Thiếu hụt thịt lợn, DN chế biến xoay xở cách nào?

Dự báo cả nước sẽ thiếu khoảng 200 nghìn tấn thịt lợn dịp cuối năm khiến các cơ sở chế biến truyền thống đối mặt với nỗi lo thiếu nguyên liệu.

Những doanh nghiệp sản xuất chế biến lớn đều đã chủ động dự trữ lượng thịt lớn phục vụ Tết

Những doanh nghiệp sản xuất chế biến lớn đều đã chủ động dự trữ lượng thịt lớn phục vụ Tết

Giò lụa, bánh chưng gặp khó vì “bão giá”?

Theo thói quen của người Việt, vào dịp Tết cổ truyền, thịt lợn là món được ưa thích bởi dễ chế biến, tạo sự đa dạng trong mâm cỗ. Bên cạnh đó, những món truyền thống như giò chả, bánh chưng cũng chủ yếu được làm bằng thịt lợn tươi, nên việc dự trữ thịt và cân đối giá cả được xem là vấn đề khó khăn đối với các hộ kinh doanh chế biến mặt hàng này.

Tìm đến một cửa hàng giò chả gia truyền, được đánh giá là ngon nhất Hà Nội và là cửa hàng có lượng khách “không khi nào vơi”, chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Chấn, là truyền nhân thứ tư của thương hiệu giò Quốc Hương. Theo chia sẻ, mỗi ngày trung bình Quốc Hương bán ra thị trường khoảng 300kg giò (chưa kể các mặt hàng như chả, xúc xích, lạp sườn...). Kể từ khi giá thịt lợn loại 1 tăng lên khoảng 200 nghìn đồng/kg đồng nghĩa bà Chấn phải chi thêm mỗi ngày khoảng 18 triệu đồng để chế biến giò. “Giá thành cao, bắt buộc phải tăng giá bán nhưng chỉ tăng được ở mức thấp nhất có thể vì đây cũng là chính là thước đo quyết định hành động mua hàng của khách”, bà Chấn nói.

Tuy nhiên, nỗi lo của bà chủ Quốc Hương lại chính là không đủ thịt lợn tươi để phục vụ thị trường dịp Tết.

“Kể từ rằm tháng Chạp, lượng tiêu thụ đã tăng lên gấp nhiều lần. Ước tính mỗi ngày bán ra khoảng 700kg giò, chả và hàng nghìn cái bánh chưng. Để đáp ứng, Quốc Hương cần khoảng 1 tấn thịt/ngày để chế biến…”, bà Chấn nói và chia sẻ: “Bình thường, chỉ cần gọi điện đặt thịt trước một ngày. Nhưng bây giờ khan hàng, buộc phải làm hợp đồng đàng hoàng với những điều khoản ràng buộc yêu cầu cung cấp đủ hàng và đúng giá cam kết. Nói thế thôi, tuy nhiên vẫn không chắc chắn được có đủ lượng thịt không”.

Bà chủ Quốc Hương cũng khẳng định không thể dùng thịt đông lạnh để thay thế làm giò chả và bánh chưng. “Thịt tươi mới có nhựa, khi xay ra làm cho thịt quyện vào nhau tạo nên mùi thơm đặc trưng và độ mềm cho giò lụa. Nếu thịt đã bỏ lạnh thì không thể chế biến giò ngon, sẽ mất thương hiệu. Tương tự, muốn bánh chưng ngon cũng không thể dùng thịt đông lạnh để làm nhân. Thà không có hàng để bán chứ nhất quyết không dùng thịt đông lạnh”, bà Chấn nói.

Chuyện của Quốc Hương, cũng là nỗi lo chung của hầu hết những nhà chế biến thực phẩm gia truyền trong bối cảnh khan hiếm thịt lợn. Mặc dù dùng thịt đông lạnh có thể được giá rẻ hơn và ổn định, tuy nhiên họ quyết không dùng để bảo vệ thương hiệu của mình.

Dự trữ thịt đông lạnh, không lo thiếu nguồn cung

Khác với các cửa hàng gia truyền, những doanh nghiệp sản xuất chế biến lớn như CP, VISSAN… đều đã chủ động lưu trữ một lượng thịt lớn phục vụ Tết Nguyên đán với các sản phẩm xúc xích, giò chả, thịt nguội… Đại diện các hãng này cũng cam kết bình ổn giá bất chấp sự thay đổi của thị trường.

“Thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), tháng 10 cả nước đã nhập khẩu được khoảng 17 nghìn tấn thịt lợn, tính chung 10 tháng nhập khẩu khoảng 96 nghìn tấn và sẽ tiếp tục nhập khẩu trong thời gian tới. Sản phẩm nhập khẩu chủ yếu là thịt cắt miếng, chân giò, móng giò… từ các nước Ba Lan, Pháp, Đức, Hoa Kỳ.”

Theo chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú (Nguyên Chủ tịch Hiệp hội các siêu thị bán lẻ), bên cạnh việc các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu thịt lợn đông lạnh, các thực phẩm thay thế trong nước như thịt bò, thịt gia cầm, thủy sản cũng tăng từ 1,5 - 4,5% so với cùng kỳ. “Đây là tín hiệu gỡ khó cho nguồn cung, khiến tình trạng khan hàng, tăng giá đột biến khó có thể xảy ra trong dịp Tết”, ông Phú nói.

Theo khảo sát tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm trên địa bàn Hà Nội, các loại thịt nhập khẩu như thịt bò Úc, Mỹ hay thịt gà Mỹ, Hàn Quốc… được bày bán ngập tràn với giá rẻ hơn hàng trong nước. Cụ thể, thịt bò Úc được bán với giá dao động từ 170 - 355 nghìn đồng/kg (rẻ hơn thịt bò nội 10 - 15 nghìn đồng/kg); thịt lợn nhập khẩu Brazil, Ba Lan, Bỉ giá chỉ từ 50 - 80 nghìn đồng/kg (rẻ hơn thịt lợn nội địa từ 20 - 50 nghìn đồng/kg)…

Báo cáo của Sở Công thương Hà Nội, Sở đã vận động các doanh nghiệp dự trữ thịt lợn cấp đông và thịt phục vụ sản xuất thực phẩm chế biến. Trên địa bàn Hà Nội đã có 22 doanh nghiệp, đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường đăng ký, dự trữ lương thực thực phẩm, hàng hóa bình ổn trị giá 9.412 tỷ đồng (gấp 2,5 lần so với kế hoạch được giao). Trong đó, đã dự trữ 191.400 tấn gạo, 44.600 tấn thịt lợn, 14.800 tấn thịt gà, 12.306 tấn thịt bò...

Nguồn: [Link nguồn]

Giá thịt lợn đã ở mức cao kỷ lục trong 10 năm qua

Giá thịt lợn vẫn tiếp tục leo thang trong những ngày qua dù các bộ, ngành liên quan liên tục có họp bàn giải pháp “hạ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Hạnh ([Tên nguồn])
Biến động giá thịt lợn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN