi sáng tạo ứng dụng di động năm 2013; Đạt giải nhì cuộc thi lập trình Sinh viên Quốc tế vòng khu vực Châu Á năm 2013; Đạt giải nhất cuộc thi lập trình Sinh viên Quốc tế vòng vòng online năm 2013; Đạt giải nhất Tin học trẻ TP. Hồ Chí Minh năm 2013. Và còn nhiều giải thưởng khác… |
Tra cứu GỢI Ý GIẢI CÁC MÔN THI THPT QUỐC GIA 2016 nhanh nhất tại http://diemthi.24h.com.vn/ Nhắn tin để nhận Gợi ý giải đề thi Quốc Gia môn Văn năm 2016 sau khi kết thúc giờ thi, Ví dụ: Bạn vừa thi xong môn Văn, soạn tin: DA VAN gửi 6722 (Để xem chi tiết bấm đây) |