1.400 tỉ xây dựng trung tâm CNTT “khủng” nhất Đồng bằng sông Cửu Long

Sự kiện: Công nghệ

Trung tâm nghìn tỉ này sẽ góp phần giải bài toán thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực phần mềm, viễn thông,… cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ đến năm 2020 và tầm nhìn tới 2030, thành phố này sẽ đầu tư trọng điểm vào du lịch, các ngành dịch vụ và sản xuất công nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, thế mạnh về các ngành nông nghiệp và thủy sản cũng sẽ được chú trọng công nghệ hóa để bắt kịp với cuộc cách mạng 4.0.

Tuy nhiên, thực tế tại địa phương chưa có nhiều lao động có đủ cả kiến thức, kỹ năng cũng như khả năng ngoại ngữ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp. Phần lớn nguồn nhân lực được đào tạo bài bản tại Cần Thơ lại đang đổ về TP.HCM, “đầu tàu” kinh tế khu vực phía Nam để tìm kiếm cơ hội việc làm.

1.400 tỉ xây dựng trung tâm CNTT “khủng” nhất Đồng bằng sông Cửu Long - 1

Nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực CNTT là một bài toán khó ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Điều này đã khiến không ít doanh nghiệp gặp khó khăn, ngại đầu tư khi quyết định đặt cơ sở ở Cần Thơ, khiến những chính sách phát triển kinh tế vùng chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Theo một báo cáo hồi cuối năm 2016, Công ty TNHH Kwong Lung - Meko phải sử dụng công nhân vào vị trí quản lý do thiếu hụt nhân sự. Công ty phần mềm FPT Software chi nhánh Cần Thơ sau khi đi vào hoạt động cũng gặp phải thách thức không nhỏ khi tìm kiếm nhân sự có kinh nghiệm, khả năng quản lý và sẵn sàng thử thách trong các dự án lớn với đối tác nước ngoài.

Trước thực tế này, đã có nhiều doanh nghiệp liên kết với các đơn vị đào tạo tại địa phương như Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ… để đưa sinh viên bước vào môi trường thực tế ngành công nghiệp ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cũng như tuyển dụng trực tiếp các sinh viên có năng lực và kinh nghiệm vào làm việc ở vị trí thích hợp.

Mới đây nhất, tổ hợp phân hiệu trường đại học và công viên phần mềm FPT Cần Thơ đã được khởi công xây dựng. Theo ông Bùi Quang Ngọc, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT, với hai hướng mũi nhọn là đào tạo và cung cấp dịch vụ CNTT, khu tổ hợp này sẽ là bàn đạp để tập đoàn cùng Cần Thơ và toàn khu vực Tây Nam Bộ bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa Cần Thơ trở thành một đô thị thông minh với nền tảng công nghệ vững chắc.

1.400 tỉ xây dựng trung tâm CNTT “khủng” nhất Đồng bằng sông Cửu Long - 2

Phối cảnh khu tổ hợp trường học và trung tâm đào tạo, việc làm 17ha đang xây dựng.

Theo ông Ngọc, trong bối cảnh giáo dục hiện nay, điểm khác biệt làm nên thương hiệu ở FPT là coi trọng định hướng nghề nghiệp, định hướng quốc tế hóa và cho phép sinh viên có nhiều cơ hội thực hành, sớm tiếp cận với thực tiễn nghề nghiệp từ khi chưa ra trường. Trung bình mỗi sinh viên có từ 4 - 8 tháng học tập tại doanh nghiệp, được đi làm như một nhân viên thực thụ nên tích lũy được vốn kinh nghiệm và tiếp cận sớm với các nhà tuyển dụng. Các sinh viên cũng được đào tạo kỹ năng mềm, khả năng ngoại ngữ, giáo dục thể chất.

Khi đi vào hoạt động, cơ sở Cần Thơ sẽ áp dụng chuẩn chung trong đào tạo như 100% giáo trình chuyên ngành được nhập từ nước ngoài; chương trình đào tạo tuân theo chuẩn mới nhất của quốc tế cho từng chuyên ngành; đội ngũ giảng viên cũng bao gồm cả giảng viên nước ngoài. Thực tế, sinh viên tại các cơ sở trên cả nước như Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng đều có tỉ lệ việc làm sau tốt nghiệp đạt được con số ấn tượng: 98% sinh viên có việc làm sau 12 tháng với mức lương bình quân khoảng 8,3 triệu đồng/người/tháng; 4,5% sinh viên khởi nghiệp, trong đó nhiều sinh viên đã đạt được các giải thưởng khởi nghiệp quốc gia và quốc tế ; 9,8% sinh viên sau khi tốt nghiệp trở thành lãnh đạo, quản lý tại các doanh nghiệp; 15% sinh viên ra trường làm việc, học tập tại nước ngoài.

Sinh viên của trường tại Cần Thơ cũng sẽ được tạo cơ hội việc làm ngay trong các công ty thành viên của tập đoàn nằm tại khu tổ hợp, cơ hội tham gia vào các dự án với nhiều đối tác, khách hàng lớn, tiếp xúc với các nền tảng xu hướng công nghệ mới nhất trên thế giới ngay tại Cần Thơ. Mục tiêu tới năm 2025, đại học này sẽ đón nhận 10.000 sinh viên khu vực Cần Thơ và miền Tây Nam Bộ vào học tập. Trong số các công ty thành tọa lạc tại khu tổ hợp, riêng chi nhánh FPT Software dự kiến sẽ tuyển dụng thêm ít nhất 500 nhân sự mới tại địa phương đến năm 2020.

Tính tới thời điểm hiện tại, đây là tổ hợp giáo dục - công nghệ cao đầu tiên và “khủng” nhất tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Khu tổ hợp này được xây dựng trên diện tích hơn 17ha tại quận Ninh Kiều và quận Bình Thủy, với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 1.400 tỉ đồng.

Bà Võ Thị Hồng Ánh - Phó chủ tịch UBND Cần Thơ đánh giá, việc xây dựng tổ hợp này sẽ hỗ trợ tích cực về đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao; đưa ra các giải pháp hữu ích về quản lý y tế, giáo dục, quy hoạch đô thị... phục vụ cho sự phát triển của thành phố, tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các khối bộ ngành. Dự án được kỳ vọng tạo ra công ăn việc làm ổn định, chất lượng cho miền Tây Nam Bộ nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng; góp phần giải quyết bài toán giữ chân người tài, góp sức phát triển địa phương.

Việc làm CNTT: ”Không giao tiếp được bằng ngoại ngữ là thất bại rồi!”

Dù bạn có chuyên môn giỏi đến mấy nhưng không giao tiếp được với đồng nghiệp, các nhóm cộng tác thì cũng khó có tương...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Công nghệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN