“Bạn cùng bể” rót nửa triệu đô vào startup công nghệ này mặc “cá mập U60” chê tơi tả

Đây cũng là startup duy nhất gọi vốn thành công tại tập 14 - Shark Tank mùa 3.

Thương vụ nổi bật trong tập 14 của Shark Tank - Thương vụ bạc tỷ mùa 3 là màn gọi vốn của Nguyễn Bảo Trọng - nhà sáng lập Công ty Cổ phần Miin Việt Nam. Đưa ra lời kêu gọi 500.000 USD cho 15% cổ phần, nhà sáng lập giới thiệu Miin là một nền tảng công nghệ bán bảo hiểm, mà trong đó mỗi người đóng vào 2.000 đồng/ngày để làm quỹ. Khi có rủi ro sẽ trích tiền trong quỹ để chi trả (chỉ ngày nào có đóng thì ngày đó mới được bảo hiểm). Đến cuối năm, số tiền đó sẽ được trả lại cho những người đã tham gia vào quỹ.

Cung cấp thông tin tổng quan khoảng 58% dân số Việt Nam (tầm 60 triệu người) đang không có bảo hiểm, Nguyễn Bảo Trọng cho rằng với dung lượng thị trường cực lớn và chưa có ai động đến này chính là “đại dương xanh” để các shark có thể “tha hồ bơi lội”.

Nguyễn Bảo Trọng trình bày về startup Miin.

Nguyễn Bảo Trọng trình bày về startup Miin.

Là một đại lý của PTI nhưng startup đã chủ động nghiên cứu, tìm hiểu để đề xuất với công ty gốc những sản phẩm bảo hiểm mới như bảo hiểm tình yêu, bảo hiểm sức khỏe,… Ứng dụng Miin có thể hỗ trợ khách hàng mua bảo hiểm, nhận giấy chứng nhận điện tử online dễ dàng và nhận bồi thường nhanh chóng. 

Tuy nhiên, với 30 năm kinh nghiệm trong ngành bảo hiểm, shark Liên lập tức cắt ngang, lên tiếng bắt bẽ startup mới chỉ dừng lại ở vị trí đại lý, chưa đủ thẩm quyền để bồi thường thanh toán ngay trên ứng dụng vì dòng tiền chảy về quỹ của công ty bảo hiểm gốc. Song Nguyễn Bảo Trọng vẫn tự tin trình bày về những hiểu biết của mình trong ngành, đồng thời sẵn sàng lắng nghe và đối chất trực tiếp từng ý với shark Liên.

Shark Liên thể hiện bà không thích Miin ngay từ những lời giới thiệu đầu tiên.

Shark Liên thể hiện bà không thích Miin ngay từ những lời giới thiệu đầu tiên.

Có vẻ nhà sáng lập ứng dụng bảo hiểm LIAN đã không ưng Miin ngay từ đầu nên tỏ ra khá khó chịu, liên tục cắt ngang, chê bai và từ chối đầu tư. “Tôi thấy bạn mới chỉ dừng lại ở một đại lý nhỏ. Bạn có thể tham khảo thêm thị trường để nắm bắt thị trường bảo hiểm Việt Nam. Thứ hai, bạn phải xem lại chiến lược kinh doanh của mình”, shark Đỗ Thị Kim Liên nói.

Nhận xét mô hình của startup còn mới mẻ nhưng định giá cao nên hai Shark Phạm Thanh Hưng và Nguyễn Thanh Việt cũng tuyên bố rút lui để nhường lại sân chơi cho hai nhà đầu tư còn lại.

“Các đơn vị nền tảng có tập khách hàng lớn, họ hoàn toàn có thể bán bảo hiểm trên đó nhưng họ không xây quy trình phàn nàn trên ứng dụng. Đấy là lợi thế, nếu khách hàng có thể trải nghiệm tất cả ngay trên một ứng dụng thôi thì họ có thể phàn nàn được. Tất cả các công ty lớn họ đang có những bài toán lớn, hiện tại họ chưa nhìn thấy được dung lượng của thị trường. Vì vậy, cách của mình là phải đi thật sớm và phải đi thật nhanh”, founder của Miin trình bày thêm.

Có góc nhìn của những doanh nhân trẻ và hoàn toàn khác so với "bà ngoại U60", sau khi nghe startup chia sẻ về quá trình sử dụng vốn 500.000 USD trong 12 tháng tới, shark Thủy và shark Dzung Nguyễn quyết định bắt tay với nhau kết nạp Miin vào hệ sinh thái của mình, với lời đề nghị 500.000 USD cho 25% cổ phần.

Shark Dũng và shark Thủy thảo luận riêng khi startup đang đối chất với shark Liên.

Shark Dũng và shark Thủy thảo luận riêng khi startup đang đối chất với shark Liên.

“Về mặt thị trường, anh cho rằng đây là mô hình công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực bảo hiểm và nó sẽ thành xu thế. Anh nhìn thấy tiềm năng, có điều trong lĩnh vực công nghệ em làm thì sẽ có rất nhiều người làm. Tuy nhiên, anh ghi nhận em đang là người đi đầu. Với hệ sinh về giáo dục, anh hoàn toàn có thể bán kèm hoặc tặng cho khách hàng vì số tiền bảo hiểm rất ý nghĩa mà không quá lớn”, shark Thủy nói.

Shark Dzung cũng chia sẻ: “Trong lĩnh vực bảo hiểm anh mù tịt, chỉ sử dụng ở góc độ người dùng cuối. Dưới góc độ nhà đầu tư mạo hiểm, anh cảm nhận được đây sẽ là lĩnh vực rất chi tiềm năng. Thứ hai, anh thấy em rất tâm huyết với dự án này. Đó là hai lý do anh muốn cùng shark Thủy tham gia hỗ trợ em”.

Không muốn mất nhiều hơn số cổ phần khi đi gọi vốn, Nguyễn Bảo Trọng đề nghị thương lượng lại ở mức 15% cổ phần và cam kết có thể đạt 200% KPI. Tuy nhiên, trước thế trận cò kè mặc cả giữa startup với nhà đầu tư, shark Thủy lên tiếng chốt hạ: “5% hay bao nhiêu không phải là vấn đề quá lớn nhưng vì anh là nhà đầu tư, quan điểm của anh là phải mua được đúng giá. Khi đầu tư vào bao giờ cũng đi kèm với KPI và KPI em cam kết là cho mức 25%. Nếu em không đạt KPI thì cũng không ai trả lại tiền cho bọn anh cả. Anh vẫn đề nghị 500.000 USD cho 25%, đây là cách định giá hợp lý cho một doanh nghiệp như thế này”.

Miin đã gọi vốn thành công 500.000 USD cho 25% cổ phần.

Miin đã gọi vốn thành công 500.000 USD cho 25% cổ phần.

Bị mất nhiều hơn số cổ phần kỳ vọng nhưng cân nhắc đến sự hợp sức từ nhà đầu tư, Miin sẽ có cơ hội đi nhanh, giá trị công ty sẽ tăng gấp nhiều lần. Do đó, nhà sáng lập Nguyễn Bảo Trọng đã đồng ý nhận sự hỗ trợ từ hai shark Dzung Nguyễn và shark Nguyễn Ngọc Thủy. Đây cũng là startup duy nhất gọi vốn thành công tại tập 14 - Shark Tank mùa 3.

Shark Tank: Startup đấu giá online gọi vốn 1 triệu USD ra về ”tay trắng” vì... càng làm càng lỗ

“Tôi cảm giác càng đấu giá càng lỗ. Quy mô thị trường khá chi là bé mặc dù có rất nhiều tài sản đang cần đấu giá...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Startup công nghệ tại Shark Tank - Thương vụ bạc tỷ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN