Những quốc gia nào đang cấm TikTok và tại sao?

Sự kiện: MXH TikTok

TikTok đang bị cấm ở các mức độ khác nhau tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Ngày càng có nhiều quốc gia cấm một phần hoặc toàn bộ TikTok trong bối cảnh lo ngại về bảo mật dữ liệu. Tất cả đều lo ngại công ty mẹ của TikTok là ByteDance (Trung Quốc) có thể bị buộc phải cung cấp dữ liệu người dùng cho Chính phủ Trung Quốc, hoặc bị áp lực phải khuếch đại hoặc ngăn chặn một số chủ đề nhất định dựa trên chính sách của Trung Quốc.

Chẳng hạn tại Mỹ, họ đe dọa có khả năng cấm TikTok trên toàn lãnh thổ nếu chủ sở hữu đến từ Trung Quốc không bán cổ phần sở hữu của họ. Tuy nhiên, TikTok cho biết, việc buộc thay đổi quyền sở hữu sẽ không giải quyết được các lo ngại về an ninh quốc gia.

"Nếu bảo vệ an ninh quốc gia là mục đích chính, thì việc thoái vốn không giải quyết được vấn đề: Việc thay đổi quyền sở hữu sẽ không tạo ra bất kỳ hạn chế mới nào đối với luồng dữ liệu hoặc quyền truy cập", một phát ngôn viên của TikTok nói với Insider.

"Cách tốt nhất để giải quyết những lo ngại về an ninh quốc gia là bảo vệ dữ liệu và hệ thống của người dùng Mỹ một cách minh bạch, đặt trụ sở tại Mỹ dưới sự giám sát, kiểm tra và xác minh chặt chẽ của bên thứ ba như cách mà chúng tôi đang triển khai", vị phát ngôn viên nói thêm.

TikTok đang bị cấm ở các mức độ khác nhau tại nhiều quốc gia.

TikTok đang bị cấm ở các mức độ khác nhau tại nhiều quốc gia.

Dưới đây là danh sách các quốc gia có lệnh cấm một phần hoặc toàn bộ đối với TikTok:

Mỹ

Một dự luật cấm TikTok trên tất cả các thiết bị của chính phủ đã được thượng viện thông qua vào tháng 12 năm ngoái, và hơn 20 tiểu bang của Mỹ (bao gồm Ohio và New Jersey) đã cấm ứng dụng này trên các thiết bị của chính phủ tiểu bang. Một số trường đại học cũng cấm sử dụng ứng dụng này đối với các mạng không dây trong khuôn viên trường.

Ấn Độ

Ấn Độ đã có lệnh cấm TikTok trong nhiều năm qua. Lệnh cấm đầu tiên được ban hành là vào năm 2020, rồi sau đó có hiệu lực vĩnh viễn kể từ tháng 1/2021.

Lệnh cấm được đưa ra sau tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc dẫn đến cái chết của 20 binh sĩ Ấn Độ vào tháng 6/2020 trên dãy Himalaya. Lập tức, Ấn Độ đã cấm hàng chục ứng dụng do Trung Quốc sở hữu, bao gồm cả TikTok.

Vào thời điểm đó, Forbes ước tính rằng, lệnh cấm tại Ấn Độ có thể khiến TikTok mất khoảng 6 tỉ USD. Các nhà phân tích cũng nhận định rằng, lệnh cấm của Mỹ có thể sẽ có tác động tương tự như ở Ấn Độ; đồng thời khi đó các đối thủ cạnh tranh như Snapchat, Instagram và YouTube sẽ có lưu lượng sử dụng tăng lên.

New Zealand

New Zealand là quốc gia mới nhất công bố lệnh cấm TikTok trên điện thoại của chính phủ. Tuy nhiên, lệnh cấm của New Zealand có phạm vi nhỏ hơn so với lệnh cấm của các quốc gia khác, vì nó sẽ chỉ ảnh hưởng đến khoảng 500 thiết bị.

Ứng dụng này sẽ bị xóa khỏi tất cả các thiết bị được kết nối với mạng không dây của quốc hội. Các quan chức cho biết, họ đưa ra quyết định dựa trên lời khuyên từ các chuyên gia an ninh mạng của đất nước này. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực vào cuối tháng 3/2023.

New Zealand là quốc gia mới nhất công bố lệnh cấm TikTok trên điện thoại của chính phủ. (Ảnh: Lynn Grieveson/Getty Images)

New Zealand là quốc gia mới nhất công bố lệnh cấm TikTok trên điện thoại của chính phủ. (Ảnh: Lynn Grieveson/Getty Images)

Anh

Chính phủ Anh cũng đã công bố lệnh cấm cài đặt TikTok lên thiết bị của chính phủ. Lý do là sự an toàn của thông tin nhạy cảm của chính phủ phải được đặt lên hàng đầu.

Lệnh cấm được đưa ra chỉ vài tuần sau khi đại diện TikTok gặp gỡ các quan chức châu Âu như một phần của sáng kiến giải quyết những lo ngại về bảo mật dữ liệu "Project Clover". TikTok cho biết, họ đang xây dựng các trung tâm dữ liệu ở Ireland và Na Uy để lưu trữ cục bộ dữ liệu của khoảng 150 triệu người dùng trong khu vực.

Canada

Canada đã cấm ứng dụng này trên các thiết bị của chính phủ vào cuối tháng 2/2023, khi Chính phủ Canada cho biết một đánh giá cho thấy nó có "mức độ rủi ro không thể chấp nhận được đối với quyền riêng tư và bảo mật".

Thủ tướng Justin Trudeau nói với các phóng viên vào thời điểm đó rằng, Canada vẫn chưa xác định liệu đây mới chỉ là bước khởi đầu hay như vậy là đủ trong lộ trình chống lại TikTok.

Ủy ban Tài chính của Canada cho biết trong một tuyên bố rằng, lệnh cấm chỉ áp dụng với các thiết bị của chính phủ, nhưng họ khuyến khích người dân nhận thức những lo ngại về bảo mật trước khi sử dụng TikTok cũng như các ứng dụng truyền thông xã hội khác trên thiết bị.

Đài Loan

Đài Loan đã ban hành lệnh cấm TikTok trên thiết bị của chính phủ vào tháng 12/2022, và đang xem xét lệnh cấm rộng hơn đối với ứng dụng này trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc.

Các quan chức ở Đài Loan đã đặt câu hỏi về tính hiệu quả của lệnh cấm hoàn toàn trên toàn quốc, vì người dùng có thể sử dụng công nghệ như mạng riêng ảo (VPN) để "vượt rào" và che giấu hoạt động trực tuyến.

Liên minh châu Âu (EU)

Nhiều cơ quan của EU viện dẫn những lo ngại về bảo mật, do đó họ đã cấm cài đặt TikTok trên điện thoại của nhân viên thuộc cơ quan mình kể từ tháng 2/2023.

Giám đốc chính sách công và quan hệ chính phủ của TikTok nói với Reuters vào thời điểm đó rằng, họ không được hỏi ý kiến về mối quan ngại của EU hoặc nguy cơ bị cấm, đồng thời cho biết họ cảm thấy "thiếu quy trình hợp pháp" trong quyết định này.

Úc

Một số cơ quan chính phủ riêng lẻ ở Úc đã cấm cài đặt TikTok trên thiết bị của các quan chức, nhưng tới nay chưa có lệnh cấm nào lớn hơn được ban hành.

Các quan chức Úc từ chối nói về lý do đằng sau lệnh cấm, hoặc liệu lệnh cấm có ảnh hưởng hay mở rộng sang các ứng dụng truyền thông xã hội khác hay không.

Ứng dụng này đã bị cấm trên điện thoại thuộc các Bộ Biến đổi khí hậu, Năng lượng, Môi trường và Nước; Bộ Nông nghiệp, Ngư nghiệp và Lâm nghiệp, cũng như các Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ Úc.

Afghanistan

Taliban đã tuyên bố cấm hoàn toàn ứng dụng này, cùng với trò chơi điện tử nhiều người chơi PlayerUnknown's Battlegrounds (thường được gọi là PUBG) từ năm 2022 để "ngăn chặn thế hệ trẻ bị lừa dối".

Wired báo cáo vào tháng trước rằng, một số nhà sáng tạo TikTok và những người có ảnh hưởng trong nước đã thấy lượt xem của họ giảm xuống, nhưng sau đó tăng trở lại sau khi mọi người bắt đầu sử dụng VPN và các biện pháp khác để lách lệnh cấm.

Nguồn: [Link nguồn]

Hậu Hoàng và cô nàng ”Báo Nga” gây ”sốt” TikTok tháng qua

Tổng cộng hai nhà sáng tạo nội dung này thu hút hơn 7 triệu lượt người theo dõi và gần 70 triệu lượt thích các clip.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGỌC PHẠM ([Tên nguồn])
MXH TikTok Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN