Đến đèo Hải Vân ngắm non xanh nước biếc
Đứng ở nơi cao nhất của ngọn đèo, đất trời bao la hiện lên trong tầm mắt. Những ngọn núi trùng điệp gối đầu lên nhau xanh hun hút, con đường đèo như sợi chỉ nhỏ mềm mại uốn lượn thành các tầng cao thấp. Biển bao la chạm đến chân trời, loang một màu xanh thăm thẳm, hợp cùng thế núi tạo ra những đầm vịnh yên bình.
Sau buổi chiều vẫy vùng thỏa thích dưới làn nước trong xanh của bãi biển Mỹ Khê, sáng hôm sau chúng tôi thuê xe máy cóc cách lên đường. Vượt qua cầu quay sông Hàn, men theo con đường dọc bờ sông thơ mộng, chúng tôi đi đến đường Nguyễn Tất Thành ven biển. Gió mang theo vị mặn thổi lên mát rượi.
Di tích Hải Vân Quan.
Mới đầu ngày mà nắng đã thênh thang chiếu rọi. Tới đường quốc lộ một đoạn, cầu Nam Ô hiện ra trong tầm mắt. Hai cây cầu song song bắc qua dòng sông Cu Đê hiền hòa uốn lượn, tô điểm bằng màu xanh mơn mởn của bãi bồi, ruộng nương. Qua khỏi ngã ba hầm Hải Vân, chúng tôi thẳng tiến đường Nguyễn Văn Cừ để lên đèo. Hàng cây xanh ngắt hai bên đường, lòa xòa rơi rụng vài chiếc lá vàng, bật tiếng kêu giòn giã khi có chiếc xe vô tình chạy qua.
Cất vó trên đầm Nam Ô
Dãy Bạch Mã lừng lững xuất hiện, vững chãi chắn giữa biển trời xanh trong. Vừa lên đèo tôi đã thấy màu xanh mướt mát của cây cối bên triền núi. Xa xa những đám mây trắng lững lờ trôi, lơ lửng lên ngọn cây, như dải lụa mềm vắt lưng chừng trời. Tôi nghĩ chỉ cần lên cao chút nữa, là tôi có thể chạm vào đám mây xốp mềm như bông kia. Đường đèo quanh co uốn lượn, nhìn xuống phía dưới là biển xanh ngăn ngắt, ngẩng lên là mây giăng bồng bềnh. Hải Vân! Quả đúng như tên gọi.
Tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy những cây thông nằm xen kẽ với cây rừng nhiệt đới. Sau hỏi thăm mới biết đây là giống thông Caribe, được trồng trên đèo từ những năm 80 của thế kỷ trước. Tôi vốn quen nhìn rừng thông ở Đà Lạt, nay lại ngắm những cây lá kim cheo leo bên sườn núi, hướng ra biển, thú vị lắm thay. Xa xa, là đường ray tàu hỏa băng qua núi. Nhìn từ trên cao, đoàn tàu như món đồ chơi nhỏ xíu, thình lình chui ra từ miệng hầm, xuất hiện giữa không gian xanh ngát, nhả từng ngụm khói trắng đục, khuấy động núi rừng. Bất chợt tôi ngâm nga câu hát, “Đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay/ Qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi…” (*), lòng tươi vui cùng giai điệu rộn ràng.
Càng lên cao đường càng quanh co với nhiều khúc cua tay áo. Thiên nhiên réo rắt xung quanh. Thỉnh thoảng rền rã tiếng động cơ phân khối của những phượt thủ, thoáng vụt qua rồi trả lại sự bình yên cho cung đèo xanh mướt. Những chiếc xe bồn chở xăng dầu, hóa chất nối đuôi nhau chậm chạp bò lên. Hai bên trườn núi, dây leo xanh rì bung biêng những bông hoa hình chuông trắng muốt, bao phủ một dải núi rừng. Lúc dừng chân ở quán cà phê ven đường, hỏi thăm mới biết đây là dây muống rừng. Cứ đến đầu hè là đồng loạt nở, trải sắc trắng tinh khôi khắp ngọn đèo.
Hoa muống rừng bạt ngàn.
Tại điểm dừng chân, nhìn xuống phía dưới, tôi thấy toàn cảnh làng Vân thuở nào. Xa xa là mỏm đá cụ Rùa vươn mình ra biển. Bờ biển hình cánh cung, được dải cát trắng tinh bao bọc, nối đất liền với biển cả quanh năm rì rào sóng vỗ. Cảnh đẹp đến nao lòng. Mấy ai ngờ rằng ở một nơi đẹp như tranh vẽ ấy, từng là nơi cách biệt thế giới, là chốn cuối cùng để dung thân của những người mắc bệnh phong thời trước.
Mỏm Cụ Rùa ở làng Vân.
Anh chủ quán cho hay, làng Vân đã bỏ hoang từ hơn mười năm nay. Giờ nơi ấy, cỏ mọc kín lối vào, nhà cửa hoang tàn. Dù vậy vẫn có những người dân nhớ làng thường xuyên lui tới, có người ngày ngày vượt qua dốc núi cheo leo đi về giữa chốn xưa và nhà mới, có người bám biển ở lại tạm bợ mưu sinh. Lại có những bạn trẻ mê khám phá vùng đất hoang sơ mà đến. Làng Hòa Vân, quá khứ dành cho những phận đời tủi cực, là nơi thâm sơn cùng cốc không ai dám tới, nay mai có khi lại trở thành điểm tham quan đẹp đẽ. Điều này gợi cho tôi nhiều suy ngẫm về dâu bể của cuộc đời.
Ngoằn ngoèo một lúc chúng tôi cũng lên đến đỉnh đèo. Bên này là bảng ranh giới Thừa Thiên Huế, nhìn ra xa là vịnh Lăng Cô xanh màu ngọc bích. Bên kia là Hải Vân Quan tầng tầng mây phủ. Không hổ danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Đứng ở nơi cao nhất của ngọn đèo, đất trời bao la hiện lên trong tầm mắt. Những ngọn núi trùng điệp gối đầu lên nhau xanh hun hút, con đường đèo như sợi chỉ nhỏ mềm mại uốn lượn thành các tầng cao thấp viền quanh. Biển bao la chạm đến chân trời, loang một màu xanh thăm thẳm, hợp cùng thế núi tạo ra những đầm vịnh yên bình với làn nước trong veo. Tàu thuyền như những chấm nhỏ giữa bức tranh thiên nhiên hùng vĩ. Bỗng thấy con người chỉ là sinh vật nhỏ bé, hạn hữu so với sự trường tồn của núi sông.
Ranh giới Đà Nẵng- Thừa Thiên Huế.
Tôi đến bên di tích chiến thắng Đồn Nhất thắp hương tưởng niệm những chiến sĩ đã hy sinh. Những người nằm xuống để giữ màu xanh cho Hải Vân, cho hình sông thế núi, cho cánh chim hòa bình được bay liệng trên khắp mọi miền tổ quốc. Bát nhang nghi ngút khói hương, nhiều đóa hoa còn tươi rói bên cạnh, cho thấy sự ghi nhớ của thế hệ hôm nay đối với những người đã ngã xuống.
Di tích chiến thắng Đồn Nhất.
Mặt trời đứng bóng. Gió vẫn vi vu thổi, mây vẫn bồng bềnh trôi, cây rừng vẫn lao xao hát, biển vẫn ầm ào những đợt sóng xô bờ. Một cảm giác khó diễn tả thành lời trào dâng trong tôi, khi đứng trên đỉnh đèo, giữa mênh mông đại ngàn, trên con đường thiên lý Bắc Nam diệu vợi…
Nguồn: [Link nguồn]
“Đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay, qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi...". Rất đông du khách và các bạn trẻ Đà Nẵng kéo lên đèo Hải Vân để ngắm đoàn tàu Bắc - Nam như trong ca khúc Tàu anh qua núi của nhạc sĩ Phan Lạc Hoa.