Việt Nam rực rỡ hạng 99 FIFA: Báo Trung Quốc tặng 3 lời khuyên "vàng"
Trang Sina (Trung Quốc) đã đưa ra những lời khuyên hữu ích cho bóng đá Việt Nam sau khi gặt hái vô số thành công trong 1 năm qua.
Video Việt Nam vượt qua Jordan trên chấm 11m, ghi danh vào tứ kết Asian Cup:
Sau Asian Cup 2019, trang FootyRankings dựa trên thuật toán của FIFA để tính toán thứ hạng tạm thời của các đội tuyển tham dự. Cụ thể, ĐT Việt Nam với thành tích lọt vào tứ kết đã tăng 1 bậc lên hạng 99 thế giới, top 16 châu Á. Đây là bước đột phá quan trọng trong hành trình tiến vào top những đội mạnh nhất châu Á và xa hơn, mục tiêu tiến ra "biển lớn" World Cup.
Trang Sina (Trung Quốc) khuyên Việt Nam không nên "ngủ quên" quá lâu sau thành công của lứa cầu thủ U23 suốt 1 năm qua
Khi bốc thăm chia bảng vòng loại World Cup 2022 và Asian Cup 2023, thầy trò HLV Park Hang Seo có thể lọt vào nhóm hạt giống số 2, tránh được những đối thủ sừng sỏ.
Dù vậy, trong bài viết "Việt Nam đừng đi theo vết xe đổ của bóng đá Trung Quốc nếu muốn lớn mạnh, các bạn đang gặp nguy hiểm!", trang Sina (Trung Quốc) bất ngờ đặt ra nghi vấn về sự phát triển vượt bậc của bóng đá Việt Nam. Yếu tố mà trang báo này xoáy sâu chính là lứa cầu thủ U23 đã ăn tập và gặt hái vô số chiến tích lịch sử suốt hơn 1 năm qua như Quang Hải, Công Phượng, Văn Toàn, Đức Chinh,...
"Bóng đá Việt Nam đang lớn mạnh? Nhiều người nhận định như vậy sau thành công của ĐT U23 Việt Nam ở VCK U23 châu Á đầu năm 2018. Nhưng U23 không phải đại diện cho một nền bóng đá. Họ làm khán giả World Cup ngay từ vòng loại, trong khi thành tích ở Asian Cup chưa được cải thiện (cả 2 lần tham dự đều lọt vào tứ kết)".
Để chứng minh cho lập luận, Sina đưa ra trường hợp của chính Trung Quốc. Năm 2005, nền bóng đá "xứ tỷ dân" từng giành quyền dự World Cup trẻ, thậm chí vượt qua vòng bảng. Dù vậy, bệ phóng lý tưởng đó không đủ thúc đẩy sự phát triển:
"Nói về ấn tượng, Trung Quốc thậm chí đã dự World Cup trẻ năm 2005 và chỉ dừng bước trước ĐT Đức ở vòng 1/8 với tỉ số sát nút 2-3. World Cup trẻ chắc chắn là đấu trường danh giá hơn U23 châu Á, nhưng điều đó đâu có nghĩa chúng ta đã lớn mạnh?".
Suốt nhiều năm, người làm bóng đá Trung Quốc không tiếc tiền đầu tư cơ sở vật chất, nâng tầm giải VĐQG (Chinese Super League). Trớ trêu thay, các cấp độ đội tuyển nước này liên tiếp thất bại: đội U23 liên tiếp bị loại từ vòng bảng U23 châu Á, ASIAD, ĐTQG mất vé dự World Cup 2018, dừng bước ngay tứ kết Asian Cup. Cho đến nay, World Cup 2002 vẫn là lần duy nhất Trung Quốc tham dự giải đấu danh giá nhất làng túc cầu.
Bóng đá Việt Nam đã và đang hợp tác liên kết đào tạo trẻ với nhiều CLB nổi tiếng trên thế giới như Arsenal (HAGL), Man City (Hà Nội), PVF (mời các huyền thoại, chuyên gia MU giữ vị trí lãnh đạo như Ryan Giggs, Paul Scholes). Dù vậy, Sina cho rằng con đường này từng được bóng đá Trung Quốc áp dụng.
Bóng đá trẻ Trung Quốc từng gặt hái nhiều thành công rực rỡ hơn cả Việt Nam nhưng "dậm chân tại chỗ" vì ảo tưởng và chính sách phát triển sai lầm
"Việt Nam từng hợp tác với Arsenal trong công tác đào tạo trẻ, tuy nhiên chúng ta đã làm điều đó từ trước. Nếu muốn cải thiện chất lượng ĐTQG cấp tốc, cách tốt nhất là gọi các cầu thủ và huấn luyện tập trung một thời gian.
Nhưng điều đó có thực sự hữu dụng khi bóng đá Trung quốc đang ở một vị thế đáng hổ thẹn. Trên thực tế, Tổng cục Thể dục Thể thao khó có thể can thiệp khi mà các cầu thủ thuộc biên chế một CLB, việc huấn luyện tập trung gần như bất khả thi".
Cuối bài viết, Sina tiếp khuyên những người làm bóng đá Việt Nam không nên đi vào "vết xe đổ" của bóng đá Trung Quốc trong quá khứ khi "ngủ quên" trên chiến thắng quá lâu, ảo tưởng về thực lực thật sự của ĐT chỉ dựa vào thành công ban đầu:
"Kết quả ở giải trẻ chỉ là bề nổi. Tuy nhiên, những người làm bóng đá lại quá chú tâm vào đó thay vì tiếp tục hướng về phía trước và làm những điều đúng đắn. Chính điều đó đã huy hoại một thế hệ tương lai".
Khi Tết đến cận kề, một số cầu thủ của đội tuyển Việt Nam “tậu” nhà mới, còn một số khác lại về quê, người...