Bỏ điểm sàn nhưng sẽ có "ngưỡng" chất lượng

Ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định Chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, sau khi công bố kết quả thi ĐH-CĐ, Bộ sẽ thống kê phổ điểm của từng môn thi. Từ đó đưa ra những mức điểm tương ứng với số phần trăm thí sinh đạt được.

 Dựa vào những mức điểm này, các trường có thể lựa chọn phương án xét tuyển.

Sẽ có "ngưỡng" chất lượng

Theo ông Nghĩa, hiện nay, điểm sàn đã không còn hoàn toàn phù hợp với tính đa dạng của hệ thống giáo dục đại học. Đặc biệt là khi giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường. Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng phương án cụ thể để xin ý kiến rộng rãi trong thời gian tới trước khi quyết định.

"Không phải việc loại bỏ điểm sàn là không còn "ngưỡng" đảm bảo chất lượng. Năm 2013, Bộ GD&ĐT đã có những điều chỉnh về phương pháp tính “điểm sàn” như thay thế cách tính dựa vào nguồn tuyển và chỉ tiêu bằng phương pháp dựa trên phổ điểm. Năm nay sẽ tiếp tục đổi mới nhằm tạo điều kiện cho các trường tuyển sinh hiệu quả, chất lượng hơn. Việc xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng sẽ được triển khai sớm và lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, các cơ sở giáo dục đại học, phổ thông. Tuy nhiên việc xác định ngưỡng cụ thể ứng với từng tiêu chí đảm bảo chất lượng vẫn phải quyết định sau khi có điểm thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay. Chúng tôi sẽ xây dựng những phương án cụ thể và thông báo sớm, tránh gây tâm lý lo lắng, thấp thỏm cho thí sinh”, ông Nghĩa  khẳng định.

Bỏ điểm sàn nhưng sẽ có "ngưỡng" chất lượng - 1

Thí sinh tham dự kì thi đại học 2013 (Ảnh: Đức Nguyễn)

Còn theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, hiện tại Bộ đang xem xét, nghiên cứu một vài phương án để thay thế tiêu chí về điểm sàn. Những phương án này chưa thể công bố vì còn tính toán và xem xét trước khi lấy ý kiến của xã hội. Tiêu chí mới sẽ hướng tới tuyển thí sinh theo năng lực thay vì chỉ kiểm tra kiến thức như trước đây. Ví dụ, thay vì chỉ có một tiêu chí là đủ điểm sàn mới trúng tuyển ĐH thì nay có thể kết hợp với việc xem xét kết quả môn thi có phù hợp với ngành học hay không. Có thể tổng điểm 3 môn thi thấp nhưng có môn thi phù hợp với ngành học mà thí sinh đăng ký đạt điểm cao vẫn trúng tuyển.

Trường trung cấp kêu cứu

Theo ThS. Bùi Thanh Long- Chủ tịch hội đồng quản trị Trường Trung cấp Bách Khoa (Chùa Láng, Đống Đa) chia sẻ: “Việc Bộ GD&ĐT hủy bỏ điểm sàn khiến chúng tôi rất lo lắng. Khi đó, các trường ĐH ngoài công lập sẽ lo lấy đủ chỉ tiêu, sau đó đến các trường CĐ rồi mới đến lượt trung cấp. Trước đây tuyển sinh đã khó, giờ lại càng thêm khó”.

Ông Long còn đưa ra kiến nghị: “Nếu phương án thay thế điểm sàn thực hiện, bộ cần ra thêm quy định về việc trường ĐH chỉ đào tạo ĐH, CĐ đào tạo CĐ và trung cấp cũng thế. Không nên để ĐH đào tạo CĐ, cao đẳng đạo tạo trung cấp. Như vậy, các trường cao đẳng nghề, trung cấp mới có đất sống".

Cũng theo ông Long, bỏ điểm sàn, chất lượng đầu vào các trường trung cấp cũng sẽ giảm sút. Những em học lực yếu mới lựa chọn hệ đào tạo này. Hơn nữa, việc thắt chặt liên thông vừa qua khiến phần rất đông các thí sinh sẽ lựa chọn ở nhà ôn thi hơn là đi học trung cấp.

Đồng thuận quan điểm, ThS. Cao Huyền Sâm- Chủ tịch HĐQT- Phó Hiệu trưởng trường Trung cấp Công nghệ và Kinh tế đối ngoại cho biết: "Hiện nay, thí sinh đang tập trung vào các trường đại học, cao đẳng nhiều hơn là trung cấp. Giờ lại thêm quy chế bỏ điểm sàn tốt nghiệp, các trường trung cấp tuyển sinh khó càng thêm khó".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tuyết Ninh ([Tên nguồn])
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN