COVID-19: Tổng đài 18001119 đã gọi bao nhiêu cuộc, tới bao nhiêu người?

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Tổng đài 18001119 với trợ lý ảo voiceBot đã góp phần phát hiện hàng nghìn trường hợp có triệu chứng nhiễm bệnh.

Trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam (từ ngày 27/4 đến nay), tổng đài khai báo y tế 18001119 đã nhận được nhiều cuộc gọi từ người dân. Ngược lại, tổng đài này cũng có khả năng gọi tự động (hay còn gọi là robot, callbot hay voiceBot) để tầm soát y tế người dân trong các khu vực có nguy cơ cao như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM,... với một giọng nữ dễ nghe.

Tổng đài 18001119 với voiceBot đang tự động gọi điện tầm soát y tế người dân.

Tổng đài 18001119 với voiceBot đang tự động gọi điện tầm soát y tế người dân.

Theo thông tin từ tập đoàn công nghệ FPT - đơn vị phát triển trợ lý ảo AI đang được sử dụng bởi tổng đài 18001119 (tổng đài do VNPT triển khai về hạ tầng, Bộ TT&TT và Bộ Y tế quản lý việc sử dụng), tính đến nay, voiceBot đã thực hiện hơn 2,2 triệu cuộc gọi tới hơn 1,2 triệu công dân Việt Nam tại 6 tỉnh thành phố có dịch, góp phần phát hiện hàng nghìn trường hợp có triệu chứng nhiễm bệnh.

"Chỉ trong vòng 1 ngày sau khi nhận được thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia, FPT đã hoàn thiện trợ lý ảo voiceBot truy vết COVID-19, giúp gia tăng hiệu quả đáng kể cho đội ngũ truy vết dịch trên toàn quốc", thông tin lần đầu tiên tiết lộ về thời gian tạo ra voiceBot mà hơn 1,2 triệu người đã nhận được cuộc gọi.

Theo FPT, làn sóng COVID-19 lần thứ tư đã lan rộng với diễn biến khó lường, cùng với sự xuất hiện của chủng mới Delta lây lan nhanh hơn trước. Điều này đã tạo áp lực kép về nhu cầu tập trung nguồn lực đội ngũ y, bác sĩ ở tuyến đầu và nhu nhu cầu về cơ sở hạ tầng tại khu vực chữa trị, cách ly phục vụ cho công tác khám và chữa bệnh.

Kỹ thuật viên của FPT đang lắp đặt hệ thống CNTT tại các bệnh viện.

Kỹ thuật viên của FPT đang lắp đặt hệ thống CNTT tại các bệnh viện.

Trước tình hình đó, FPT đã đưa các giải pháp công nghệ sẵn có vào các hoạt động phòng chống dịch, nhằm tiết kiệm nguồn lực, nâng cao an toàn cho mọi người. Với việc tập trung triển khai các giải pháp công nghệ tới các bệnh viện dã chiến cùng nhiều hoạt động hỗ trợ trên các mặt trận, FPT đã và đang cố gắng giảm tải khối lượng công việc và nâng cao an toàn cho lực lượng tuyến đầu.

Chẳng hạn, việc áp dụng các giải pháp công nghệ vào công tác kiểm soát, truy vết thông tin dịch bệnh đã mang lại hiệu quả cao trong giải phóng một nguồn sức lao động khổng lồ từ các nhân viên tổng đài. Qua đó, chúng ta có thể tập trung nguồn lực này cho công tác chữa trị ở tuyến đầu.

Trước đó, năm 2020, chỉ trong vòng 7 ngày khi xảy ra làn sóng COVID-19 lần thứ nhất tại Việt Nam, FPT đã hợp tác với Bộ Y tế kịp thời xây dựng và đưa trợ lý ảo nCov vào ứng dụng để tự động cung cấp thông tin và giải đáp mọi câu hỏi về dịch bệnh của người dân.

Mới đây, FPT đã khảo sát, lên phương án, thống nhất kế hoạch với các bệnh viện để hoàn thiện hạ tầng CNTT tại Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 1, số 4, số 7, số 8, số 10, số 16 tại TP.HCM và Bệnh viện dã chiến Khu ký túc xá phía Tây Đà Nẵng. Hệ thống Wi-Fi với 100 điểm phát, cùng đường truyền băng thông lớn, hệ thống họp trực tuyến Onmeeting by FPT, dàn máy tính, máy in và các camera giám sát cũng đã được lắp đặt tại các bệnh viện chỉ trong 1 - 2 ngày triển khai. 

Bên cạnh thế mạnh công nghệ sẵn có, FPT đã liên tiếp triển khai hoạt động hỗ trợ thiết thực như tiên phong hỗ trợ khu vực cách ly, vật dụng sinh hoạt, lương thực… tới những tỉnh, thành phố trọng điểm, nhằm hỗ trợ công tác cách ly và đảm bảo an toàn giãn cách.

Nguồn: [Link nguồn]

COVID-19: Bộ TT&TT ứng trực 24/7, phòng chống dịch như thời chiến

Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ TT&TT được giao nhiệm vụ phải nằm trong tổ công tác đặc biệt, ứng trực 24/7 như...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN