Khám phá Chợ Lớn với bao điều thú vị

Sự kiện: Du lịch, lễ hội

Những chiếc xe hủ tiếu chuẩn vị người Hoa, được trang trí bởi những tấm tranh kiếng cùng hình ảnh tuồng tích thuở xưa; bên cạnh đó là làng nghề làm tượng Phật có tuổi đời gần trăm năm...

Nằm trong một con hẻm gần chùa Giác Hải, phường 12, Quận 6, TPHCM, là làng nghề làm tượng Phật có tuổi đời gần trăm năm. Đây là nơi làm ra các tác phẩm khá phong phú, đa dạng. Từ tượng Phật Thích Ca tọa tòa sen, Quán Thế Âm Bồ tát, Phổ Hiền, Di Lặc, Hộ pháp đến tượng các danh nhân…

Làng đúc tượng giữa trung tâm đô thị.

Làng đúc tượng giữa trung tâm đô thị.

Dọc theo con hẻm 1017 Hồng Bàng hiện nay, không khó để nhìn thấy hàng chục tượng dọc lối đi đang trong giai đoạn hoàn thành. Với đủ loại hình dáng và kích cỡ khác nhau. Theo đó, những người thợ lành nghề nơi đây cũng miệt mài ngồi cạnh lề đường làm công đoạn tô màu, chà nhám, khắc họa chi tiết… Không khí lao động ở trong con hẻm nhỏ trở nên nhộn nhịp, sôi động.

Gọi là làng nghề truyền thống nhưng thực chất nơi đây hiện chỉ có hơn 10 hộ mở cơ sở đúc tượng theo kiểu cha truyền con nối, tập trung khu vực xung quanh chùa Giác Hải. Theo đó, các hộ sống tại khu vực trừ một vài người đứng ra làm chủ, còn lại hầu như đều làm thuê cho các cơ sở tại đây.

Tượng hiện nay được làm bằng hai chất liệu chính là xi măng và thạch cao. Để làm ra một bức tượng, tùy theo độ lớn nhỏ mà người thợ phải miệt mài từ 10 ngày đến một tháng, thậm chí vài tháng. Sản phẩm được làm ở đây đa số là tượng các đức Phật như: Quán Thế Âm Bồ Tát, Thích Ca, Di Lặc, A Di Đà…

Trước tiên người thợ làm khuôn bằng cách đắp cát theo hình tượng và đổ xi măng lên để khô tạo khuôn. Các bộ phận của tượng cũng được đúc riêng, sau đó ghép lại với nhau hoàn chỉnh. Giai đoạn tạo khuôn mặt cho tượng có hồn quyết định sự thành công của bức tượng và khẳng định tay nghề của thợ.

Sau khi hoàn chỉnh, tượng sẽ được đóng thùng và giao hàng cho khách, tùy theo tượng mà có mức giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Hiện nay, hầu hết các sản phẩm tại làng điều được làm theo đơn đặt hàng của đền, chùa khắp cả nước và được xuất ngoại sang nước ngoài như: Anh, Mỹ, Úc,…

Nếu nói đến hủ tiếu, chắc chắn những người sành ăn sẽ không bao giờ quên kho tàng hủ tiếu phong phú, đặc sắc của người Hoa. Hủ tiếu Hoa xuất hiện ở đất Sài Gòn cùng sự nhập cư của người Tiều (Triều Châu). Họ gọi là cổ chéo (hủ tiếu), nghĩa gốc: bánh sợi. Món ăn ban đầu được chế biến khá đơn giản: hủ tiếu tươi làm từ bột gạo ăn với nước hầm xương ống heo, thịt heo xắt lát hay băm nhuyễn, thêm chút hành, hẹ, giá… Món ăn đơn giản như vậy thôi nhưng cũng khiến nhiều thực khách thỏa lòng.

Ngày nay, món hủ tiếu được điểm xuyết thêm nhiều thức ăn phụ khác: miếng gân giòn, khúc chân giò cắn nghe sừn sựt, vài miếng lòng tim, gan, cật, ruột non, con tôm đỏ au, miếng mực ngọt, quả trứng cút bùi bùi, miếng huyết heo hay vài lát chả cá... Nước lèo cũng đậm đà, ngọt ngào hơn khi được nấu bởi tôm, mực khô. Đĩa rau ăn kèm phong phú với xà lách, tần ô, cần, giá, hẹ… Và, bước hoàn thiện gần đây nhất là thêm vào tô ít tóp mỡ, nước tương, dấm và tỏi ngâm (hay tỏi phi). Càng ngày, hủ tiếu càng khiến nhiều thực khách ngây ngất.

Hủ tiếu là một đặc sản ở Chợ Lớn.

Hủ tiếu là một đặc sản ở Chợ Lớn.

Không dừng lại ở đó, từ những tô hủ tiếu với thành phần món ăn phong phú trên, người Hoa còn sáng chế ra nhiều loại hủ tiếu mang nhiều màu sắc, hương vị đặc biệt khác nhau. Đó là hủ tiếu bò viên, hủ tiếu bò kho hay hủ tiếu khô trộn chút mỡ, xì dầu, nước lèo để riêng, hủ tiếu lòng bò, ăn rất lạ miệng.

Trong kho tàng hủ tiếu, người Hoa có ba món hủ tiếu khiến người ta ấn tượng và nhớ mãi, bởi cách chế biến cũng như cái "lạ" về hương vị mà các món ăn mang lại. Đó là món hủ tiếu cá, hủ tiếu sa tế và hủ tiếu bột lọc.

Xe mì Tàu là hình ảnh quen thuộc dễ nhận biết của ẩm thực người Hoa. Xe được trang trí bởi những tấm tranh kiếng cùng những hình ảnh tuồng tích thuở xưa. 

Các xe hủ tiếu người Hoa thường có vẽ các loại tranh về tuồng tích thuở xưa.

Các xe hủ tiếu người Hoa thường có vẽ các loại tranh về tuồng tích thuở xưa.

Bộ tranh kiếng xe mì, hủ tiếu thông thường gồm: Biển hiệu đặt ở mặt trước, chính giữa xe. Hai bên tấm tranh kiếng biển hiệu thường là hai câu đối với nội dung ca ngợi danh tiếng và khẩu vị của tiệm cũng như chúc tụng buôn may bán đắt, danh tiếng vang xa. Rồi hai bên câu đối là tranh vẽ tích truyện, ở đây tùy theo sở thích mà xe mì, hủ tiếu có hai hoặc ba tầng vẽ tích truyện. Hai bên hông xe cũng là 2 hoặc 3 tầng vẽ tích truyện.

Nói chung, một chiếc xe mì, hủ tiếu đẹp tốt là do sự hợp tác của người đóng xe và người vẽ tranh. Do vậy, họ là đồng tác giả. 

Thông thường trên cùng một xe mì, hủ tiếu chỉ vẽ thuần một tích truyện, trừ khi tranh bị hư bể, một vài ô kiếng có thể được thay thế bằng những tích truyện khác…

Du khách đến đây cũng đừng quên ghé thăm xóm chổi đót ở đường Phạm Văn Trí, chợ Bình Tiên, Quận 6. Nghề làm chổi đót đã xuất hiện hơn 40 năm, tuy nhiên, những người làm nghề lâu năm nhất cũng không nhớ rõ nghề có từ khi nào. Chỉ biết nghề bắt nguồn từ người dân huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi khi di cư vào miền Nam đem cả cái nghề ở quê mình vào TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp và phát triển thành làng chổi đót. 

Thông thường các nghề khác ít hoặc nhiều công đoạn được thay thế làm bằng máy, nhưng riêng nghề làm chổi đót tất cả các công đoạn phải làm bằng đôi tay của người thợ. Ngày trước cái nghề này được nhiều người ưa chuộng, nhưng giờ dần bị mai một do thu nhập không cao và không ổn định đầu ra sản phẩm lẫn đầu vào. Người thợ mặc dù muốn theo nghề vẫn khó mà trụ vững.

Cây đót được thu mua vào đầu tháng giêng đến tháng hai âm lịch ở các tỉnh Tây Nguyên như: Kom Tum, Gia Lai vì mỗi năm chỉ nở một lần vào tháng này.

Làm chổi có nhiều công đoạn như: tước lá, bó lá, quấn kẽm… Khâu quấn kẽm quyết định độ bền của cây chổi nên công đoạn này phải có sức khỏe mới làm được, thường thì cánh đàn ông với những người có sức khỏe dẻo dai và kinh nghiệm làm. Nếu cây chổi mau hư sẽ bị mất uy tín.

Xóm chổi đót vẫn ngày đêm cần mẫn cho ra sản phẩm bán đi khắp nơi, cũng là nơi để khách du lịch đến tìm hiểu.

Xóm chổi đót vẫn ngày đêm cần mẫn cho ra sản phẩm bán đi khắp nơi, cũng là nơi để khách du lịch đến tìm hiểu.

Với sự tỉ mỉ, khéo léo từ đôi tay, người thợ cân đong hoa đót một cách cẩn thận để cho ra kích thước, cân nặng phù hợp. Hiện nay giá đót lại tăng cao, có thời điểm 1 kg đót có giá lên tới 50.000 đồng, một bó đót lớn được mua về để làm chổi có giá khoảng 500.000 đồng. Trong khi mỗi cây chổi bán ra có giá 20.000 đến 35.000 đồng/cây, trừ tất cả các chi phí, khoản thu về còn lại không được bao nhiêu. Tuy nhiên, chổi đót tại đây được đánh giá cao về sự chắc chắn và độ bền so với chổi ở các vùng khác. 

Hiện nay, dọc theo các con đường Phạm Văn Chí, các con hẻm xung quanh chợ Bình Tiên chỉ còn khoảng 30 hộ vẫn còn bám trụ được với nghề. 

Nguồn: [Link nguồn]

Thử ‘tour’ du lịch Quận 10: Nghe chuyện lịch sử, 'phá đảo' phố ẩm thực nức tiếng

“Nếu có một ngày đến Quận 10, bạn sẽ chọn địa điểm nào để vui chơi?“ Trong bài này, chúng tôi sẽ giới thiệu cho bạn vô số điểm đến hấp dẫn từ du lịch về nguồn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo N.Nguyệt ([Tên nguồn])
Du lịch, lễ hội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN