Tết Songkran Thái Lan không chỉ té nước

Sự kiện: Du lịch Thái Lan

Ngoài hoạt động té nước sôi động ngoài đường phố, người Thái còn có hai nghi thức quan trọng trong dịp Songkran là tắm tượng và rửa chân cho cha mẹ.

Theo Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Thái Lan tại Việt Nam Nikorndej Balankura, Songkran được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể năm 2023 và được xác định là một trong 10 sự kiện lớn toàn cầu. Năm nay, Thái Lan tổ chức "Lễ hội té nước thế giới Maha Songkran" khắp các tỉnh thành trong tháng 4 nhằm thu hút khách du lịch, ông Balankura cho biết tại sự kiện Vui tết Songkran tại Hà Nội ngày 7/4.

Nổi tiếng với hoạt động té nước khắp mọi nơi, nhưng Songkran không chỉ là một trận chiến nước vui vẻ. Sự kiện còn chứa đựng nhiều truyền thống văn hóa của người Thái.

Đại sứ Nikorndej Balankura thực hiện nghi lễ tắm tượng tại sự kiện Vui Tết Songkran 2024 tại Hà Nội, hôm 7/4. Ảnh: Phương Anh

Đại sứ Nikorndej Balankura thực hiện nghi lễ tắm tượng tại sự kiện Vui Tết Songkran 2024 tại Hà Nội, hôm 7/4. Ảnh: Phương Anh

Songkran đánh dấu khởi đầu năm mới truyền thống của người Thái, thường được tổ chức từ 13 đến 15/4. Một số tỉnh thành bắt đầu tổ chức sự kiện té nước phục vụ du khách trong suốt tháng 4.

Khi công nhận Songkran là di sản văn hóa, UNESCO đã miêu tả về sự kiện này: "té nước là một hành động quan trọng trong dịp Songkran, tượng trưng cho sự thanh tẩy, tôn kính và may mắn". Các hoạt động khác gồm tắm tượng Phật, té nước vào gia đình - bạn bè, tổ chức diễn các vở kịch và trò chơi dân gian, tiệc tùng, chơi nhạc.

Pipad Krajaejun, giảng viên lịch sử tại Đại học Thammasat Bangkok, cho biết Songkran có hai nghi lễ chính vẫn được thực hiện rộng rãi cho đến nay. Vào ngày đầu tiên của năm mới 13/4 (ngày Songkran), người dân đến chùa để đổ nước lên tượng Phật, tránh đổ lên phần đầu. Nghi lễ này được gọi là Song Nam Phra. Mọi người cũng dọn dẹp nhà cửa, nơi công cộng như đền chùa, trường học để loại bỏ điềm xui trong năm cũ. Ngày nay, du khách đến Thái có thể thực hiện Song Nam Phra tại các trung tâm mua sắm như một hoạt động vui chơi giải trí.

Truyền thống thứ hai diễn ra vào ngày 14/4 (ngày Wan Nao) gọi là Rot Nam Dam Hua - người trẻ dùng nước hoa hồng, lài để rửa chân cho ông bà, cha mẹ nhằm thể hiện sự kính trọng. Đổi lại, người lớn tuổi sẽ chúc phúc cho con cháu.

Trận chiến súng nước trong sự kiện Vui Tết Songkran 2024 hôm 7/4 tại Hà Nội. Ảnh: ĐSQ

Trận chiến súng nước trong sự kiện Vui Tết Songkran 2024 hôm 7/4 tại Hà Nội. Ảnh: ĐSQ

Ngày 15/4 (ngày Wan Payawan), mọi người chuẩn bị thức ăn, lễ vật, quần áo để dâng lên các nhà sư và cúng dường, phóng sinh rồi cầu nguyện. Các sự kiện này diễn ra toàn quốc nhưng một trong những địa điểm ấn tượng nhất để đến xem là chùa Wat Proteket Chettaram tỉnh Samut Prakan, theo TAT. Vòng hoa là biểu tượng không thể thiếu ở Songkran. Chúng tạo nên hương thơm và vẻ đẹp cho lễ hội. Ba loại hoa thơm chính thường được sử dụng để làm vòng hoa là nhài, lan trắng và hoa hồng. Phuang Malai hay vòng hoa được dùng để tặng cho người thân lớn tuổi, nhằm bày tỏ tình yêu, sự tôn trọng.

Một số món ăn đặc biệt dùng trong dịp này là khao chae (cơm ngâm nước lạnh) ăn kèm cá chiên giòn, thịt lợn xé nhỏ, rau xanh hay xôi xoài.

