Không chỉ lo ngại nhiễu sóng, tắt điện thoại khi đi máy bay còn có lý do khác

Sự kiện: Công nghệ

Không chỉ lo ngại gây nhiễu sóng, yêu cầu tắt điện thoại còn có một số lý do khác.

Khi đi máy bay, chúng ta thường được tiếp viên nhắc nhở “tắt nguồn điện thoại di động hoặc chuyển sang chế độ máy bay". Tại sao chúng ta được yêu cầu như vậy và nó ảnh hưởng gì đến an toàn bay? Trên website của hãng hàng không Vietjet Air có dẫn lại một bài đăng giải thích chi tiết điều này.

Sử dụng điện thoại trên máy bay có thể đe dọa an ninh hàng không. (Ảnh minh họa)

Sử dụng điện thoại trên máy bay có thể đe dọa an ninh hàng không. (Ảnh minh họa)

Theo đó, từ năm 1991, Ủy ban truyền thông liên bang Mỹ (FCC) đã ban hành lệnh cấm sử dụng các thiết bị điện tử cá nhân bao gồm cả điện thoại di động trên máy bay, mặc dù vào thời điểm đó Cơ quan hàng không liên bang Mỹ (FAA) trên thực tế lại không cấm sử dụng các thiết bị điện tử cá nhân. Đây là một vấn đề gây tranh cãi đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Lo sợ sóng vô tuyến gây nhiễu

Lý do hàng đầu được FCC đưa ra là hoạt động của các thiết bị có thể phát ra sóng vô tuyến gây nhiễu hệ thống điện tử nhạy cảm của máy bay. Máy bay được trang bị một loạt các hệ thống điện tử cho phép phi công và bản thân máy bay liên lạc với mặt đất, hỗ trợ định hướng và giám sát các trang thiết bị khác. Rất nhiều thành phần trong hệ thống sử dụng tín hiệu radio để gửi nhận thông tin do đó chúng tiềm năng bị nhiễu bởi các thiết bị phát sóng sử dụng tần số radio tương tự. Bức xạ tần số radio còn có khả năng ảnh hưởng đến dòng điện trong các dây dẫn, do đó hệ thống điện tử hàng không có thể bị ảnh hưởng.

Mặc dù đến nay vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy tác động của các thiết bị điện tử đối với hoạt động của máy bay nhưng lệnh cấm này vẫn tồn tại và nhiều hãng hàng không trên thế giới đã hưởng ứng theo phương châm “an toàn là trên hết”.

Thêm vào đó, giai đoạn cất cánh và hạ cánh của máy bay được xem là hai giai đoạn quan trọng nhất đối với mỗi chuyến bay và đòi hỏi phi hành đoàn phải tập trung cao độ, duy trì liên lạc với trạm kiểm soát không lưu ATC và đảm bảo hoạt động của tất cả các trang thiết bị trên máy bay. Giai đoạn cất cánh và hạ cánh được xác định khi máy bay đang bay dưới 10.000 ft (khoảng 3.048m) và trung bình một chiếc máy bay sẽ mất khoảng từ 15 - 20 phút để đạt độ cao này. Do đó, giới hạn sử dụng thiết bị điện tử sẽ nằm trong khoảng thời gian bắt đầu và kết thúc chuyến bay.

Điện thoại di động dĩ nhiên bị cấm sử dụng hoàn toàn trên chuyến bay. Khi được yêu cầu tắt nguồn hay đưa máy về chế độ Airplane Mode có nghĩa thiết bị phải được đảm bảo ngắt hoàn toàn các kết nối vô tuyến. Các thiết bị điện tử khác như máy nghe nhạc, máy chơi game, laptop,… cũng phải được tắt trong giai đoạn cất và hạ cánh. Các thiết bị như máy trợ tim, trợ thính, dao cạo râu chạy điện vẫn được sử dụng bởi chúng không gây nhiễu.

Tránh gây phân tâm, tổn thương do dằn xóc

Ngoài việc loại trừ nguy cơ gây nhiễu thì việc cấm sử dụng thiết bị điện tử cũng ngăn ngừa khả năng gây tổn thương cho hành khách trong trường hợp máy bay dằn xóc khi đi vào vùng thời tiết xấu. Bên cạnh đó, việc cấm sử dụng các thiết bị điện tử cá nhân trong quá trình cất hạ cánh cũng giúp cho hành khách tập trung theo dõi các chỉ dẫn an toàn bay hơn, và phi hành đoàn cũng không bị phân tâm khi thực hiện nhiệm vụ của mình.

Lo ngại ảnh hưởng mạng viễn thông mặt đất

Ngoài ra, FCC còn đưa ra một lý do nữa là hoạt động của điện thoại di động hay các thiết bị thu phát sóng có thể gây nhiễu mạng lưới viễn thông dưới đất. Khi bạn thực hiện một cuộc gọi ở độ cao dưới 10.000 ft, tín hiệu sẽ được truyền đi qua hàng loạt các cột phát sóng di động thay vì chỉ một, và nếu có nhiều người cùng thực hiện cuộc gọi thì mạng lưới truyền thông dưới đất sẽ bị tắt nghẽn.

Coi chừng điện thoại nhanh hết pin

Về phía FAA, cơ quan hàng không liên bang Mỹ khuyến nghị hành khách nên chuyển về chế độ Airplane Mode, bởi ở độ cao 30.000 ft (khoảng 9.144m), điện thoại không thể nhận được tín hiệu di động và nếu cứ liên tục dò tìm tín hiệu thì điện thoại sẽ nhanh hết pin hơn.

Mặc dù các lo ngại nói trên là hoàn toàn có cơ sở nhưng tới tháng 8/2012, FAA đã bắt đầu xem xét việc nới lỏng sử dụng các thiết bị điện tử cá nhân trên máy bay, song điện thoại vẫn bị cấm. Đến tháng 10/2013, FAA công bố rằng, các hãng hàng không có thể xem xét cho phép hành khách sử dụng thiết bị điện tử cầm tay một cách an toàn trong tất cả các giai đoạn của chuyến bay.

Theo đó, điện thoại có thể được sử dụng với các chức năng giải trí, và phải đưa về chế độ Airplane Mode hoặc tắt kết nối di động, không được dùng tính năng liên lạc. Kết nối Bluetooth tầm ngắn vẫn được cho phép để dùng các thiết bị ngoại vi như bàn phím Bluetooth. Nếu hãng hàng không có cung cấp dịch vụ Wi-Fi trên chuyến bay, hành khách vẫn có thể sử dụng các dịch vụ này. Trong quá trình cất/hạ cánh, thiết bị điện tử phải được giữ chặt trên tay hoặc đặt vào túi ghế phía trước.

Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng, mỗi hãng hàng không được phép đưa ra các quy định riêng và cũng tùy theo luật pháp của từng quốc gia mà hành vi sử dụng điện thoại hay các thiết bị điện tử trên máy bay có bị cấm hay không. Do đó, khi đi máy bay của hãng hàng không nào thì bạn phải tuân thủ quy định của hãng cũng như luật pháp tại quốc gia mà chuyến bay cất/hạ cánh. Tại Việt Nam, tất cả các hãng hàng không hiện tại đều cấm sử dụng điện thoại di động trên máy bay, chỉ cho phép sử dụng một số thiết bị điện tử sau khi máy bay đã ổn định độ cao.

Nguồn: [Link nguồn]

Mạng 4G đã phủ bao nhiêu % dân số, mạng 5G hiện ra sao tại Việt Nam?

Trong khi mạng 4G đang thể hiện sự ổn định thì mạng 5G cũng có những đột phá về vùng phủ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo An An (tổng hợp) ([Tên nguồn])
Công nghệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN