Chuyển mạng giữ số: Vì sao Gmobile đứng ngoài cuộc chơi?

Trong khi 3 nhà mạng VinaPhone, Viettel và MobiFone đang gấp rút triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số trước thời điểm "giờ G" (16/11/2018) thì GMobile vẫn đứng ngoài cuộc chơi, khiến dân buôn SIM số khóc ròng...

Dân buôn số ngậm ngùi nhìn tiền “chết”

Chỉ còn 10 ngày nữa (ngày 16/11), ba nhà mạng lớn VinaPhone, Viettel và MobiFone sẽ triển khai cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số cho khách hàng.

Trong khi người sử dụng viễn thông đang rất háo hức vì tâm lý sắp có thêm lựa chọn sử dụng dịch vụ tốt hơn thì dân buôn SIM số nhiều người lại “khóc ròng” vì vỡ mộng do dự đoán sai diễn biến của thị trường.

Thông tin mới nhất từ nhà quản lý cho hay, trước mắt, chỉ có 3 nhà mạng VinaPhone, Viettel và MobiFone sẽ cung cấp dịch vụ này cho các thuê bao trả sau từ ngày 16/11/2018. Sau 3 tháng sẽ tiếp tục mở rộng cho các thuê bao trả trước. Vietnamobile sẽ chính thức cung cấp dịch vụ từ ngày 01/01/2019. Riêng Gmobile sẽ không cung cấp dịch vụ này.

Chuyển mạng giữ số: Vì sao Gmobile đứng ngoài cuộc chơi? - 1

Nhiều dân buôn SIM số vỡ mộng vì trót gom nhiều SIM số đẹp của GMobile. (ảnh minh họa)

Thông tin Gmobile không áp dụng chính sách chuyển mạng giữ nguyên số khiến giới kinh doanh SIM thẻ vỡ mộng bởi đã trót ôm số lượng lớn SIM số đẹp với hi vọng sau ngày 16/11 sẽ bán được giá cao cho người tiêu dùng muốn mua số đẹp của mạng nhỏ rồi chuyển sang 1 trong 3 mạng lớn.

Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, anh Hải – chủ một cửa hàng kinh doanh viễn thông trên phố Lê Thanh Nghị (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, cuối năm 2017 anh đã kiếm bộn tiền nhờ gom SIM 11 số sau đó bán giá cao hơn khi được rút gọn về 10 số.

Thời điểm đó đã bắt đầu có thông tin về chính sách chuyển mạng giữ số trong năm 2018 nên anh Hải cũng đã vay mượn tiền gia đình, bạn bè để “ôm” SIM số đẹp từ các mạng Vietnamobile, Gmobile…

“Đầu năm 2018, chính sách chuyển mạng giữ số bị chậm lại, tôi đã định “xả” bớt hàng ra nhưng lại nghĩ tiếc vì bán ra lúc đó có thể bị mất giá 20-30% nên lại cố găm hàng đến giờ. Bây giờ, Gmobile lại không tham gia nên tôi xác định lỗ hết kho số đó, chỉ mong sang năm 2019 có thể gỡ gạc chút từ lượng SIM Vietnamobile” – anh Hải nói.

Cùng chung cảnh ngộ với anh Hải, anh Tiến – một chủ kinh doanh viễn thông ở phố Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội) cũng đã phải thanh lý dần kho số Gmobile toàn số tứ quý, số gánh, số taxi để thu hồi vốn, mặc dù giá còn rẻ hơn khi nhập vào.

Trong khi nhìn SIM số đẹp của 3 nhà mạng Vinaphone, Viettel, MobiFone liên tục tăng giá, anh Tiến nhìn hàng loạt dãy số đẹp Gmobile của mình mà… đứt từng khúc ruột. Tuy nhiên, “thị trường luôn biến động, mình dự báo sai thì phải chấp nhận rủi ro thôi” – anh Tiến chia sẻ.

Trong khi đó, những dân kinh doanh SIM số đẹp ôm SIM của Vietnamobile lại thở phào vì dù Vietnamobile triển khai muộn hơn nhưng dù sao đến đầu năm 2019, họ cũng sẽ có thể thu lời từ việc chuyển mạng giữ số của nhà mạng này.

Theo dự báo của một số đại lý SIM thẻ, giá bán SIM số đẹp Vietnamobile có thể tăng gấp đôi, gấp ba vào thời điểm đâu năm sau.

Ẩn số GMobile

Chuyển mạng giữ số di động (Mobile Number Portibility - MNP) là dịch vụ giúp người dùng di động có thể lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ di động mà không phải thay đổi số thuê bao.

Theo đó, một số thuê bao di động của mạng này khi chuyển sang sử dụng mạng khác thì được giữ nguyên dãy số, không có bất cứ sự thay đổi nào kể cả là đầu số thuê bao.

Dịch vụ này đem lại nhiều lợi ích cho cả người dùng (được thêm lựa chọn, được nhà mạng phục vụ tốt hơn), doanh nghiệp (phải nâng cao chất lượng dịch vụ, được mở rộng kho số) và cơ quan quản lý (đẩy lùi nạn sim rác).

Chuyển mạng giữ số: Vì sao Gmobile đứng ngoài cuộc chơi? - 2

GMobile đứng ngoài cuộc chơi chuyển mạng giữ số?

Trong hiệp định CPTPP mà Việt Nam vừa ký kết gia nhập, chính sách chuyển mạng giữ nguyên số là một nội dung Việt Nam có tham gia.

Trong các buổi làm việc với nhà mạng về vấn đề này, Thứ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải nhấn mạnh, đây là chính sách bắt buộc để thúc đẩy cạnh tranh, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp viễn thông và đảm bảo quyền lợi của người dùng dịch vụ.

“Chỉ cần 2 doanh nghiệp cũng thực hiện chứ không phải đợi đủ 5 doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào chưa kịp triển khai ngay có thể làm đề xuất báo cáo”, Thứ trưởng nói.

Lịch triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ số ban đầu được ấn định thực hiện từ tháng 9/2017, sau đó được dời về ngày 31/12/2017. Tuy nhiên sau đó kế hoạch bị dời tiếp 2 lần: Áp dụng sau ngày 8/1/2018, sau đó là văn bản quy định thời gian áp dụng là "trong năm 2018". Cuối cùng, mốc thực hiện được ấn định từ ngày 16/11/2018.

Thứ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải yêu cầu “doanh nghiệp nào chưa kịp triển khai ngay có thể làm đề xuất báo cáo”, nhiều câu hỏi đặt ra về việc vì sao Gmobile lại đứng ngoài “cuộc chơi” lần này? (khiến dân buôn SIM số chưng hửng, vỡ mộng).

Hiện chưa rõ Gmobile  báo cáo với Bộ chủ quản ra sao, nhưng theo một số chuyên gia viễn thông thì nguyên nhân lớn nhất có thể do nhà mạng này lo ngại nếu tham gia ngay thì các thuê bao của mình sẽ chỉ mua số của mình rồi nhanh chóng chuyển sang các nhà mạng lớn, làm thị phần của Gmobile vốn đã nhỏ bé lại càng trở nên teo tóp hơn.

Ngoài ra, lý do quan trọng nữa có thể liên quan đến khả năng tự chủ kỹ thuật của Gmobile chưa đủ để đầu tư cho hệ thống chuyển mạng giữ nguyên số lần này.

Thông tin mới từ VinaPhone trước ”giờ G” chuyển mạng giữ số

VinaPhone đã có thông tin cập nhật về sự chuẩn bị của họ trước khi sự kiện chuyển mạng giữ số chính thức diễn ra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Minh ([Tên nguồn])
Chuyển mạng giữ số Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN