Thầy trò Hữu Thắng: "Cái thật, cái hồn” của đội tuyển
Thắng Hong Kong (Trung Quốc) trên chấm luân lưu, vượt qua Singapore sau 120 phút trong trận chung kết. Lần đầu tiên thầy trò HLV Hữu Thắng ôm trong tay chiếc cúp vô địch…
Thời khoác áo đội tuyển, Nguyễn Hữu Thắng chưa bao giờ được ôm cúp vô địch trong tay, dù là ở những giải đấu giao hữu. Thậm chí là Cúp TP.HCM năm 1995, thế hệ của Hữu Thắng cũng ngậm ngùi nhìn đội tuyển TP.HCM thi đấu chung kết với Singapore và buồn bã khi thấy Fandi Ahmad nâng cao chiếc cúp vàng.
Thầy trò Hữu Thắng đã có danh hiệu đầu tiên
Vì thế nên chiếc cúp tứ hùng ở Myanmar với ông Hữu Thắng mang một ý nghĩa rất đặc biệt, dù đấy chỉ là giải đấu giao hữu với 4 đội bóng tham dự.
Những cổ động viên khó tính nói thắng thế mà vô địch thì có gì mà mừng, bởi phải đá luân lưu mới qua được Hong Kong và Singapore toàn “gà tre” nhưng phải sang đến hai hiệp phụ mới ăn được họ.
Đúng là nếu cân đo đóng đếm thì Hong Kong chỉ cứng hơn Syria đá 30% sức, như lời HLV họ nói, còn Singapore mà chúng ta thắng trong trận chung kết chỉ mạnh hơn và rát hơn U21 Singapore sang Việt Nam đá giải U21 quốc tế và thắng U21 Việt Nam trong trận tranh HCĐ.
Nhưng cái chính cần nhìn vào không phải là thắng ai, là đối thủ yếu hay mạnh mà là cách thắng và cách bước vào những trận đấu của đội tuyển Việt Nam với diện mạo mới.
Phải thừa nhận lâu lắm rồi mới thấy một đội tuyển Việt Nam chơi bóng “máu” và đồng lòng như thế. Họ có thể không giàu sức mạnh như đội Việt Nam dự vòng loại World Cup; không thực dụng như hồi đi đá Asiad; không hoa mỹ và cũng không có nhiều trụ cột nổi trội như thời A. Riedl, hoặc thời Calisto, nhưng họ là một tập thể biết nhìn nhau mà đá và biết giúp đỡ nhau cùng tiến và cùng vì mục đích chung.
HLV Hữu Thắng đang xây dựng lại ĐTVN
Đấy cũng là đội tuyển vẫn với chủ trương đá chắc ở hàng thủ nhưng khuynh hướng vẫn là tấn công, là hướng về phía trên. Họ thua thiệt về thể hình, nhưng vẫn dám đá 5-5 với những cầu thủ của Syria to cao hơn mình hay nói như giới chuyên môn là dám đè “Tây” trong đội hình nhập tịch của Hong Kong mà đá sòng phẳng.
Với Singapore, chơi phòng ngự kín kẽ và sẵn sàng kéo đến chấm luân lưu, ĐTVN cũng vậy. Các học trò HLV Hữu Thắng vẫn “đè” đối thủ ra mà đá, vẫn khoan bằng đủ mọi cách, đủ mọi miếng phối hợp và đủ mọi tình huống. Thậm chí khi có người nghi ngờ vào thể lực khi vào đến hai hiệp phụ thì họ vẫn chạy, vẫn tăng tốc và vẫn chơi thứ bóng đá cống hiến…
Chiếc cúp tứ hùng chỉ là một chiếc cúp giao hữu, nhưng lại có giá trị tinh thần rất lớn không chỉ cho thầy trò HLV Hữu Thắng mà còn cho cả người hâm mộ khi thấy được diện mạo của một lối chơi năng động, một lối chơi gắn bó và lăn xả. Đó cũng là một lối chơi có trách nhiệm nhưng lại không nặng nề với tư tưởng sợ thua.
Cái được lớn nhất mà HLV Hữu Thắng làm được trong thời gian qua là yếu tố tinh thần, là diện mạo của đội tuyển. Thậm chí là cả sự sòng phẳng mà những lần Công Vinh, Văn Quyết thẳng thắn nói lên bất hợp lý ở đội tuyển, hay chính HLV Hữu Thắng cũng không ngần ngại chỉ thẳng ra, đã xóa đi được sự e dè, sợ hãi với môi trường ở đội tuyển.
ĐTVN đang hướng đến AFF 2016
Syria chỉ đá 30% sức, Hong Kong không mạnh, Singapore toàn trẻ và non kinh nghiệm… thế nên thước đo cho chiếc cúp vô địch đừng nên đánh giá vào yếu tố chuyên môn mà chỉ nên xoay quanh những thành tựu ban đầu là diện mạo đội tuyển và niềm tin ban đầu tạo ra cho người hâm mộ qua cách chơi để tìm được chiến thắng.
Nó cũng kha khá giống với thời Hữu Thắng lần đầu tập trung đội tuyển đá SEA Games 18 – 1995 khi chúng ta không giỏi về chuyên môn nhưng cái cách để đạt được thành tích, thậm chí là trận chung kết thua Thái Lan đến 0-4, khiến người hâm mộ hạnh phúc với “cái thật” và “cái hồn” của một đội tuyển.
Xem lại Diễn biến trận chung kết cúp tứ hùng Myanmar (Nguồn VTV)