Pipad Krajaejun cho biết rất khó xác định chính xác từ khi nào các trận chiến té nước trở thành một phần quan trọng của lễ hội. Theo những bức ảnh cũ được chụp tại Chiangmai năm 1964, nhiều người đã tham gia vào cuộc chiến té nước trên sông Ping. Trong khi những người lớn tuổi nói té nước diễn ra ở nhiều nơi tại Thái Lan trong 60-70 năm qua. Tuy nhiên, khi đó cuộc chiến té nước diễn ra trong các ngôi làng, mọi người đều quen biết nhau. Các trận chiến súng nước ngày nay quy mô lớn hơn với hàng nghìn người tham gia và không nhất thiết phải là họ hàng, người thân mới được té nước vào nhau.

Lễ rước trong dịp Songkran tại Thái Lan 2023. Ảnh: Reuters

Lễ rước trong dịp Songkran tại Thái Lan 2023. Ảnh: Reuters

Tại Bangkok, Lễ hội té nước thế giới Maha Songkran 2024 diễn ra từ 11 đến 15/4 tại quận trung tâm, quanh đại lộ Ratchadamnoen Klang và Sanam Luang, gần các địa điểm nổi tiếng như Cung điện Hoàng gia, chùa Phật Ngọc. Điểm nổi bật của lễ hội năm nay là cuộc diễu hành Maha Songkran, diễn ra vào 11/4 từ cầu Phan Fa Lilat, kết thúc tại Sanam Luang. Có khoảng 20 đám rước lớn với hơn 1.000 người tham gia. Tại Sanam Luang, một khu vực rộng lớn phía trước Hoàng cung, các buổi biểu diễn văn hóa, âm nhạc sẽ diễn ra trong suốt lễ hội.

Lưu ý dành cho du khách dịp Songkran

Songkran là thời gian người Thái đoàn tụ gia đình và cũng là lúc du khách đổ xô đến. Do đó, phương tiện giao thông cộng cộng, khách sạn thường kín phòng trước nhiều tháng. Du khách nên lên kế hoạch đi chơi dịp này càng sớm càng tốt.

Cẩn thận khi tham gia giao thông dịp này vì mọi người có thể ít thận trọng hơn bình thường, theo TAT. Chính phủ Thái Lan cũng đưa ra khuyến cáo người dân, du khách không lái xe khi uống rượu, phải đội mũ bảo hiểm nếu đi xe máy.

Tai nạn giao thông gây chết người tăng trong các dịp Songkran. Nguyên nhân chính là mọi người lái xe khi say rượu. Bên cạnh đó, các khiếu nại về nạn quấy rối tình dục trong các cuộc chiến súng nước cũng được báo cáo. Chính phủ Thái khuyến cáo du khách cần hỗ trợ khẩn cấp hãy gọi đến đường dây nóng theo số 1155.

Du khách không nên mang theo đồ có giá trị khi ra ngoài dịp này, điện thoại nên được bọc trong túi chống nước và nên đeo kính bảo hộ để bảo vệ mắt khi bị té nước lên người. Lý do là không phải nguồn nước nào cũng sạch khi mọi người tham gia trận chiến súng nước. Du khách cũng nên bôi kem chống nắng, đội mũ khi tham gia Songkran vì Thái Lan đang là mùa hè, nhiệt độ có thể lên đến 40 độ C. Nên mang theo đồ khô hoặc khăn choàng cỡ lớn để mặc sau khi tham gia sự kiện té nước ngoài trời.

Theo đại sứ Nikorndej Balankura, Thái Lan chứng kiến "lượng lớn khách du lịch Việt Nam" ghé thăm năm 2023, với hơn một triệu lượt. Nhiều chuyến bay thường xuyên của các hãng hàng không giữa Việt Nam - Thái Lan góp phần thúc đẩy du lịch. Dự kiến lượng khách Việt đến Thái năm nay vượt năm 2023.

Nguồn: [Link nguồn]

Trải qua ba thập kỷ, Thái Lan đã trở thành trung tâm du lịch sôi động của Đông Nam Á với hơn 28 triệu du khách mỗi năm. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng đã khiến cho những địa điểm như vịnh Phang Nga gần Phuket trở nên quá tải và phải đóng cửa vào năm 2018.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Minh (Theo CNN, TAT) ([Tên nguồn])
Du lịch Thái Lan Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN