Đóng thuyền xuôi sông Mã

Dòng nước trong xanh hiền hòa chảy về xuôi, đàn cò trắng phau ào ạt hạ xuống một bãi cạn ven bờ rỉa lông cánh, sự thanh bình dâng ngập trên sông Mã

Sông Mã bắt nguồn từ biên giới Việt - Lào, phía Nam tỉnh Điện Biên, chảy qua Sơn La, vòng qua Lào rồi lại trở về Việt Nam tại huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa và đổ ra biển Đông tại cửa Hới (TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa).

Đam mê của những gã gàn

Tôi từng ao ước một chuyến rong ruổi hơn 400 km dọc sông Mã, từ Mường Lói (tỉnh Điện Biên) cho tới cửa Hới bằng bất cứ phương tiện gì có thể. Bị những lo toan của cuộc sống cuốn theo, ước mơ xưa tưởng đã chìm trong quên lãng. Chợt một ngày tôi nhận được tin nhắn của Tuấn Đức - người bạn xứ Thanh, một gã thuộc loại "gàn" nặng - rủ rê ngồi thuyền xuôi sông Mã.

Non xanh nước biếc trên đường xuôi sông Mã

Non xanh nước biếc trên đường xuôi sông Mã

Vốn sống bằng nghề kỹ thuật lại khéo tay và chịu học hỏi, Đức mất hơn 1 tháng để làm một con thuyền bằng vật liệu composite với bộ động cơ chuyên dụng cỡ nhỏ có thể tháo lắp nhanh và quyết thực hiện ý tưởng xuôi dòng sông Mã.

Hai gã gàn trước giờ xuất phát

Hai gã gàn trước giờ xuất phát

Đám bạn tỏ ra thận trọng với "dự án" của gã, không ai sẵn sàng lên thuyền cùng. Lúc ấy, gã chợt nhớ đến tôi, người từng nói với gã về ước muốn đi dọc sông Mã ngày nào. Hai chúng tôi thống nhất với nhau về hành trình. Ngay sau đó, tôi đặt vé bay từ TP HCM ra Thanh Hóa một ngày giữa đông.

Chúng tôi đưa thuyền lên huyện Cẩm Thủy, cách TP Thanh Hóa khoảng 70 km từ đêm thứ bảy để sáng hôm sau hạ thủy tại bến phà trên Quốc lộ 217 cũ, cạnh chân cầu Cẩm Thủy. Hai chúng tôi mặc áo phao cẩn thận, vẫy tay chào đội hậu cần, xuống thuyền xuất phát.

Vướng thủy điện Cẩm Thủy 1 ngay phía trên, chúng tôi chỉ có thể xuôi dòng sông Mã từ khu vực cầu Cẩm Thủy về cửa Hới, dự kiến khoảng 90 km, khoảng 1/4 chiều dài con sông.

Dòng "sông lau" thanh bình

Giữa đông, vừa qua một đợt rét đậm, bất ngờ lại gặp ngày nắng rực rỡ. Tuy khu vực vừa chịu ảnh hưởng của mấy cơn bão liên tục nhưng mực nước sông Mã khá cạn. Dòng nước trong xanh chảy hiền hòa. Thuyền chạy trên sông, gió mát rượi, thời tiết quá thuận lợi.

Chúng tôi điều khiển cho thuyền chạy về phía bờ sông bị xói lở - nơi dòng nước chảy khá xiết - để tăng thêm tốc độ và tiết kiệm nhiên liệu.

Con thuyền mải miết xuôi dòng. Tất cả xung quanh chúng tôi đều là màu xanh. Trời xanh, dòng nước trong xanh, hai bên bờ cây cỏ xanh um, những triền núi xa xa cũng một màu xanh biếc.

Giữa nền núi biếc và nương ngô xanh ngắt bên bờ, một đàn cò trắng phau dang cánh ào ạt hạ xuống một bãi cạn giữa dòng rỉa lông, rỉa cánh. Trong lòng kẻ ly hương là tôi chợt dấy lên một cảm xúc khó tả. Ôi chao, quê hương mình vừa hùng vĩ vừa thanh bình đến lạ.

Qua khỏi một khúc quanh, tôi ngẩn người trước cảnh tượng mở ra trước mắt: dòng sông chảy giữa hai "bờ bông lau" bạt ngàn đang nhảy múa trong gió đông nhè nhẹ và ánh lên dưới cái nắng hanh vàng. Tôi giật mình khi nghe Đức nhắc: "Ông không chụp ảnh đi, ngồi nghệt ra thế?" và vội đưa máy lên bấm liên tục.

Cầu phao Cẩm Vân đã hiện ra phía trước. Đức giảm tốc độ áp sát cây cầu để kiểm tra, thật may là chúng tôi chỉ cần cúi thấp người một chút là thuyền qua lọt, đỡ phải bê thuyền qua cầu.

Qua khỏi cầu phao, chúng tôi phải vượt qua một ghềnh nhỏ hình thành do người ta khai thác cát. Thuyền phải đi chéo lòng sông để tránh bị hụp giữa ghềnh.

Hơn 16 giờ, chúng tôi về đến ngã ba Giàng - nơi sông Chu hòa nước vào sông Mã. Từ đây lòng sông mở rộng, tốc độ dòng chảy xuống rất thấp, tốc độ thuyền cũng giảm theo.

Nắng nhạt dần, gió chiều trên sông cũng mạnh lên khiến chúng tôi bắt đầu thấy lạnh. Đức nói hơi nuối tiếc: "Có lẽ anh em mình chỉ về tới TP Thanh Hóa là phải kết thúc hành trình, không thì anh không kịp ra sân bay".

Gần 17 giờ, cầu Hàm Rồng - gối lên chân núi Rồng và núi Ngọc - hiện ra dưới ánh hoàng hôn. Lá cờ Tổ quốc đỏ rực tung bay trên đỉnh núi Ngọc phía tả ngạn.

Hành trình buộc phải kết thúc sớm, chúng tôi không đủ thời gian chạy tới cửa Hới vì tôi phải lên chuyến bay trở về TP HCM vào buổi tối. Sau khi đưa thuyền lên bờ, chúng tôi tranh thủ tắm rửa và mấy anh em ngồi ăn vội với nhau bữa tối trong tiết trời đang lạnh dần. Khi chia tay ở sân bay Thọ Xuân, Đức vỗ vai tôi nói: "Xứ Thanh còn rất nhiều chỗ để khám phá, anh cứ lo thu xếp thời gian nhé!".

Nguồn: [Link nguồn]

Hồ nào ở Yên Bái được ví như “Hạ Long trên cạn”

Đây là một trong những cảnh đẹp không thể bỏ qua thu hút du khách đặt chân tới vùng cao Tây Bắc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngô Hòa Nam ([Tên nguồn])
Địa điểm du lịch hot 63 tỉnh thành Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN