Nên bỏ điểm sàn đại học, cao đẳng từ 2014

Nhiều chuyên gia giáo dục đều cho rằng Bộ GD-ĐT nên bỏ điểm sàn ĐH, CĐ từ 2014. Điều đó cũng không làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đại học.

Kỳ thi chung không cần điểm sàn

Theo chủ trương của Bộ GD-ĐT đã công bố về kỳ tuyển sinh ĐH,CĐ, kỳ thi chung vẫn được diễn ra. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng điểm sàn cần được thay thế bằng các tiêu chí khác được Bộ GD-ĐT chấp thuận. Quan điểm này cũng được rất nhiều chuyên gia giáo dục đồng tình.

Ông Đỗ Văn Chừng, Nguyên vụ trưởng giáo dục đại học, cha đẻ của kỳ thi này cho biết: “Ba chung là chung đề, chung đợt và sử chung kết quả thi chứ không phải là chung điểm sàn”.

Phân tích cụ thể hơn, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng cách tính điểm sàn hiện nay là không khoa học vì phổ điểm của 3 môn trong khối thi thường khác nhau nên không thể lấy làm điểm chung.

Theo TS Lê Viết Khuyến, Nguyên vụ phó giáo dục đại học, năm 2001 bộ đề thi của Bộ GD-ĐT bị dư luận xã hội lên án do khuyến khích học sinh luyện thi, vì vậy kỳ thi chung đã ra đời. Khi đó, kỳ thi chung này không có điểm sàn mà chỉ có điểm chuẩn vào mỗi trường. Điểm này sẽ được các trường trình lên Bộ GD-ĐT để duyệt và công nhận.

Như vậy, xuất phát điểm của kỳ thi chung hoàn toàn không có khái niệm điểm sàn. Hơn nữa, nhiều năm nay đề thi của Bộ GD-ĐT luôn lệch chuẩn và không thể kiểm soát được chất lượng nên việc xác định điểm sàn là không có căn cứ khoa học.

Nên bỏ điểm sàn đại học, cao đẳng từ 2014 - 1

Nhiều chuyên gia giáo dục đều cho rằng Bộ GD-ĐT nên bỏ điểm sàn từ năm 2014
Ảnh: Hoàng Hà.

Bỏ điểm sàn, chất lượng giáo dục đại học đi xuống?

Trước lo ngại này của Bộ GD-ĐT, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, việc bỏ điểm sàn không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đại học, thâm chí có thể còn tuyển được những thí sinh giỏi, có trình độ.

Ông Nhĩ lấy ví dụ: “ Thí sinh A dự thi vào ngành Toán học có điểm số 3 môn là Toán 9, Lý 1, Hóa 2 vẫn trượt đại học vì không đủ điểm sàn (13 điểm). Trong khi đó, thí sinh B cũng thi vào ngành Toán có điểm số lần lượt là Toán 2, Lý 9, Hóa 2 vẫn đỗ vào ngành Toán vì đủ điểm sàn (13 điểm). Tuy nhiên, nếu lựa chọn vào ngành Toán thì rõ ràng thí sinh A phải có trình độ tốt hơn thí sinh B. Nếu vẫn quy định điểm sàn thì các trường có nhiều khả năng bỏ lọt các thí sinh giỏi”.

Theo TS Lê Viết Khuyến, Bộ GD-ĐT đã khống chế về chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên năng lực của các trường nên sẽ không có chuyện các trường tuyển sinh ồ ạt các thí sinh không có chất lượng. Bộ cho rằng bỏ điểm sàn thì tất cả thí sinh đều được vào đại học, cao đẳng là không có cơ sở.

Như vậy, các chuyên gia giáo dục này đều cho rằng, việc bỏ điểm sàn có thể thực hiện ngay trong năm 2014.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết cũng đang lắng nghe các ý kiến từ dư luận xã hội về việc bỏ điểm sàn từ 2014 và sẽ công bố chính thức những thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng ngay trong tuần này.

Đăng ký nguyện vọng sau khi có kết quả thi

Các mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng trong những năm gần đây tồn tại một thực tế lượng thí sinh ảo rất lớn gây khó khăn cho công tác tổ chức của các trường, tốn kém cho xã hội.

Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng thí sinh nên đăng ký nguyện vọng sau khi có kết quả thi. Như vậy, với các điểm số và các tiêu chí tuyển chọn công khai của các ngành/trường, thí sinh sẽ lượng được sức mình đăng ký vào những ngành/trường phù hợp nhất, không phải dự đoán và dựa vào yếu tố may rủi khi nộp hồ sơ vào các trường/ngành như hiện nay.

Đề xuất này cũng đã được lãnh đạo Bộ GD-ĐT tiếp thu và xem xét.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo An Hoàng (Zing.vn)
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN