Bà chủ Công ty Nguyễn Bính: Kiên quyết làm bún sạch gia truyền, dù biết làm bún bẩn "một vốn bốn lời"

Bà Nguyễn Thị Bính – Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Dịch vụ Nguyễn Bính (Công ty Nguyễn Bính) tiết lộ, làm “bún bẩn” phải sử dụng nhiều hóa chất độc hại, nhưng “một vốn bốn lời” nên nhiều người vẫn âm thầm làm. Dù biết vậy, nhưng hơn 20 năm nay, bà Bính vẫn kiên trì với quyết tâm làm bún sạch theo nghề gia truyền.

Nhiều người vô tư ăn bún bẩn vì ham rẻ

Bà Nguyễn Thị Bính – chủ Công ty Nguyễn Bính cho biết, tình trạng sản xuất bún mất vệ sinh đã xuất hiện từ lâu. Bà Bính là một trong những người tiên phong lên tiếng chống lại “bún bẩn” hàng chục năm qua nhưng hiện trạng trên vẫn tồn tại dai dẳng. Theo bà, nhiều cơ sở vì ham lợi nhuận cao mà thản nhiên đứng trên sức khỏe người tiêu dùng để làm “bún bẩn”.

Bà Bính là một trong những người tiên phong lên tiếng chống lại “bún bẩn”

Bà Bính là một trong những người tiên phong lên tiếng chống lại “bún bẩn”

Với kinh nghiệm làm bún hơn 20 năm, bà Bính cho biết, làm bún bẩn thì “một vốn bốn lời”. “Một sợi bún bẩn chứa nhiều hóa chất độc hại khiến người tiêu dùng ăn phải gánh rủi ro mắc bệnh mà không hề biết”, bà Bính nói.

Bà chia sẻ, bún sạch có màu ngà của gạo. Còn bún bẩn cho thêm chất Tinopal để làm bún trắng sáng cho đẹp mắt. Đồng thời, axit Oxalic cũng được thêm vào để sợi bún dai. Các hóa chất này có thể gây suy gan, thận, ảnh hưởng đến khớp nếu sử dụng lâu dài. “Người tiêu dùng phải thông thái khi chọn sản phẩm sạch, để tránh rủi ro mắc bệnh khi ăn phải các sản phẩm kém chất lượng”, bà nói thêm.

Kiên trì sản xuất bún sạch suốt hơn 20 năm

Bà Bính là truyền nhân đời thứ 7 của nhà làm bún tươi gia truyền ở làng bún Kẻ Bặt (Hà Nội). Hơn 20 năm theo nghề, bà vẫn canh cánh lời dặn của người cha về cái tâm với nghề, với người. Từ sau dịch Covid-19 đến nay, nhu cầu tiêu dùng giảm kéo doanh thu giảm theo. Giá gạo nguyên liệu lại tăng nhanh nên khiến việc kinh doanh của những xưởng sản xuất bún sạch như Nguyễn Bính gặp không ít khó khăn. Bà tâm sự: “Cạnh tranh bằng chất lượng thì khó lời nhiều được”.

Nhiều năm qua, bà Bính đã tự động hóa gần như hoàn toàn quy trình sản xuất bún tươi gồm 15 công đoạn. Tất cả máy móc đều do bà thiết kế và thuê thợ thi công. Tự động hóa giúp tiết giảm đáng kể một số chi phí nhưng theo bà Bính, bún sạch vẫn khó cạnh tranh với “bún bẩn” về mặt chi phí sản xuất.

Dây chuyền sản xuất bún tự động của bà Bính.

Dây chuyền sản xuất bún tự động của bà Bính.

Nguyên nhân là dù sản xuất tự động, nhưng bún sạch phải mất một tuần và qua 15 công đoạn mới ra được một mẻ bún, nếu bị lỗi phải đổ bỏ toàn bộ. Trong khi “bún bẩn” chỉ cần một ngày là ra thành phẩm, nếu bị gãy thì cho thêm axit Oxalic vào, bị đen thì cho thêm Tinopal… nên không hư hao gì. Theo bà Bính, dây chuyền tự động của Nguyễn Bính chỉ làm ra khoảng 1,6kg bún thành phẩm từ 1kg gạo. Còn cơ sở bún bẩn làm ra được tới 4kg bún.

Dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng bà Bính hiện vẫn quyết tâm làm bún sạch. Bà cho biết, cạnh tranh bằng chất lượng mới có thể đi đường dài được. Theo đó, bà liên tục nâng cấp xưởng sản xuất để tăng chất lượng cho sợi bún và các sản phẩm liên quan. Hiện tại, Công ty Nguyễn Bính đã thay nước sản xuất bún từ nước máy thành hệ thống nước lọc RO. Ngoài ra, dây chuyền sản xuất nui tươi cũng được lắp mới... Nhờ đó, các sản phẩm bún Nguyễn Bính vẫn được phân phối đều đặn qua các chuỗi nhà hàng, bếp ăn công nghiệp, trường học… khắp TP.HCM.

Hệ thống lọc nước RO dùng để sản xuất bún tại Công ty Nguyễn Bính

Hệ thống lọc nước RO dùng để sản xuất bún tại Công ty Nguyễn Bính

Xa hơn, bà Bính cho biết đang có kế hoạch xuất khẩu sản phẩm vào Mỹ. Thời gian đầu, bà dự kiến sẽ xuất mặt hàng bún tươi trước. Bún tươi hiện là sản phẩm chủ lực chiếm khoảng 70% tổng doanh thu hằng năm, bánh phở chiếm 10%, còn lại là các sản phẩm khác (nui tươi, bánh canh, mì quảng…).

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Yến ([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN