Hoài Linh có vi phạm pháp luật khi giữ hơn 13 tỷ từ thiện trong 6 tháng?

Sự kiện: Hoài Linh

Theo luật sư Nguyễn Quốc Cường, Hoài Linh nên công khai các khoản chi trong số tiền 13 tỷ. Ngoài ra, người đóng góp có quyền yêu cầu nam danh hài trả lại số tiền đã gửi vào nếu không thực hiện đúng mục đích ban đầu.

Sáng 24.5, showbiz Việt chấn động khi Hoài Linh lên tiếng xác nhận vẫn chưa chuyển hơn 13 tỷ từ thiện miền Trung sau 6 tháng. Anh cho biết, số tiền chính xác là 14,67 tỷ đồng, sau khi cộng luôn lãi suất và trừ những khoản đã chi cho từ thiện tại một số nơi, còn lại 13 tỷ 770 triệu 205 nghìn 833 đồng hiện vẫn nằm trong tài khoản riêng dành cho mục đích từ thiện mà anh đã thiết lập. 

Theo nam danh hài, anh đã 2 lần lên kế hoạch đi trao tiền từ thiện cho đồng bào miền Trung nhưng đành dời lại vì dịch bệnh Covid-19. "Tôi là người của công chúng, cần phải làm gương, không thể tập trung đông người… Mọi người hãy tin vào sự minh bạch của tôi. Tôi sẽ thực hiện sứ mệnh này và có các chứng từ, giấy xác nhận của địa phương nơi đoàn từ thiện của tôi đến trao. Bởi lẽ, khi tiến hành đi trao số tiền này, tôi đều phải thông qua chính quyền địa phương và có sự xác nhận của địa phương khi tiếp nhận số tiền giúp đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả sau thiên tai”, danh hài Hoài Linh bộc bạch.

Thông tin Hoài Linh chưa chuyển hơn 13 tỷ từ thiện nhận được sự quan tâm của khán giả

Thông tin Hoài Linh chưa chuyển hơn 13 tỷ từ thiện nhận được sự quan tâm của khán giả

Hoài Linh cũng cho biết, sau những đợt trao tiền từ thiện, anh sẽ công bố các clip và chứng từ minh bạch. Bản thân anh luôn tâm nguyện làm đúng lương tâm, "không làm mẻ một đồng" số tiền mà công chúng đã đặt niềm tin nơi anh. "Thương lắm quý vị, vì có nhiều người gửi 8.000, 9.000 đồng, số tiền tuy không lớn nhưng cho thấy tấm lòng thiện nguyện chia sẻ với đồng bào miền Trung. Tôi sẽ đến tận nơi trao và xin lỗi đồng bào miền Trung về sự chậm trễ này”, Hoài Linh nói thêm.

Trên các diễn đàn mạng, câu hỏi đang được mọi người quan tâm chính là “Hoài Linh có vi phạm pháp luật khi giữ hơn 13 tỷ đồng trong 6 tháng?”. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Quốc Cường (công ty luật Infinity Việt Nam) cho biết, việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện để hoạt động từ thiện được quy định tại Nghị định số 64/2008/NĐ-CP. Theo quy định, chỉ có tổ chức, đơn vị được quy định tại Nghị định số 64/2008/NĐ-CP mới được tiếp nhận và phân phối tiền hàng cứu trợ nhân dân khắc phục thiên tai, sự cố nghiêm trọng. Tuy nhiên, nghị định này còn nhiều điều bất cập, đang được Bộ Tài chính soạn thảo nghị định mới thay thế.

Trong trường hợp của Hoài Linh, luật sư Nguyễn Quốc Cường cho rằng Hoài Linh chưa có dấu hiệu của vi phạm pháp luật nhưng mục đích của việc kêu gọi đóng góp chưa hoàn thành. "Anh kêu gọi đóng góp, ủng hộ người dân bị bão lụt. 6 tháng trôi qua, tiền vẫn nằm trong tài khoản, như vậy không đáp ứng tính kịp thời, nhanh chóng, mục đích của việc cứu trợ đã không còn", luật sư Cường nói.

Theo luật sư Nguyễn Quốc Cường, trong trường hợp người đóng góp cảm thấy số tiền của mình không thực hiện đúng mục đích có thể yêu cầu chủ tài khoản trả lại. Đồng thời nếu chứng minh được thiệt hại, có thể kiện chủ tài khoản ra tòa án dân sự để đòi bồi thường thiệt hại theo quy định Bộ luật Dân sự. Trường hợp chủ tài khoản cố tình không trả, gian lận, đã sử dụng số tiền trái phép, sai mục đích, báo cáo sai sự thật nhằm chiếm đoạt số tiền trên có thể bị xử lý hình sự theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hay Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Luật sư Nguyễn Quốc Cường. Ảnh Phan Trai Úc

Luật sư Nguyễn Quốc Cường. Ảnh Phan Trai Úc

Luật sư Nguyễn Quốc Cường cho hay, hiện tại, một số cá nhân, tổ chức vẫn đóng góp tiền hay hưởng ứng theo lời kêu gọi của một số người nổi tiếng, uỷ thác cho họ tiếp nhận và phân phối tiền hàng hỗ trợ đồng bào bị thiên tai, khó khăn... Ngoài ra, những hành vi nghiêm cấm khi cứu trợ được quy định trong nghị định như báo cáo sai sự thật, gian lận, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, hàng do các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước ủng hộ, đóng góp; lợi dụng hoạt động cứu trợ để vụ lợi.

Theo Nghị định 64/2008, thời gian phân phối tiền, hàng cứu trợ được thực hiện ngay trong quá trình vận động đóng góp và kết thúc chậm nhất không quá 20 ngày, kể từ ngày kết thúc thời gian vận động đóng góp được quy định tại khoản 2 Điều này. Tuy nhiên nghệ sĩ Hoài Linh là cá nhân huy động thì không bị chi phối bất cứ Nghị định nào của pháp luật Việt Nam.

Cũng theo luật sư Nguyễn Quốc Cường, theo Nghị định 64/2008, khi cá nhân nhận quyên góp tiền từ thiện xong thì nên chuyển cho các tổ chức, đơn vị… phân phối, sử dụng số tiền đó hợp lý.

Chiều 24.5, trả lời báo giới, đại diện Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết Bộ đang hoàn thiện dự thảo Nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo để trình Chính phủ trong vài ngày tới.

Trước câu hỏi, có quy định cứng khoảng thời gian bao lâu sau khi tiếp nhận tiền từ thiện thì phải phân phối để tránh tình trạng "ngâm" tiền như trường hợp nghệ sĩ Hoài Linh, lãnh đạo Vụ Ngân sách Nhà nước cho hay chưa có quy định cứng về thời gian phải phân phối số tiền, đây là vấn đề thỏa thuận giữa người tiếp nhận và bên ủng hộ tiền. Bên tiếp nhận phải thông tin đến người ủng hộ về thời gian phân phối số tiền hoặc hiện vật, thống nhất việc phân phối như thế nào. "Sau 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm hoặc 2 năm đều hai bên phải thỏa thuận với nhau về thời gian phân phối", đại diện Vụ Ngân sách Nhà nước nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Hoài Linh chưa chuyển 14 tỷ từ thiện: ”Choáng” với lãi ngân hàng gửi trong 6 tháng

Cộng đồng mạng đua nhau đưa ra mức tính lãi trung bình của mỗi ngân hàng khi gửi tiết kiệm 14 tỷ đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phan Trai Úc ([Tên nguồn])
Hoài Linh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN