Ớn lạnh, rợn người nơi hang tối, ban ngày phải rọi đèn pin đi chợ

Hang Thẳm Luông (thuộc bản Thẳm, xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) nơi lưu dấu những gót chân mưu sinh của hàng chục hộ dân. Hàng ngày họ phải dùng đèn pin đi lại trong sự vất vả, nhọc nhằn, mạo hiểm qua hang tối trong sự sợ hãi tiềm ẩn nhiều điều bất trắc...

Đi chợ… cũng phải dắt đèn pin, đóm lửa

Đứng từ bên vệ đường Quôc lộ 6, đánh mắt nhìn lên ngọn núi đá sừng sững cao ngút, giữa vách đá dựng đứng là một cái hang sâu hun hút, từ chân núi một lối mòn bắc qua dẫn lên hang.

Đối với người lạ thoạt nhìn vách đá đã thấy rợn người, nổ da gà vì độ cao. Hang đá xuyên qua lòng núi, phía trong tối mịt.

Ấy thế nhưng đây lại chính là con đường mưa sinh của hàng chục hộ dân sống trong thung lũng phía sau dãy núi. Hàng ngày họ phải nhọc nhằn, mạo hiểm rọi đèn pin, đốt đuốc đi qua hang tối bất chấp sự sợ hãi, nguy hiểm, rắn, rết… do đây là con đường độc đạo duy nhất.

Ớn lạnh, rợn người nơi hang tối, ban ngày phải rọi đèn pin đi chợ - 1

Hang Thẳm Luông nằm trên vị trí vách núi đá dựng đứng.

Để mục sở thị, PV  bám theo một số người dân theo họ đi vào con đường trong hang tối để xuyên qua núi. Mặc dù đã được cảnh báo và chuẩn bị sẵn tinh thần nhưng chúng tôi vẫn không dứt được tâm trạng lo lắng, run sợ.

Càng đi sâu vào hang đá cảm giác ớn lạnh, nổ da gà xuất hiện. Ánh đèn xe máy thường ngày sáng trưng nhưng trong lòng hang chỉ sáng mập mờ, lập lòe như con đom đóm, phải căng mắt nhìn lấy được điểm bám lối đi mới không bị chệnh đường.

Những ổ gà, ổ voi, những khúc cua trong hang khiến bánh xe nẩy lập bập như sắp đâm vào vách đá. Âm thanh phản xạ phát ra từ chiếc xe máy ù ù xói lên ầm ĩ đập vào tai nghe lạnh người...

Với người lần đầu tiền đi qua hang tối, cảm giác thật sợ, thế nhưng với người dân nơi đây đã thành chuyện cơm bữa, quá đỗi quen thuộc, ngày nào họ cũng phải qua lại bất kể là nắng hay mưa.

Ông Lò Văn Xiến (86 tuổi), dân tộc Thái, người từng chứng kiến nhiều cảnh vất vả của bà con dân bản mỗi khi đi hang tối.

Hôm chúng tôi đến nhà, ông Xiến đang ngôi đầu sàn buộc túm những bó rau rừng mới hái về cho vào trong túi nilon để vợ ông là bà Lò Thị Sươi (81 tuổi) đem ra chợ bán kiếm ít đồng đổi lấy mắm, muối.

Như đã thành thói quen khi xuống chợ hay có việc gì đó ra trung tâm xã, công việc đầu tiên của bà Sươi khi bước ra đường là cầm lấy chiếc đèn pin treo sẵn ở cái cột giữa nhà vì không thể thiếu được nó. Tuổi cao không đi được xe máy nên bà đi bộ, mỗi tuần dăm ba lần bà vừa gánh rau vừa rọi đèn pin qua hang tối xuống chợ bán rau cho khách.

Ớn lạnh, rợn người nơi hang tối, ban ngày phải rọi đèn pin đi chợ - 2

Hang Thẳm Luông là nơi qua lại của hàng chục hộ dân mỗi ngày.

Chúng tôi hỏi sao phải mang theo đèn pin, ông Xiến nói rằng: Cũng giống như hầu hết hơn 60 hộ dân sống ở thung lũng này, khi có việc gì đi ra xã, ra chợ ai cũng cầm theo đèn pin hoặc dắt theo cái đóm, đốt đuốc hoặc bật lửa bên người để soi lối đi trong hang.

"Dù đi bộ hay đi xe máy vẫn phải dắt đèn pin theo bên người phòng thân, tránh trường hợp xe hỏng giữa đường hang. Vì sâu trong hang trời rất tối mịt không thể định hướng được đường đi....", ông Xiến thở dài nói với PV.

Trước đây, hang Thẳm Luông từng là nơi trú ngụ của rất nhiều loài động vật hoang dã, nhiều nhất vẫn là dơi. Dơi trong hang tối nhiều đến nỗi phân do thải ra thành những mô đất lồi phía trong hang, người dân trong vùng thường đào lấy loại đất này về chế tạo chất đốt. Do tình trạng đánh bắt thiếu ý thức của một số người dân làm cho số lượng dơi trong hang hiện còn rất ít.

Ớn lạnh, rợn người nơi hang tối, ban ngày phải rọi đèn pin đi chợ - 3

Ông Lò Văn Xiến kể về những câu chuyện trong hang Thẳm Luông.

Học sinh không dám đến trường một mình

Xưa kia, hang Thẳm Luông là hang đá tự nhiên, trước đây hang cheo leo giữa vách núi đá dựng đứng rất ít người lên được đó. Trong thời kỳ chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hang Thẳm Luông được bà con dân bản Thẳm và một số bản lân cận ở Tông Lạnh chọn làm nơi cất giữ đồ đạc trong nhà khi chạy giặc.

Từ dưới nhìn lên miệng hang cao vút, để trèo lên đó phải chặt tre, nứa, làm thang nối lại thành nhiều khúc mắc lên (nối 6 khúc thang tre, mỗi khúc dài gần 10m mới lên tới cửa hang). Có thang nhưng phải là những thanh niên trai tráng khỏe mạnh, dũng cảm, mới dám trèo lên.

Giấu đồ xong người dân quay xuống cất thang đi chỗ khác, không cho ai biết, khi tình hình giặc giã tạm yên ổn mới quay lại hang lấy đồ đã cất giấu.

Ớn lạnh, rợn người nơi hang tối, ban ngày phải rọi đèn pin đi chợ - 4

Hang Thẳm Luông xuyên qua núi đá dài 500 mét.

Theo thông tin mà PV thu được từ lãnh đạo UBND xã Tông Lạnh, năm 1964, trong thời kỳ chiến tranh khi đế quốc Mỹ leo thang bắn phá Miền  Bắc, hang Thẳm Luông được bộ đội Việt Nam chọn làm nơi cất dấu vũ khí, bộ đội phá đá mở một con đường nhỏ men theo vách đá từ chân núi lên cửa hang.

Đến năm 1966 hang Thẳm Luông được đục thông sang sườn núi bên kia bản Chùn, trong hang còn nhiều dấu tích hoạt động của bộ đội. Vài chục năm trở lại đây, hang Thẳm Luông trở thành đường đi lại của trên 50 hộ đân bản Chùn và một số hộ dân bản Thẳm, bản Cuông Mường ở xã Tông Lạnh.

Đường lên hang Thẳm Luông vừa dốc, vừa nhiều đá lổm nhổm rất khó đi, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sản xuất của người dân.

Nói về cảnh đi lại vất vả của người dân, anh Lường Văn Thương, Trưởng bản Chùn (Tông Lạnh) chia sẻ với PV: "Hang Thẳm Luông có chiều dài 500 mét, phía sau hang là thung nơi sinh sống của bà con dân bản Chùn tổng có 51 hộ, 246 khẩu. Hàng ngày, bà con dân bản đi lại qua hang tối rất vất cả, ai đi cũng phải mang theo đèn pin, đóm lửa để soi đường...".

Theo anh Thương, đường đi lại khó khăn, kinh tế của bản cũng vì thế mà đói kém, hiện cả có tới 33 hộ là hộ nghèo và cận nghèo. Thương nhất là các cháu học sinh nhỏ, nhiều cháu nhỏ sợ hang tối không dám đi qua phải có người đi cùng mới chịu đến trường học.

Vào những ngày trời mưa gió bố mẹ các cháu không đưa đến trường được do đường trong hang trơn ướt, nước từ trên núi chảy vào hang thành rãnh nước nhỏ đi lại rất khó khăn, nhiều cháu nghỉ học thường xuyên.

Ớn lạnh, rợn người nơi hang tối, ban ngày phải rọi đèn pin đi chợ - 5

Hang Thăm Luông được đục thông từ năm 1966 là con đường đi lại duy nhất của hàng chục hộ dân.

Trong hang tối cũng tiềm ẩn nhiều điều bất chắc, theo anh Thương: Cách đây 5 năm về trước hang bản Thẳm là nơi tụ tập của nhiều đối tượng nghiện hút. Chúng lẩn trốn trong hang hút, chích thuốc ma túy và ngủ luôn trong hang-lối đi lại của bà con dân bản.

Mỗi khi gặp những đối tượng nghiện ma túy này ai cũng lo sợ. 7 năm trước, trong hang đã xảy ra một vụ cướp, người dân bị đối tượng xấu dụ vào hang dùng súng bắn vào người để cướp tài sản, nhờ được phát hiện kịp thời đưa đến bệnh viện cấp cứu nên may mắn được cứu sống.

"Bản thường xuyên khuyến cáo bà con cảnh giác khi đi qua hang tối Thẳm Luông, nhưng cái khó đây là đường duy nhất của bản đi lại, lo nhất là lúc nửa đêm người dân đi lại. Đường đi lại không thuận lợi đã trở thành vật cản phát triển kinh tế của người dân nhiều năm nay....", anh Lường Văn Thương.

Khám phá sơn động bí ẩn và dài nhất Sơn La

Sơn động Hoa Sơn dài khoảng 15km, ở bản Hoa Sơn 1 (xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) là sơn động mới được phát...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quốc Định ([Tên nguồn])
Địa điểm du lịch hot 63 tỉnh thành Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN