Shark Tank: Startup "bán cái hư không" được đầu tư 400.000 USD

Đó là một startup chăm sóc sức khỏe có ứng dụng và mạng xã hội riêng, được shark Bình đánh giá là "bán cái hư không" nhưng shark Liên vẫn làm "chuột bạch" và đầu tư để làm nó không còn viển vông.

Tập 6 của gameshow Thương vụ bạc tỷ (Shark Tank) Việt Nam mùa 4 có sự xuất hiện của 4 startup đến gọi vốn đều là startup ứng dụng công nghệ. Đầu tiên là Nguyễn Hữu Thanh Tuấn - nhà đồng sáng lập kiêm điều hành công ty Omnisulin và bác sĩ Đỗ Triều Hưng - nhà đồng sáng lập, giám đốc y khoa của công ty mời các shark đồng hành trong hành trình cải thiện sức khỏe người dân Việt Nam và thế giới với 400.000 USD cho 15% cổ phần.

Theo lời giới thiệu của hai nhà đồng sáng lập, béo phì và tiểu đường được xem như là “hai đại dịch toàn cầu trên thế giới”. Nhận định “Béo phì không phải do ăn nhiều mà là do ăn sai”, Omnisulin cho ra đời app Dr. Thin - ứng dụng giúp người dùng giảm cân và giảm tiểu đường. Ứng dụng này sẽ hướng dẫn ăn đúng để giảm được cân theo tín hiệu đèn giao thông: Đèn đỏ không ăn, đèn vàng ăn ít, đèn xanh được ăn nhiều.

Startup Omnisulin đến gọi vốn tại Shark Tank.

Startup Omnisulin đến gọi vốn tại Shark Tank.

Nhà điều hành Omnisulin khẳng định: “Việt Nam sẽ có mạng xã hội Dr. Thin tăng trưởng một cách nhanh chóng với tốc độ chóng mặt. Từ đó, doanh thu và lợi nhuận sẽ đến từ dịch vụ online marketing”.

Sau phần trình bày khá dài của startup, shark Phú thắc mắc: “Tại sao lại đưa ra mức định giá 400.000 USD cho 15% dù chưa có sản phẩm, cũng chưa đầu tư bao nhiêu?”.

Thanh Tuấn cho biết: “400.000 USD là chúng tôi cần để có 560.000 user (người dùng) trong 12 tháng đầu tiên. Còn 15% là nếu như đưa được mạng xã hội sức khỏe của Việt Nam tới một tầm vóc quốc tế thì đây chỉ là khoản góp vốn đầu tiên. Mình vẫn còn series A, series B. Phần trăm của cuộc gọi đầu tiên mà lớn sẽ ngăn cản những bước tiến”.

Shark Phú nhận định cách gọi vốn của Omnisulin như vậy dễ quá. Shark cho rằng đấy là cách tư duy một chiều và startup không đặt từ chiều của người đầu tư. “Nguyên tắc giá trị công ty phải đến từ cái đã làm ra, tốc độ tăng trưởng công ty ra sao, bao lâu người ta thu hồi vốn, hoặc sẽ làm ra. Nếu là sẽ làm ra, người đi trình bày phải chứng minh được là tôi sẽ làm được, mới ra giá trị công ty”, shark Phú giải thích. Nhận định đây là lĩnh vực khác ngành nghề nên shark Phú không đầu tư.

Shark Hưng phân tích: “Đây là app mạng xã hội doanh thu đến từ quảng cáo là chính. Các anh phải vượt qua ngưỡng số lượt người dùng, số lượt truy cập thường xuyên và đúng nhóm đối tượng của những thương hiệu định quảng cáo thì các anh mới có được tiền”. Vì vậy, shark muốn biết khi nào startup đạt được mục tiêu để có được doanh thu.

Trả lời câu hỏi này, Thanh Tuấn cho biết: “Tháng 8 chúng tôi dự định có 100.000 USD. Lúc đó chúng tôi đã có doanh thu từ online marketing. Đến cuối tháng 12 của năm đầu tiên, có khoảng 560.000 user (người dùng)”.

Tại Shark Tank, shark Liên là nhà đầu thư thường hứng thú với các startup về sức khỏe và cộng đồng.

Tại Shark Tank, shark Liên là nhà đầu thư thường hứng thú với các startup về sức khỏe và cộng đồng.

Còn shark Việt nhận xét: “Ý tưởng của các anh rất hay, xây dựng app rất vĩ đại. Mặc dù đây là lĩnh vực y tế, đầu tư một cái app của anh tôi hình dung như hố đen tuyệt đối”. Chính vì vậy, shark Việt không đầu tư.

Shark Bình cho biết: “Từ đầu khi các anh nói về sản phẩm, mạng xã hội, Dr. Thin thì nói thật là tôi vẫn chưa hiểu về sản phẩm. Ấn tượng của cá nhân tôi thì rất dị ứng với cụm từ như mạng xã hội, so sánh với Facebook, Google, đầu tiên trên thế giới”

Shark đánh giá thêm rằng “cảm giác anh đang bán cho shark một cái hư không” và đưa ra lời khuyên: “Tôi nghĩ mình nên làm cái mình giỏi là đi tư vấn dinh dưỡng, phổ biến quyển sách hoặc làm app để tính toán, tư vấn bữa ăn…, gạt đi chữ mạng xã hội. Ít nhất trong giai đoạn trước mắt là nó hơi viển vông”. Chính vì vậy, shark Bình quyết định không đầu tư.

Lúc này, shark Hưng đề cập đến khái niệm member generated member (thành viên lôi kéo thành viên) - một kỹ thuật trong các ứng dụng xây dựng cộng đồng. Shark Hưng gợi ý startup: “Cần nghĩ ra key nào đấy để khiến người đang dùng rồi rủ thêm bạn bè vào dùng. Họ thấy lợi ích, họ chia sẻ cho nhau, chia sẻ công thức này, công thức kia cho nhau. Và phải có app này mới mở được công thức đó ra. Long mạch ở đây là chỗ đó”.

Shark Hưng cũng cho biết mình đã từng đầu tư cho mô hình mạng xã hội và nhận xét: “đó là cuộc chơi dài hơi, rất tốn kém, đốt tiền kinh khủng để có người dùng”. Do đó, dù đánh giá cao mô hình của Omnisulin nhưng shark Hưng không tham gia đầu tư.

Màn thương thuyết lúc này chỉ còn mình shark Liên chưa ra deal. Shark bất ngờ đặt ra câu hỏi: “Hai anh có nghĩ rằng tôi đầu tư cho hai anh không?".

Bác sĩ Triều Hưng thuyết phục: “Tôi thấy shark Liên nên đầu tư kèm điều kiện mà tôi chấp thuận hai tay luôn. Đó là shark Liên sẽ trải nghiệm phương pháp giảm cân của chúng tôi trước. Khi shark Liên thành công mới bỏ tiền ra, tôi vẫn đồng ý vì tôi tự tin chắc chắn sẽ giúp shark Liên khỏe đẹp hơn”.

“Nhưng các bạn ở đây chưa nhìn thấy cái gì cả. Kể cả website, app cũng chỉ nghe thôi”, shark Liên nói. Tuy vậy, shark cũng bày tỏ niềm tin startup sẽ làm được “vì anh là bác sĩ”. Do đó, shark đề nghị đầu tư 400.000 USD cho 45% với điều kiện “chỉ xuống tiền khi chúng ta vào thẩm định, tôi sẽ bỏ tiền theo lộ trình mà các anh có. Ví dụ website phải public (công khai) ra bên ngoài, hoặc app phải nhìn thấy. Khi nào có đầy đủ tất cả thì tôi sẽ xuống tiền”

Sau khi xin phép được thảo luận riêng, Thanh Tuấn đề nghị shark Liên đầu tư 400.000 USD cho 36% cổ phần. Shark Liên giải thích: “45% vì tôi muốn tôi có tiếng nói để kiểm soát vì liên quan đến sức khỏe của con người, chúng ta không thể đùa được. Tôi đem sự uy tín của tôi để gắn kết với các anh vì tôi cũng là người mong mỏi được giảm hai bệnh nguy hiểm cho tính mạng của mình”.

Shark Liên cho biết mình có thể chuột bạch ngay lập tức và hứa hẹn: “Khi tôi chuột bạch xong, những ước mơ, khát vọng, mơ rất lớn của các anh có thể là viển vông bây giờ nhưng tôi có thể biến giấc mơ đấy trở thành hiện thực”.

Sau cùng, Thanh Tuấn tiếp tục đề nghị con số 400.000 USD cho 40% cổ phần và được shark Liên chấp thuận.

Nguồn: [Link nguồn]

Màn đấu tay đôi cực gay cấn giữa shark Hưng và startup tại Shark Tank

Shark Hưng tuyên bố nếu startup không đồng ý thì ông có thể tự xây dựng hệ thống riêng để đấu với startup công nghệ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Startup công nghệ tại Shark Tank - Thương vụ bạc tỷ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN