Huyền bí tục nhảy vào lửa đầu năm mới

Sự kiện: Du lịch, lễ hội

Những chàng trai chân trần nhảy múa trên đống lửa đỏ mà không hề bị bỏng, càng nhảy càng mê hoặc khiến người xem ngưỡng mộ.

Huyền bí tục nhảy vào lửa đầu năm mới - 1

Người Dao (các tên gọi khác là Mán, Đông, Trại, Dìu Miền, Kim Miền...) là một trong 54 dân tộc của Việt Nam. Theo kết quả nghiên cứu của đề án Sưu tầm kiểm kê kho sách cổ người Dao do tiến sĩ Trần Hữu Sơn chủ trì, dân tộc này có nguồn gốc từ đảo Hải Nam (Trung Quốc), bắt đầu di cư sang Việt Nam vào thời Lê khoảng cuối thế kỷ 17. Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, Việt Nam có 751.060 người dân tộc Dao, sống chủ yếu ở biên giới Việt - Trung, Việt - Lào và một số tỉnh trung du, ven biển Bắc Bộ. Địa phương tập trung đông người Dao cư trú nhất là Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh, Cao Bằng... Người Dao có nền văn hóa lịch sử phong phú, với nhiều phong tục tập quán mang màu sắc tín ngưỡng. Trong đó, độc đáo và hiếm gặp ở các dân tộc khác là tục nhảy lửa, thường diễn ra vào đầu năm mới (không cố định ngày nào). Nghi thức này nhằm tạ ơn thần Lửa đã mang lại sự ấm áp, vụ mùa bội thu, vừa để cầu thần linh phù hộ cho năm mới nhiều may mắn, xua đuổi tà ma, bệnh tật. Lễ nhảy lửa được tổ chức trên khoảng sân rộng với sự tham gia của các thầy cúng và chỉ nam thanh niên mới được nhảy lửa, số lượng từ 4 trở lên và là số chẵn. Buổi lễ bắt đầu bằng những bài nhảy xung quanh đống lửa to, thầy cúng làm lễ tạ ơn thần, nam thanh niên ngồi hầu lễ miệng đọc thần chú. Khi đống củi đã trở thành đống than hồng rừng rực cháy, thầy cúng xin quẻ âm dương. Nếu được thần lửa đồng ý, các chàng trai với đôi chân trần bật nhảy vào đống lửa, dùng tay bốc tung đám than hồng ra tứ phía. Mỗi người thường nhảy lửa 3-4 phút sau đó tiếp tục nhảy lò cò về làm lễ tại bàn thờ trước khi trở lại bình thường, chân tay không bỏng rát. Theo quan niệm của người Dao, việc nhảy vào lửa để xua đi nỗi sợ hãi và chỉ người mạnh mẽ mới nhảy được vào đống lửa thiêng. Những người tham gia vào nghi thức này luôn nhận được sự thán phục, ngưỡng mộ của cộng đồng.

Huyền bí tục nhảy vào lửa đầu năm mới - 2

Theo các thầy cúng, để được nhảy lửa, các trai tráng bắt buộc không được phạm phải những điều kiêng kỵ mà tổ tiên truyền lại. Một trong những kiêng kị lớn nhất với các trai bản là không được gần gũi với phụ nữ ít nhất 3 ngày trước khi nhảy lửa. Việc này để đảm bảo sự tôn nghiêm của với thần linh, nếu trót gần gũi phụ nữ, các chàng trai sẽ tự giác rút lui khỏi nghi lễ. Các trang phục mặc khi nhảy lửa tuyệt đối không được giặt bằng xà phòng, không được dính mỡ, dầu hay các vật bắt lửa khác. Ngoài ra, để tóc không bị cháy sém, các thanh niên trước phần lễ được tắm, gội đầu bằng nước đun từ lá cây ở rừng sâu. Tục nhảy lửa của người Dao đỏ mục đích để xua đuổi ta ma, cầu mong sức khỏe và trừ bệnh cho người ốm. Khi đống củi đã trở thành một đống than hồng rừng rực cháy, thầy cúng xin quẻ âm dương. Được thần lửa đồng ý, chỉ những chàng trai muốn được nhảy lửa đã ngồi “hầu lễ” từ đầu buổi lễ, được phép ngồi trước mặt các thầy cúng để phù phép. Những chàng trai người Dao như đang trong cơn mê, họ nhảy múa với đôi chân trần của mình trong đống lửa mà không hề có cảm giác bỏng rát hay sợ hãi; Không có bất cứ một vật dụng nào để lót cho đôi chân của những chàng trai ấy.

Huyền bí tục nhảy vào lửa đầu năm mới - 3

Người Dao ở Việt Nam có 7 nhóm (ngành) gồm: Dao Đỏ, Dao Quần Chẹt, Dao Lô Gang, Dao Tiền, Dao Quần Trắng, Dao Thanh Y và Dao Làn Tiển/Tẻn. Mỗi nhóm có phong tục tập quán riêng, nhưng có điểm chung là thờ cúng Bàn Vương. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ghi lại truyền thuyết kể rằng Bàn Vương vốn là Long khuyển Bàn Hồ, nhờ lập được công lớn là giết thủ lĩnh của quân xâm lược nên được hóa thành người, vua Bình Vương gả công chúa cho. Vợ chồng Bàn Hồ sinh được 12 người con (6 trai, 6 gái) đều được ông là Bình Vương ban sắc thành 12 họ là: Bàn, Lan, Mãn, Uyển, Đặng, Trần, Lương, Tống, Phượng, Đối, Lưu, Triệu. Đây là 12 họ phổ biến trong cộng đồng người Dao ngày nay. Khi Bình Vương chết, Bàn Hồ lên làm vua, tức Bàn Vương. Ông sống giản dị, dạy dân cách trồng lúa, dệt vải... nên được yêu quý. Sau khi chết, Bàn Vương được người Dao đưa lên bàn thờ tổ tiên và làm lễ cúng. "Lễ cúng Bàn Vương diễn ra trong 3 ngày 3 đêm. Thầy cúng thực hiện các nghi thức mời Bàn Vương về chứng giám lòng thành của gia chủ và đọc lại các sự tích của Bàn Vương, từ khi được phong Vương đến lúc đẻ ra 12 người con rồi tỏa đi khắp mọi nơi lập họ, khai phá đất đai. Kết thúc lễ, thầy cúng đốt tiền ma, tiễn đưa Bàn Vương về lại quê cha đất tổ", tư liệu của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ghi. Hiện nay, nghi lễ cúng Bàn Vương không còn phổ biến nhiều trong đồng bào dân tộc Dao. Tuy vậy, đây vẫn được coi là nghi lễ mang đậm tính nhân văn vì hướng con người luôn nhớ đến nguồn cội và con người luôn được trấn an tinh thần bởi bên cạnh mình đã có tổ tiên là Bàn Vương linh thiêng đầy sức mạnh bảo trợ. Nghi lễ này được xem là sợi dây liên kết cộng đồng trong mối quan hệ dòng họ, làng bản, tạo nên sức mạnh để bảo vệ và xây dựng cuộc sống. Với quan niệm Bàn Vương là thủy tổ của cộng đồng, người Dao ngoài thờ cúng còn kiêng ăn thịt chó.

Huyền bí tục nhảy vào lửa đầu năm mới - 4

Theo cuốn Tìm về cội nguồn văn hóa núi (nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, 2014), phụ nữ người Dao rất coi trọng bộ trang phục và từ bé đã được dạy cách thêu thùa, may vá. Trước đây, họ tự trồng bông, dệt vải, may trang phục cho mình. Ngày nay, phụ nữ Dao mua vải may sẵn về thêu hoa văn trang trí vào. Phụ nữ dân tộc Dao thường mặc áo dài, yếm, kết hợp với quần (trừ nhóm Dao Tiền mặc váy). Áo được may theo kiểu xẻ ngực, không có khuy cúc, gấu áo dài chấm gối. Yếm được trang trí công phu bằng các hoa văn thêu nhuộm. Bộ trang phục ngoài ra không thể thiếu mũ, khăn, dây lưng, xà cạp và các trang sức: vòng, khuyên, xà tích... chủ yếu làm bằng bạc. Tài liệu của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết thêm, trong bộ y phục của phụ nữ Dao, chiếc áo dài là quan trọng nhất. Cổ áo được thiết kế theo hình chữ V có thêu hoa văn. Sau lưng áo cũng có phần thêu hoa văn để tôn thêm vẻ độc đáo của trang phục và để dễ phân biệt dân tộc Dao với cộng đồng khác. Áo người Dao có hai tà, những nét hoa văn được thêu ở phần đuôi áo là phần cầu kỳ nhất. Người Dao thường nhìn vào phần hoa văn này để đoán biết người phụ nữ mặc nó có đảm đang, khéo léo hay không. Từ những điểm cơ bản trên, mỗi nhóm người Dao có đặc trưng trang phục khác nhau. Ví dụ, áo của người Dao Đỏ có nẹp cổ liền với nẹp ngực được thêu kín các họa tiết trang trí bằng chỉ màu đỏ, hai đầu của nẹp ngực đính nhiều chuỗi hạt cườm và tua đỏ. Người Dao Tiền thì sử dụng những hạt cườm, hay đồng bạc trắng, kim loại làm các khuy có đường kính 6-7 cm đính nổi bật ở trên áo chàm.

Huyền bí tục nhảy vào lửa đầu năm mới - 5

Đàn ông người Dao chỉ được công nhận đã trưởng thành khi được làm lễ cấp sắc. Người Dao quan niệm, chỉ con trai đã qua lễ cấp sắc mới được coi là người lớn. Mỗi dịp cuối năm hoặc tháng giêng (âm lịch), cộng đồng này thường tổ chức lễ cấp sắc để đánh dấu sự trưởng thành. Buổi lễ có thể thực hiện cho một hoặc vài người nhưng phải là số lẻ. Những người này trước khi hành lễ phải không được nói tục chửi bậy, không quan hệ vợ chồng, không để ý đến phụ nữ... Theo tài liệu của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, mỗi lễ cấp sắc thường có 6 thầy cúng, gồm 3 thầy chính đều là những vị cao tay và 3 thầy phụ. Lễ diễn ra trong 3 ngày. Ngày thứ nhất ở ngoài trời, ngày thứ hai người thụ lễ vào nhà để nghe thầy cả đọc các loại sách cúng, đọc lệnh cấp sắc. Lúc này người thụ lễ được coi là trở thành con người mới cả về thể xác và tâm hồn. Sau đó, người thụ lễ được các thầy dạy múa như múa chùm cheng (múa chuông), múa sa ma. Ngày thứ ba, người Dao tiến hành lễ tạ ơn tổ tiên đã cho các chàng trai của họ được trưởng thành.

Huyền bí tục nhảy vào lửa đầu năm mới - 6

Theo sách Tìm về cội nguồn văn hóa núi, trai gái người Dao có quyền tự do chọn bạn đời tâm đầu ý hợp. Khi đôi lứa đã tình cảm mặn nồng, họ mạc nhà trai có trách nhiệm đi hỏi vợ cho con/cháu mình. Trong lễ dạm ngõ, nhà trai sẽ đem đến đôi quả cau già, 6 cặp lá trầu không, 12 tờ tiền giấy. Đặt lễ vật lên bàn thờ nhà gái, đại diện nhà trai sẽ khấn xin được làm thủ tục cưới, cầu cho đôi trai gái may mắn, tốt lành, trong đời không gặp hổ, gặp ma, hoặc gặp điều xấu. Một tháng trước ngày cưới, nhà trai đem lễ tới nhà gái để báo ngày giờ tổ chức. Từ lúc đó, cô dâu không được đi đâu mà ở nhà chuẩn bị trang phục cưới và đồ tùy thân mang về nhà chồng. Vào ngày cưới, nhà trai tổ chức đoàn đón dâu gồm một người uy tín trong dòng họ dẫn đầu cùng hai phù dâu, hai phù rể. Trước khi lên đường, thầy mo phải làm phép trừ tà ma, cầu bình an, chọn lối cho đôi vợ chồng trẻ cùng đoàn đón dâu trở về nhà. "Nhà trai chuẩn bị một cái lán trước nhà được quây kín để cô dâu, phù dâu chỉnh trang sắc phục, chờ giờ tốt để vào nhà chồng ra mắt họ mạc. Trong lúc chờ đợi ấy, thầy mo làm lễ trừ tà, câu an để đợi giờ dâu rể vào làm lễ gia tiên", sách viết. Ở một số nhóm người Dao, trước khi vào nhà chồng, cô dâu phải bước qua dải dây lưng do ông thầy chăng ở cửa ra vào, với dụng ý ngăn chặn những điều xấu lẻn theo cô dâu vào nhà. Sau đó cả cô dâu, chú rể đứng lên chiếc chiếu - vật được ví như chiếc giường hạnh phúc của đôi uyên ương được thầy cúng dùng phép biến hóa mà thành. Thầy cúng tiếp đó sẽ làm lễ cầu cho đôi trai gái kết duyên trăm năm hạnh phúc, con cháu đầy đàn. Đám cưới của người Dao thường chỉ diễn ra ở nhà trai. Sau các nghi lễ cho đôi vợ chồng trẻ, hai họ và dân bản cùng nhau ăn mừng, ca hát suốt đêm.

Huyền bí tục nhảy vào lửa đầu năm mới - 7

Ngày cưới, cô dâu trang điểm rất đẹp, đội mũ màu đỏ, có hoa văn; cổ và tay đeo nhiều vòng bạc. Ngày cưới, đoàn đưa cô dâu, có cả thầy cúng, và thổi kèn, đánh chiêng, khua trống, rung nhạc. Tới nhà chồng, cô dâu phải qua nhà tạm, khi được giờ thì mới được vào nhà chồng. Lên tới nhà chồng, cô dâu phải “rửa tay”, bước qua chậu than hồng và nhiều nghi thức khác... trước sự chứng kiến của hai họ rồi mới bước qua cửa vào nhà với ý nghĩa là “Từ nay đoạn tuyệt với con ma họ ngoại và từ nay theo con ma họ nhà nội”. Sau khi vợ chồng lấy nhau, khi sinh con đầu lòng thì họ đẻ ngay tại buồng ngủ của mình. Ba ngày đầu, các cửa ra vào đều phải cắm lá kiêng không cho người lạ vào nhà. Gia đình dân tộc Dao tồn tại bền vững theo chế độ phụ quyền, người con gái không có tên trong chúc thư, không được thừa kế tài sản của gia đình.

Huyền bí tục nhảy vào lửa đầu năm mới - 8

Trong lễ cúng tổ tiên, người Dao không dùng hương để đốt mà dùng một thứ vỏ cây mỏng rất thơm mua về bỏ vào một cái chén nhỏ. Mỗi lần đốt một cái vỏ cây lại phải dùng một viên than hồng để đốt cùng, cho đến khi nào cái chén đầy than và vỏ hương mới thôi. Mâm cơm Tết năm cùng cũng rất đặc biệt. Thầy cúng và các vị chức sắc trong làng được bố trí ngồi cao nhất và được phép ăn trước, sau đó lần lượt đến khách mời của bố mẹ, con cái và anh em nội ngoại. Theo tục của người Dao thì tất cả thức ăn đều phải để trên lá chuối tươi, cho dù nhà có điều kiện bao nhiêu đi nữa thĩ cũng phải làm như vậy. Trước khi dùng bữa, mọi người cùng nâng chén, trưởng họ phải đi một vòng mời rượu để báo cáo với bà con họ hàng về bữa cơm Tết năm cùng này để mọi người cùng phấn đấu hơn trong năm sau.

Huyền bí tục nhảy vào lửa đầu năm mới - 9

Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn (sống ở huyện Bắc Quang và Quang Bình - tỉnh Hà Giang và Chiêm Hóa - tỉnh Tuyên Quang) thường được tổ chức hàng năm lúc giao thời năm cũ và năm mới, vào dịp thu hoạch vụ mùa khoảng tháng 10 tháng 11 âm lịch đến ngày rằm tháng giêng. Theo quan niệm của họ, tổ chức lễ nhảy lửa lúc này nhằm tạ ơn trời đất, thần linh đã cho một mùa vụ tươi tốt và cũng cầu chúc cho một vụ mùa năm sau, đống lửa sẽ mang lại sự ấm áp, may mắn xua đi cái khắc nghiệt của mùa đông đang tới. Theo số liệu thống kê, dân số của người Pà Thẻn chỉ còn khoảng 3.700 người, sinh sống tập trung ở 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang. Tuy số lượng ít, lại sống ở những vùng hẻo lánh nhưng văn hóa của người Pà Thẻn vẫn được duy trì, đặc biệt là lễ hội nhảy lửa. Với giá trị văn hóa đặc sắc, năm 2013 “Lễ hội nhảy lửa” của người Pà Thẻn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

”Kỳ lạ” tục cả làng náo nức kéo nhau đi ăn trộm sau giao thừa

Ăn trộm ngay sau giao thừa, càng lấy được nhiều càng mong phát đạt; Thức suốt đêm giao thừa chờ tiếng gà gáy; Dán giấy...

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn])
Du lịch, lễ hội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN