Bày cách ôn thi THPT lúc nghỉ học

Sự kiện: Giáo dục

Bộ GD&ĐT vừa điều chỉnh lùi thời gian thi THPT quốc gia năm 2020. Theo các thầy cô, do học sinh đang phải nghỉ học, các em cần gấp rút tận dụng để ôn tập nhưng tránh giải các bộ đề quá khó trên mạng, dễ hoang mang tâm lý.

Thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia Ảnh: Như Ý

Thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia Ảnh: Như Ý

Thở phào vì lùi thi THPT quốc gia

Trên diễn đàn mạng, giáo viên, học sinh thở phào khi thời gian thi THPT được điều chỉnh lùi.

Cô Nguyễn Thị Hằng Nga, Tổ trưởng Ngữ văn, Trường THPT Hoài Đức B, huyện Hoài Đức (Hà Nội) khuyến cáo, học sinh cần bám sát tài liệu SGK để ôn tập. Trong đó, tiếp tục chú ý dạng đề so sánh văn học vì năm trước đề minh họa có dạng này nhưng đề thi chính thức không ra.

Đặc biệt học sinh cần chú ý phần viết đoạn văn nghị luận 200 từ đầy đủ ý nghĩa. Qua thực tế chấm thi năm trước, phần viết đoạn văn học sinh chưa thể hiện đầy đủ ý. Số lượng chữ ít nên cần làm rõ các nội dung gồm: giải thích vấn đề, phân tích và minh họa các khía cạnh của vấn đề, rút ra bài học kinh nghiệm, nêu ý kiến đánh giá của bản thân. Các em cũng chú ý thêm dạng bài nghị luận về tư tưởng đạo lý và dạng bài về nghị luận xã hội có trong SGK lớp 11 và lớp 12.

Về tài liệu ôn tập, cô Nga cho rằng, cần bám sát SGK lớp 12 và tài liệu hướng dẫn ôn tập Bộ GD&ĐT sắp phát hành. Ngoài ra, giáo viên các trường cũng nên soạn những tài liệu phù hợp với trình độ học sinh của mình sẽ thiết thực hơn.

Trong thời gian nghỉ học, nhiều em chia sẻ có những đề ôn tập trên mạng quá khó dẫn đến hoang mang. Cô Nga lý giải: “Có thể những đề này do các trung tâm đưa ra để hù dọa, “làm màu” nhằm hút học sinh đi luyện thi. Trong khi đề thi những năm gần đây đều có nội dung nằm trong SGK, chỉ có một số phần có ngữ liệu, vấn đề xã hội ngoài sách còn phương pháp đều trong SGK”.

Ðề thi thử có giá trị

Cô Phan Hà Thanh, giáo viên Trường THPT Lê Qúy Đôn, Hà Đông (Hà Nội) cùng đồng ý kiến với cô Nguyễn Thị Hằng Nga về nội dung ôn tập.

Cô Hà Thanh lưu ý trong quá trình chấm thi, đa số học sinh mất điểm ở phần đọc hiểu (môn Ngữ văn) vì trả lời không hết ý, không rõ ràng. Hoặc ở phần nghị luận văn học trình bày quá lan man, không trúng vấn đề. Vì thế, việc học kỹ nội dung kiến thức rất quan trọng, sau đó mới có liên hệ thực tiễn. Ngoài ra, việc thường xuyên giải đề, luyện đề cũng sẽ giúp học sinh có kỹ năng, kiến thức.

Thầy Đào Nguyên Sử, giáo viên dạy Toán, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho hay, năm trước, đề minh họa Bộ GD&ĐT ra khó, sau đó dư luận phản ánh nên đề thi chính thức khá phù hợp với học sinh. Vì thế, nếu lấy đề thi THPT quốc gia năm ngoái làm chuẩn thì hiện nay thực tế đề trên mạng có mức độ khó hơn.

Theo thầy Sử, trong thời gian được nghỉ, học sinh nên tận dụng ôn tập bằng hình thức tự tìm kiếm các đề thi thử của các trường. Đó là những đề chất lượng vì nhà trường giao cho một số giáo viên nghiên cứu chuẩn kiến thức, cấu trúc, độ khó tương đồng với đề thi THPT quốc gia. Đến thời điểm này, nhiều trường đã thi thử 2 lần, vì thế các bộ đề này rất có giá trị để tham khảo.

Ngoài ra, học sinh nên lập nhóm để cùng trao đổi để vừa học kỹ và sâu kiến thức. Ở môn Toán, kiến thức trọng tâm nằm rải ở 7 chương, mỗi chương có những nội dung, có thể tách ra nhiều chuyên đề để học.

Trên diễn đàn giáo viên THPT, các thầy cô cũng chia sẻ kinh nghiệm, các dạng đề của trường mình để gửi cho học sinh ôn tập. Thời điểm này, học sinh được khuyến khích giải những bộ đề của kỳ thi thử, thi thật năm trước để cũng cố kiến thức cũng như rèn kỹ năng, tư duy cũng như phương thức sử dụng máy tính.

Ông Sái Công Hồng, Phó vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) khuyên, thời điểm này, các thí sinh nên tự rà soát, hệ thống hóa kiến thức cơ bản của chương trình THPT, tập trung chủ yếu vào nội dung chương trình lớp 12 và những nội dung kiến thức có tính kế thừa từ lớp 10, 11.

Về phía thầy cô, cũng nên phân tích định dạng và cấu trúc đề thi chính thức và tham khảo của kỳ thi THPT năm 2019 theo các nhóm cấp độ câu hỏi (nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao) và theo các chủ đề của nội dung kiến thức.

Từ đó dựng kế hoạch ôn tập với các chuỗi kiến thức được theo chủ đề hoặc theo nhóm các vấn đề. Đặc biệt, tổ chức ôn tập, củng cố những nội dung kiến thức có tính kế thừa của lớp 10, 11 nhằm trợ giúp để các em trong quá trình hình thành kiến thức mới và ôn tập để nắm thật vững kiến thức cơ bản lớp 12.

Nguồn: [Link nguồn]

Lùi kỳ thi THPT quốc gia đến cuối tháng 7/2020:  Học sinh có bị áp lực?

Học​ sinh, giáo viên và lãnh đạo Sở GD&ĐT cho rằng, Bộ GD&ĐT điều chỉnh​ khung chương trình năm học, trong đó đẩy...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Linh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN