Sentinelese – Tộc người bí ẩn nhất thế giới

Sự kiện: Du lịch, lễ hội

Cùng với sự tiến bộ của khoa học, con người đã đặt chân lên mặt trăng và trong một tương lai không xa, sẽ là sao Hỏa. Tuy nhiên, ngay tại trái đất mà chúng ta đang sống, vẫn còn có nhiều điều chưa được biết đến, cụ thể là tộc người Sentinelese ở đảo Sentinel. Hơn 60.000 năm qua, ánh sáng văn minh chưa hề chiếu rọi đến nơi này…

Hòn đảo cô độc

Nằm trong quần đảo Andaman thuộc vịnh Bengal, giữa Ấn Độ và Myanmar là một hòn đảo diện tích chỉ vỏn vẹn 37km vuông. Từ trên cao nhìn xuống, nó có hình dạng như một con chim với cái mỏ nghiêng về một bên. Rừng mưa nhiệt đới phủ kín bề mặt hòn đảo khiến người ta chỉ thấy một màu xanh ngút ngàn và không hề biết có cái gì ẩn giấu ở bên dưới.

Năm 1771, trên chiếc tàu Diligent của Công ty Đông Ấn, thuyền trưởng John Ritchie là người đầu tiên phát hiện đảo Sentinel nhưng tàu của ông chỉ đi ngang mà không ghé vào bởi những rạn san hô bao quanh đảo. Nếu muốn lên đảo, chiếc Diligent phải thả neo ngoài xa vì đến gần sẽ mắc cạn.

Tộc người Sentinelese bắt cá bằng cung tên (Ảnh chụp năm 1970).

Tộc người Sentinelese bắt cá bằng cung tên (Ảnh chụp năm 1970).

Khi về London, thuyền trưởng John Ritchie báo cáo vị trí của hòn đảo ấy với Hải quân Anh Quốc để bổ sung vào bản đồ nhưng do nó quá nhỏ nên chẳng ai để ý. Tuy vậy, Ritchie vẫn gọi nó là Sentinel - nghĩa là "Lính gác". Cái tên Sentinel được các thuyền trưởng của Công ty Đông Ấn truyền tai nhau và dần dà, nó trở thành tên gọi chính thức.

Mùa hè năm 1867, một tàu buôn Ấn Độ là Nineveh với 106 hành khách cùng thủy thủ đoàn 72 người bị sóng đánh vỡ một bên mạn thuyền trong một trận bão. Lúc nhìn thấy đảo Sentinel, thuyền trưởng đã ra lệnh ghé vào để tìm vật liệu sửa chữa.

Trong cuốn nhật ký hải hành còn lưu giữ được, thuyền trưởng Rajya viết: "Mặc dù chúng tôi đã từng nghe những câu chuyện đáng sợ về thổ dân ở những hòn đảo hoang vu thuộc quần đảo Andaman nhưng thoạt đầu, Sentinel dường như không có người ở. Tuy nhiên đến ngày thứ ba, khi chúng tôi vừa chặt xong một số cây thì từ trong rừng, hàng trăm thổ dân gần như trần truồng, tóc ngắn, mũi sơn màu đỏ đồng loạt xông ra, miệng hét lên: "Pa on ough" rồi bắn hàng loạt mũi tên về phía chúng tôi…". Trong số 36 sĩ quan, thủy thủ lên bờ chặt cây sửa thuyền, chỉ 8 người chạy thoát được về tàu.

Vụ thảm sát trên đảo Sentinel đã gây chấn động trong giới hàng hải. Hệ quả là suốt nhiều năm sau đó, các tàu buôn đều né tránh vùng biển này.

Đến năm 1880, một đoàn thám hiểm người Anh với 20 thành viên vũ trang bằng súng trường, do Vidal Maurice lãnh đạo đã tìm cách tiếp cận bộ lạc bí ẩn trên đảo. Dẫn đường cho họ là một thổ dân Andaman nhưng người này cũng chỉ mới đến Sentinel lần đầu. Và mặc dù có súng nhưng tâm trạng của hầu hết các thành viên trong đoàn thám hiểm đều rất lo lắng.

Sau khi đặt chân lên đảo, họ chỉ loanh quanh ở ven rìa bờ cát. Mãi đến ngày thứ tư, thấy mọi sự im ắng, một nhóm 12 người mới dám tiến vào rừng. Đi hơn 1km, họ phát hiện một con đường mòn, vài túp lều rất thô sơ cùng những cái hố mà dấu vết để lại chứng tỏ đó là những cái bếp. Vidal Maurica viết trong nhật ký: "Dường như tất cả bị bỏ hoang. Không rõ có phải vì sợ trả thù nên họ đã trốn đi khi thấy chúng tôi vào…".

Ngày thứ 6 của cuộc thám hiểm, nhóm Vidal Marice gặp một gia đình gồm đôi vợ chồng thổ dân đã già cùng hai đứa con, ngồi thu mình trốn trong một bọng cây. Lập tức, họ bắt cả gia đình ấy đưa lên tàu, chuyển về Port Blair - là thủ phủ của quần đảo Andaman. Và mặc dù nhóm của Marice cố gắng dụ dỗ bằng cách ra dấu, 4 thổ dân vẫn nhất quyết không mặc quần áo, không ăn những thức ăn của người Anh mà chỉ ăn cá sống. Do ngôn ngữ bất đồng, nhóm thám hiểm không khai thác được gì về cộng đồng thổ dân trên đảo Sentinal.

Ba tháng sau, đôi vợ chồng già lần lượt chết vì bệnh sưng phổi. Cuối cùng, Vidal Maurice quyết định đưa hai đứa trẻ lên tàu với một số quà tặng như dao găm, gương soi, chỉ ngũ sắc, bánh kẹo rồi thả chúng trở lại đảo Sentinel với hy vọng cử chỉ thiện chí ấy sẽ giúp tránh được những cuộc đụng độ khi họ tiếp tục tiến hành khảo sát hòn đảo.

Năm 1896, một nhóm tù nhân Ấn Độ vượt ngục đã không may mắn như đoàn thám hiểm của Maurica. Lúc chiếc bè của họ mắc cạn ở rạn san hô Sentinel rồi gần 1 tuần, khi một tàu buôn Anh Quốc đi qua, các thủy thủ bằng ống nhòm đã nhìn thấy những xác chết nằm phơi mình trên bãi biển với cổ bị cắt đứt còn thân thể cắm đầy những mũi tên.

Từ đó cho đến thập niên 1960, không còn ai dám lên đảo. Mãi đến tháng 3-1970, nhà nhân chủng học Ấn Độ Triloknath Pandit cố gắng tìm cách liên lạc với thổ dân trên đảo nhưng lúc tàu của ông chỉ vừa mới tiến vào rạn san hô thì từ trong rừng, hàng chục thổ dân trần truồng xuất hiện, tay cầm cung, miệng hò hét với thái độ thù địch.

Nhiều thổ dân khác lội xuống biển, chĩa những mũi tên vào người trên tàu. Để tỏ thiện chí, thủy thủ ném xuống một số đồ vật nhưng thổ dân vẫn la hét. Rõ ràng là họ không chấp nhận sự có mặt của những người lạ.

Tộc người Sentinelese là ai?

Theo các nhà nhân chủng học, nhiều khả năng người Sentinelese là hậu duệ của một trong những nhóm người đầu tiên rời khỏi châu Phi, và họ đã đến đảo Sentinel từ  60.000 năm trước. Bằng cách hái lượm, đánh cá, người Sentinelese sống như thời nguyên thủy.

Họ biết sử dụng lửa nhưng lại không hề biết đến nông nghiệp và hoàn toàn cô lập với thế giới bên ngoài. Thứ duy nhất có liên quan đến văn minh nhân loại là những mũi tên bằng sắt, được người Sentinelese chế tác từ những mảnh sắt thép ở vỏ tàu đắm.

Sau trận động đất, sóng thần năm 2004, người Sentinelese vẫn tồn tại.

Sau trận động đất, sóng thần năm 2004, người Sentinelese vẫn tồn tại.

Theo tường thuật của những người đã gặp họ, ngôn ngữ của họ xem ra chỉ gồm những tiếng "ao, on, ou". Dựa vào nhật ký hải hành của thuyền trưởng Rajva mô tả về túp lều của họ và những ghi chép của nhóm thám hiểm Vidal Maurice, xã hội Sentinelese không sống theo chế độ quần thể mà có từng gia đình riêng. Thức ăn của họ chủ yếu là dừa, chim chóc, các loài bò sát, hải sản - nướng hoặc ăn sống.

Bốn năm sau cuộc thám hiểm của Triloknath Pandit, mùa xuân năm 1974, một nhóm quay phim đến đảo Sentinel để thực hiện bộ phim tài liệu về tộc người Sentinelese cho kênh truyền hình National Geographic.

Và khi họ bắt đầu tiếp cận với thổ dân ở rạn san hô, lúc ấy đang dùng những thân cây dài, vót nhọn để đâm cá thì họ bị tấn công bằng cung tên. Vội vàng rút ra xa, nhóm quay phim thả xuống biển các món quà tặng gồm búp bê, xe hơi đồ chơi bằng nhựa, xoong nồi để nấu nướng cùng một con lợn.

Những thước phim quay được cho thấy thổ dân Sentinelese đưa tất cả vào bờ rồi đào hố chôn hết. Sau đó, thổ dân nhặt những hòn đá ném như mưa về phía nhóm quay phim khiến họ phải rút lui. Nicholas Stimwell, trưởng nhóm quay phim nói: "Chúng tôi đã biết về những gì có ở dưới đáy biển, biết bề mặt của mặt trăng ra sao, biết Nam Cực, Bắc Cực như thế nào nhưng lại không thể biết được điều gì đang diễn ra ở một hòn đảo bé tí".

Năm 1981, sau một trận bão, chiếc tàu chở hàng MV Primsose bị mắc cạn trên rạn san hô đảo Sentinel. Chỉ vài giờ sau, thủy thủ đoàn vô cùng sợ hãi khi tận mắt chứng kiến thổ dân Sentinelese làm những chiếc bè từ những thân cây để tấn công họ. Thái độ thù địch của họ thể hiện rất rõ ràng bằng việc chỉ về phía tàu cùng những tiếng la hét.

Do không được vũ trang nên thuyền trưởng tàu MV Primsose lập tức gửi đi một điện tín cấp cứu: "Chúng tôi thấy hơn 500 thổ dân với cung tên và giáo mác cùng hàng chục chiếc bè. Có khả năng họ sẽ tấn công chúng tôi sau khi trời tối. Đề nghị máy bay thả vũ khí xuống cho chúng tôi…".

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của trận bão nên tất cả mọi phương tiện tiếp ứng đều không thể đến được. Thuyền phó Vijayrana kể lại: "Suốt 3 đêm, chúng tôi phải chống đỡ hàng chục đợt tấn công. Bằng vòi phun nước, súng bắn pháo hiệu và nhiều vật dụng khác, chúng tôi đã ngăn không cho họ tiếp cận con tàu. Cũng may là những mũi tên đều không có bộ phận định hướng ở đuôi nên bắn không trúng đích, còn đá thì họ không ném xa được".

Mãi đến chiều ngày thứ 4, khi cơn bão đã ngớt, trực thăng của Công ty Dầu khí Ấn Độ mới cứu hết tất cả mọi người trên tàu. Và mặc dù thủy thủ đoàn không ai bị thương nhưng "tiếng dữ" của đảo Sentinel một lần nữa lại lan truyền nhanh như tia chớp.

Không thể bước ra ánh sáng

Đầu năm 1991, một lần nữa nhà nhân chủng học Ấn Độ Triloknath Pandit lại tìm cách tiếp cận với tộc người Sentinelese. Ngày 4-1, ông cùng các cộng sự đặt chân lên đảo, tất cả đều hồi hộp chờ đợi những mũi tên bay ra từ trong rừng nhưng lần này, người Sentinelese đứng ở xa nhìn họ mà không hề có phản ứng. Đối với Pandit, đây là một tín hiệu hòa bình nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đó và không hề có một cuộc tiếp xúc nào.

Cũng năm 1991, một đội cứu hộ vào đảo Sentinel để trục vớt phần còn lại của tàu MV Primrose nhưng khác với nhóm Triloknath Pandit, họ được tiếp đón bằng một cơn mưa mũi tên khiến tàu cảnh sát hộ tống phải ra tay can thiệp bằng cách bắn dọa. Đến tháng 9, để bảo vệ tộc người Sentinelese, Chính phủ Ấn Độ cấm tất cả các loại tàu thuyền vào đảo - vừa để tránh xung đột - vừa ngăn chặn bệnh tật lây lan vì rất có thể tộc người Sentinelese không có sức đề kháng trước những loại vi khuẩn, virus.

Năm 2004, trận động đất kèm theo sóng thần ở Ấn Độ Dương giết chết hơn 200.000 người tràn qua đảo Sentinel. Hình ảnh từ vệ tinh cho thấy nó đã phải chịu sự tàn phá khủng khiếp. Trận động đất nâng toàn bộ mép đảo Sentinel lên khỏi mặt nước và rạn san hô trước kia vốn chìm dưới nước thì bây giờ nằm phơi mình dưới nắng, thay đổi toàn bộ cảnh quan trên đảo. Những cánh rừng bị sóng thần đánh tung gốc, nằm ngổn ngang đầy vẻ chết chóc.

Lúc ấy, không ai nghĩ tộc người Sentinelese có thể tồn tại nhưng khi thảm họa vừa qua đi, một máy bay trực thăng của lực lượng tuần duyên Ấn Độ bay đến để khảo sát thì dưới mắt phi công, hàng trăm người Sentinelese đã đổ xô ra một bãi đất trống, nhìn rất khỏe mạnh và lanh lợi, Nhiều người giương cung lên bắn vào máy bay. Nó cho thấy người Sentinelese sống sót mà không cần đến bất kỳ một sự giúp đỡ nào từ thế giới bên ngoài.

Và cũng kể từ đó, những cuộc gặp gỡ đầy bạo lực với người Sentinelese vẫn tiếp diễn. Năm 2006, hai ngư dân lén lút đến câu cá dọc theo rạn san hô đã bị người Sentinelese tấn công rồi giết chết. Lúc ấy đã xảy ra những tranh luận rằng cứ để cho xác họ nằm đó hay mang xác họ về. Cuối cùng, khi trực thăng đến lấy xác, người Sentinelese tiếp tục tấn công trực thăng bằng cung tên. Trước đó, năm 2004 một nhà truyền giáo người Mỹ cũng đã bị thổ dân giết chết khi tìm cách tiếp xúc với thổ dân để giảng đạo.

Hiện tại, Ấn Độ vẫn giữ quan điểm cấm tàu thuyền đến đảo Sentinel đồng thời thực hiện chính sách không can thiệp, không tiếp xúc với thổ dân trên đảo nhằm bảo vệ nếp sống nguyên thủy của họ. Thay vào đó, chính phủ cung cấp cho họ những vật dụng thiết yếu trong cuộc sống để họ dần tiếp cận với nền văn minh, chẳng hạn như hạt giống, con giống, dụng cụ chăn nuôi, nông nghiệp.

Tuy nhiên, Tiến sĩ nhân chủng học Venkateswar đã cảnh báo rằng đây là một ý tưởng tồi: "Tộc người Sentinelese là mắt xích cuối cùng của sự tương tác giữa con người và thiên nhiên. Nếu cho họ tiếp cận với nền văn minh bắt đầu từ những thứ sơ đẳng nhất thì lâu dài, điều gì sẽ đến? Đó sẽ là hàng loạt du khách, nhà buôn, nhà báo, nhà nghiên cứu, những kẻ tò mò, thèm của lạ rồi kéo theo đó là rượu, thuốc lá, tình dục và thậm chí là ma túy như đã từng xảy ra với thổ dân châu Mỹ, châu Phi. Nó có thể sẽ không đến ở thế hệ này nhưng chắc chắn nó sẽ đến ở những thế hệ tiếp theo. Tộc người Sentinelese sẽ phải chịu đựng nhiều thay đổi và mất đi bản sắc trước khi tìm được chỗ đứng trong nền văn minh chung…".

Bây giờ, người Sentinelese vẫn sống như 60.000 năm trước, và vẫn với cung tên khi thấy những con tàu lạ có ý tiến vào…

Tộc người kỳ lạ 8 tuổi đã trưởng thành, sinh con

Nằm ở khu vực rừng nhiệt đới giữa châu Phi, có một bộ tộc của người Pygmy sinh sống. Họ là những cư dân lâu đời...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vũ Cao ([Tên nguồn])
Du lịch, lễ hội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN