Chàng thủ khoa bán hàng rong

Nhận được thông báo đỗ thủ khoa, Nguyễn Cường Quốc càng tăng tốc theo mẹ ra phố, nhập hội… bán hàng rong để kiếm tiền chuẩn bị nhập học.

Thi 3 môn được 28 điểm, thủ khoa Trường Đại học Tây Nguyên Nguyễn Cường Quốc (SN 1995) mang niềm tự hào bất ngờ về buôn H’Đất, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Phía sau niềm vui là bao nỗi toan tính mưu sinh.

Ngày ngày đứng trước cổng bệnh viện đa khoa tỉnh, Quốc nhanh tay lấy bắp luộc đang ủ trong bao nóng hổi đưa cho khách. Bà Nguyễn Thị Nhung – mẹ Quốc ngồi sau gánh bắp niềm nở chào mời.

Bà cho biết, cả nhà 4 người sống dựa vào mấy sào cà phê già cỗi, mỗi năm chỉ được khoảng 1 tấn cà nhân, trừ các khoản chi phí còn hơn chục triệu đồng, không đủ trang trải sinh hoạt. Để nuôi 3 con ăn học, 4 năm nay, bà đi bán hàng rong, còn chồng bà vừa quán xuyến nương rẫy vừa tranh thủ đi làm thuê.

Chàng thủ khoa bán hàng rong - 1

Thủ khoa Nguyễn Cường Quốc bán ngô luộc trước cổng bệnh viện

Anh chị đều học ở thành phố lớn rồi, em muốn học gần nhà vừa không phải thuê trọ, ăn cùng bố mẹ đỡ chi phí sinh hoạt lại có thể theo mẹ bán hàng

Nguyễn Cường Quốc

Vợ chồng bà Nhung làm nông lam lũ, may mắn cả 3 con đều chăm ngoan học giỏi. Chị con cả năm 2010 đã đỗ đầu ngành Sư phạm Toán, trường Đại học SP Huế, anh kế của Cường sinh viên năm thứ 2 Đại học Bách khoa TPHCM. Đậu vào lớp Toán Trường PTTH chuyên Nguyễn Du cách nhà 8 km, suốt 3 năm qua, hằng ngày Quốc vẫn lội bộ cả chặng đường dài đến trạm xe buýt tới trường.

Ngoài giờ học, Quốc đạp xe vào các buôn làng mua bắp tươi chở về nhà, nấu chín, rồi đèo ra phố bán với mẹ. Từ hôm biết tin đậu thủ khoa tới giờ, mẹ Quốc giao hẳn gánh hàng rong cho cậu út để đi làm thuê. Ngày nào không kiếm được việc, hai mẹ con chia hai gánh bắp đi hai hướng.

Trước đây mỗi ngày thường bán được 200 bắp, dạo này buôn bán ế, chỉ bán được phân nửa. “Lo tiền cho hai đứa lớn vào năm học mới, vợ chồng tôi đã phải vay mượn khắp nơi. Bây giờ, Quốc lại đã đi học, ráng gom mãi mới đủ khoản tiền gần 5 triệu cho con nhập học” - bà Nhung thở dài.

Cả 3 năm học phổ thông, Quốc được thầy cô đánh giá cao về phương pháp học tập hợp lý và biết phát huy thế mạnh. Trong kỳ thi đại học vừa rồi, ngoài ngôi vị thủ khoa Đại học Tây Nguyên, Quốc còn nhận giấy báo trúng tuyển ngành Xây dựng, Đại học Bách khoa TPHCM với 25 điểm.

“Anh chị đều học ở thành phố lớn rồi, em muốn học gần nhà vừa không phải thuê trọ, ăn cùng bố mẹ đỡ chi phí sinh hoạt lại có thể theo mẹ bán hàng. Em chỉ mong việc buôn bán của hai mẹ con gặp may mắn, để có tiền trang trải học hành”, Quốc nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Hường (Tiền Phong)
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN