Du học sinh chia sẻ đón Tết xa quê và kỷ niệm đón Giao thừa ở đất khách quê người

Sự kiện: Giáo dục

Tết là dịp để mọi người bỏ lại sau lưng những bộn bề cuộc sống để trở về sum vầy, quây quần bên mâm cơm ấm cúng cùng gia đình.

Lấy cây khô trang trí giống cành đào đón Tết

Điều mà bất cứ ai đều háo hức, mong đợi trong ngày Tết chính là được sum vầy bên gia đình, cùng ăn bữa cơm tất niên, cùng đón chờ thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. Thế nhưng, những điều tưởng chừng như đơn giản như thế, lại lại là thứ xa vời với rất nhiều bạn trẻ đang sinh sống, học tập ở nước ngoài. Phải trải qua cảm giác cách xa gia đình hàng vạn cây số mới thấm thía được giá trị của sự sum họp, đoàn viên, nhất là trong dịp quan trọng như Tết Nguyên đán.

Các bạn du học sinh quây quần ăn uống, đón Giao thừa.

Các bạn du học sinh quây quần ăn uống, đón Giao thừa.

Tuy không phải lần đầu tiên xa quê, nhưng bạn Lê Công Định (SN 1998), du học sinh Việt tại Hàn Quốc vẫn cảm thấy trống vắng, lạc lõng và cô đơn mỗi khi cận kề đến Tết. Tâm sự với PV, Công Định bồi hồi nhớ lại: “Mọi năm, mình nhận được rất nhiều câu hỏi “có về ăn Tết không”, mỗi khi nghe câu hỏi đó cảm xúc của mình thực sự rất khó tả. Vì việc học tập, điều kiện kinh tế khó khăn nên trong 3 năm đi du học, chỉ có duy nhất năm đầu tiên mình được về quê ăn Tết. Mình dự tính năm nay dù bận rộn thế nào vẫn phải cố gắng về nhà đón Tết cùng gia đình, nhưng tình hình dịch Covid-19 vẫn đang căng thẳng nên đành phải hoãn lại mọi kế hoạch”.

Nhớ lại những ngày Tết ở quê, Công Định bồi hồi cho biết, tầm này mọi năm khi còn ở nhà, mình thường lăng xăng xách đồ giúp mẹ đi chợ, sơn nhà cửa cùng bố. Năm nay lướt Facebook thấy các bạn ở quê nhà chia sẻ những thành quả dọn dẹp nhà cửa hoặc “khoe” thành tích gói bánh chưng khiến những bạn trẻ xa quê như Định càng cảm thấy nao lòng vì nhớ nhà.

Vào ngày Tết những năm trước, Công Định cho biết, Định thường cùng một số du học sinh người Việt quây quần để cùng nhau đón Tết, mọi người chuẩn bị những cành cây khô về trang trí để giống hoa đào tại Việt Nam, cùng gói bánh chưng để tạo không khí Tết đến, Xuân về. “Dù tất cả mọi thứ đều khá đầy đủ, nhưng không khí rộn ràng, sự đầm ấm, sum họp bên gia đình ngày đầu Xuân là những thứ chỉ có ở quê hương, không ở đâu có được. Tầm này ở nhà bố mẹ đã chuẩn bị đầy đủ, tươm tất, chỉ thiếu mỗi mình. Tuy là con trai nhưng có lúc nghĩ cũng tủi thân lắm”, Định xúc động cho biết.

Nước mắt chỉ dám rơi sau khi cúp cuộc gọi về gia đình

Cùng chung cảm xúc của những người con không được đón Tết với gia đình, bạn Ngô Tố Hoài Phúc (SN 2000) cho biết năm nay là năm thứ 2 đón Tết xa quê nhưng vẫn chưa thể quen được cảm giác cô đơn, trống trải tại nơi đất khách quê người. Hoài Phúc cho biết, dù đã cận kề Tết nhưng nhịp sống ở Nhật vẫn diễn ra bình thường như bao ngày, guồng quay của chuyện học hành, làm thêm và những áp lực cuộc sống như cuốn trôi hết không khí Tết. Chia sẻ về cảm giác xa nhà dịp Tết năm ngoái, Phúc cho biết, do nước bạn không nghỉ Tết như ở Việt Nam nên sáng mùng 1 vẫn phải đến lớp học bình thường, tối đến làm thêm đến 23h đêm mới được nghỉ. Giao thừa thì phải xem bắn pháo hoa qua mạng xã hội, chỉ được nhìn bố mẹ, anh chị em quây quần từ nơi xa, mình nghẹn ngào muốn khóc nhưng không dám khóc vì sợ mẹ lo. Có những khi vừa cúp máy, nước mắt đã rơi lã chã.

Chia sẻ kỷ niệm nhớ nhất trong những ngày Tết xa quê, Phúc kể vào đêm 30 năm ngoái, mọi người cùng nhau làm cỗ để đón Giao thừa. Trong thời khắc chuyển giao hầu như mọi người đều ôm nhau khóc và tự an ủi lẫn nhau. Phúc cho biết vẫn cảm thấy may mắn vì có những người bạn đồng cảnh cùng quây quần, sẻ chia để vơi bớt đi nỗi cô đơn trong những ngày Tết giá lạnh nơi xứ lạ.

Chia sẻ cảm xúc ở thời điểm hiện tại, Hoài Phúc kể: “Mấy hôm trước, trong giờ giải lao trên lớp mình vô tình nghe được một bài nhạc chào xuân trên Facebook mà lòng như thắt lại, không kìm được cảm xúc nên phải tắt vội. Thực sự nhiều đêm mình còn mơ đến ngày được đáp máy bay, chạy về nhà buông vali và nói: “Cả nhà ơi con về rồi đây”, thật buồn khi giật mình tỉnh giấc thì mới biết tất cả chỉ là mơ, năm nay dịch bệnh nên cơ hội về quê ăn Tết là không có”.

ranh thủ những lúc rảnh rỗi, Phúc hay gọi điện video về nhà hỏi thăm bố mẹ, nhìn mọi người tất bật chuẩn bị đồ Tết, trang trí nhà cửa lại thấy tủi thân vô cùng. “Hôm qua bố mẹ gọi điện lên mà không kìm được cảm xúc, nước mắt tuôn trào. Ở nhà bánh chưng cũng gói xong, đào quất cũng trang trí hết rồi. Đêm nay Giao thừa mình vẫn đi làm đến 11h đêm mới về, chắc cũng cố gắng gọi về chúc Tết bố mẹ nhưng mà chỉ sợ tủi thân lại khóc”, Phúc xúc động chia sẻ.

Có thể nói, xa nhà mới biết gia đình, sự sum vầy, đoàn viên vô giá thế nào, bữa cơm gia đình ấm áp bao nhiêu, hơi ấm của tình thân không gì đánh đổi được.

Năm nay chắc chắn cũng là 1 năm đón Tết xa nhà của các du học sinh đã tâm sự và trải lòng với PV ĐS&PL. Tuy rất buồn và cô đơn nhưng vẫn hy vọng mọi người xa quê sẽ cùng nhau chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống, cùng nhau tạo nên một cái Tết đầm ấm ở nơi xứ lạ để hướng đến một mục tiêu lớn hơn là lĩnh hội tri thức và trở thành những người nắm bắt được cơ hội để tỏa sáng và thành công...

Nguồn: [Link nguồn]

Lưu học sinh quốc tế háo hức ăn tết tại Việt Nam

Không về nước nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều lưu học sinh quốc tế đã có trải nghiệm lần đầu tiên đón giao thừa tại...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Ly ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN