Kim tự tháp Indonesia lâu đời hơn Giza Ai Cập 20.000 năm?

Sự kiện: Du lịch, lễ hội

Kết quả phân tích mới về di tích linh thiêng Gunung Padang trên đảo Tây Java cho thấy đây có thể là kim tự tháp lâu đời nhất thế giới, với niên đại vượt xa các kim tự tháp ở Ai Cập hay Thổ Nhĩ Kỳ.

Gunung Padang là một cấu trúc cự thạch tọa lạc trên một sườn đồi ở Tây Java, rất linh thiêng với người dân địa phương dù chính bản thân họ chưa hiểu rõ nguồn gốc cổ xưa của công trình.

Một cuộc nghiên cứu quy mô đã được tổ chức từ năm 2011, dẫn đầu bởi nhà địa vật lý - địa chất học Danny Hilman Natawidjaja của Cơ quan Nghiên cứu và đổi mới quốc gia Indonesia, đã vén màn bí ẩn Gunung Padang, với các kết quả gây choáng váng vừa được công bố trên tạp chí khoa học Archaeological Prospection.

Quá trình khai quật, nghiên cứu tại Gunung Padang - Ảnh: Archaeological Prospection.

Quá trình khai quật, nghiên cứu tại Gunung Padang - Ảnh: Archaeological Prospection.

Theo Science Alert, các nhà khoa học đã sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau bao gồm khoan lõi để nghiên cứu trầm tích, radar xuyên đất và chụp ảnh thăm dò dưới bề mặt.

Hầu hết phần nhìn thấy được của Gunung Padang chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm". Các cấu trúc chính của công trình bị vùi lấp trong sườn đồi.

Công trình tọa lạc trên đỉnh một ngọn núi lửa này không chỉ được xây, mà là thành quả điêu khắc hàng ngàn năm sâu vào ngọn đồi dung nham tự nhiên, mà các nhà khoa học tin rằng còn vô số căn phòng ẩn giấu bên trong lõi kim tự tháp.

Việc xác định niên đại bằng đồng vị carbon phóng xạ thực sự gây sốc: Các phần đầu tiên của kim tự tháp Indonesia đã được xây dựng từ kỷ băng hà cuối cùng, khoảng 16.000-27.000 năm về trước.

Điều này có nghĩa nó cổ xưa hơn trên dưới 20.000 năm so với Giza lừng danh của Ai Cập. Đại kim tự tháp Giza có tuổi đời khoảng 4.500 năm, là một trong 7 kỳ quan thế giới cổ đại.

Trong khi đó, cấu trúc cự thạch giữ kỷ lục về tuổi đời trước đó là Göbekli Tepe, một quần thể đá khổng lồ có thể là đài quan sát thiên văn và trung tâm nghi lễ ở Thổ Nhĩ Kỳ, niên đại khoảng 11.000 năm.

Giống như nhiều công trình cự thạch khác trên thế giới, kim tự tháp bí ẩn Gunung Padang được xây dựng theo từng giai đoạn phức tạp và tinh xảo, với các cấu trúc sâu nhất nằm ở độ sâu 30 m trong lòng đồi.

Sau khi phần cốt lõi được dựng lên khoảng từ năm 25000 đến 14000 trước Công nguyên, một cuộc xây dựng mới được tiếp diễn vào giai đoạn năm 7900 đến 6100 trước Công nguyên, mở rộng lõi kim tự tháp bằng nhiều cột đá và đất sỏi khác nhau.

Một số công trình khác tiếp tục nâng quy mô kim tự tháp vào những năm 6000 đến 5500 trước Công nguyên. Cuộc tu bổ lần cuối cùng diễn ra vào năm 2000 đến 1100 trước Công nguyên, bổ sung thêm lớp đất mặt và các bậc thang đá đặc trưng, cũng là phần được nhìn thấy rõ ràng nhất ngày nay.

Như vậy suốt khoảng 3.100 năm, cấu trúc Gunung Padang gần như được giữ nguyên vẹn cho đến ngày nay.

"Với sự tồn tại lâu dài và liên tục của Gunung Padang, thật hợp lý khi suy đoán rằng địa điểm này có tầm quan trọng đáng kể, thu hút người cổ đại liên tục chiếm giữ và sửa đổi nó" - ông Natawidjaja nói.

Các tác giả cho rằng vẫn cần khai quật thêm để hiểu những người tiền sử xây dựng nên kim tự tháp qua các giai đoạn là ai, vì sao họ làm điều đó.

Sóng địa chấn cũng tiết lộ về những căn phòng ẩn giấu bên trong kim tự tháp mà các nhà khoa học chưa thể tiếp cận, một số phòng dài tới 15 m và có trần cao 10m.

Nguồn: [Link nguồn]

Indonesia: Lộ diện cổ vật 7.000 năm “độc đáo và chết người“

“Độc đáo“ và “chết người“ là những gì mà các nhà khảo cổ mô tả về những hiện vật đặc biệt vừa được khai quật trên đảo Sulawesi ở Indonesia.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thư ([Tên nguồn])
Du lịch, lễ hội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN