Cậu học trò "bé hạt tiêu"

Trái ngược với tên gọi, cậu học trò Nguyễn Văn Đô (lớp 12/1, Trường THPT Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) lại có thân hình nhỏ bé. 18 tuổi, học lớp 12 nhưng Đô có chiều cao của một học sinh lớp 8. Thế nhưng thành tích học tập của Nguyễn Văn Đô thật đáng nể phục.

Ba năm cấp 3 Đô đều nằm trong đội tuyển học sinh giỏi môn toán và mang về cho trường giải Nhì năm lớp 11, giải khuyến khích năm lớp 12.

Kỳ thi đại học vừa qua Đô đỗ cao vào 2 trường ĐH là ĐHBK Đà Nẵng (26 điểm) và ĐH Y Huế ngành Y Đa khoa (26.5 điểm), trong đó em đỗ thủ khoa ngành Kỹ thuật tài nguyên nước Trường ĐHBK. Với thành tích học tập đáng nể, thầy cô, bạn bè yêu mến gọi em là "cậu học trò bé hạt tiêu". "Đô là cậu học trò đặc biệt thông minh. Nhà không có máy tính, không có mạng, em chỉ tiếp xúc với máy tính trong giờ học tin ở lớp, vậy mà trong kỳ thi giải toán qua mạng do thành phố tổ chức em đạt giải Nhì và được chọn vào đội tuyển thi quốc gia", thầy hiệu trưởng Trần Đạt tự hào nói về học trò cưng của mình.

Thầy cô, bạn bè khâm phục Đô không chỉ vì "bé hạt tiêu học giỏi" mà còn bởi tinh thần vượt khó vươn lên. Gia cảnh nghèo khó không ngăn được khát khao kiến thức và ước mơ trở thành bác sĩ. "Em quyết định chọn học trường Y vì trở thành bác sĩ là ước mơ của em, nghề y phù hợp với thể trạng của em" - Đô thành thật chia sẻ.

Cậu học trò "bé hạt tiêu" - 1

Nguyễn Văn Đô bên góc học tập của mình

Được cô giáo chủ nhiệm cho biết nhà em khó khăn, nhưng khi tìm đến nhà em ở tổ 41 Khái Tây, P. Hòa Quý, Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, chúng tôi không cầm được nước mắt vì không thể ngờ gia cảnh nhà em lại nghèo khó đến vậy. Đô là con út trong gia đình có 5 anh chị em, tính ra nhà em có 7 miệng ăn trong khi nguồn sống của gia đình trông chờ vào đồng lương thương binh của ba em và thu nhập từ quán tạp hóa nhỏ của mẹ  ở xóm nghèo.

Ba em, ông Nguyễn Văn Nghĩa là thương binh hạng 4/4 (mỗi tháng chỉ 1 triệu đồng), ngoài việc phụ giúp vợ bán hàng quán ông không đủ sức khỏe làm thêm công việc nào khác để đỡ đần vợ con. Gánh nặng kinh tế gia đình dồn hết lên vai mẹ em là bà Thái Thị Cử, một mình bà xoay xở bán buôn nuôi 5 con ăn học. Căn nhà lụp xụp, nắng nóng nung người, mưa dột tứ bề vẫn không có tiền sửa vì nhà bà Cử có đến 4 người học đại học, cao đẳng. Anh trai của Đô vừa mới tốt nghiệp ĐHSP Đà Nẵng, trước đó 2 chị gái người tốt nghiệp ĐHBK Đà Nẵng, người tốt nghiệp cao đẳng CNTT Việt Hàn. Nay đến lượt Đô vào đại học thì kinh tế gia đình gần như kiệt quệ.

Bà Cử ngậm ngùi tâm sự: "Thằng Đô nhỏ con vậy không học đại học để có kiến thức làm việc trí óc thì không biết làm việc gì để sống. Mà học đại học thì tiền đâu nuôi nó? Chú coi trong nhà tôi có vật dụng nào đáng giá để bán đâu? Mấy năm nay kinh tế khó khăn, hàng quán ế ẩm, bán buôn chẳng được mấy đồng. Tôi tính bán một phần đất ở lấy tiền cho nó ăn học, khổ nỗi đất nhà tôi thuộc dự án xây dựng làng đại học mà dự án đó đã "treo" 15 năm nay rồi có bán cũng không được. Tôi chỉ còn cách cầm sổ đỏ căn nhà cho ngân hàng nữa thôi chú ạ".

Nghẹn lòng trước gia cảnh nhà em chúng tôi chỉ biết nói mấy lời động viên và hi vọng qua bài báo nhỏ này bạn đọc sẽ "tiếp sức" cho ước mơ trở thành bác sĩ của cậu học trò xuất sắc này! Được biết, thành phố Đà Nẵng có chính sách hỗ trợ kinh phí cho 25 học sinh của thành phố thi đỗ vào ĐH Y ngành Đa khoa, ngành Y học cổ truyền. Mong sao em sẽ nằm trong danh sách xét chọn của thành phố.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Được (Công an Đà Nẵng)
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN