Thất bại là bài học quý cho bóng đá Việt Nam
Qua hai màn so tài với tuyển Thái Lan ở chung kết AFF Cup 2022, cần thừa nhận bóng đá Việt Nam chưa đủ đẳng cấp để vươn tầm châu lục
Với dàn tuyển thủ vừa tham dự vòng loại cuối của World Cup 2022 khu vực châu Á, chất lượng đội hình tuyển Việt Nam được đánh giá cao nhất ở AFF Cup kỳ này, vượt trội Thái Lan lẫn Indonesia. Tuy nhiên, đấu pháp chiến thuật là điều mà bóng đá Việt Nam ít có sự cải tiến, thay đổi so với Thái Lan. Nhìn vào đội bóng xứ chùa vàng, trong tay HLV Mano Polking không có những ngôi sao hàng đầu như Chanathip Songkrasin hay Supachok Sarachat nhưng đội hình Thái Lan vẫn thể hiện sự gắn kết chặt chẽ giữa các tuyến và bản lĩnh của một nhà vô địch Đông Nam Á.
Đội Thái biết cách truyền tinh thần, ý chí thi đấu "thép" vào những mảng miếng phối hợp hiệu quả, những đòn đánh hiểm, đa dạng và cởi mở chứ không nhất thiết phải chơi bóng một cách rập khuôn. Sự điềm tĩnh và tự tin được các tuyển thủ Thái Lan thể hiện qua cách bắt nhịp, kiểm soát, điều phối thế trận cùng những bàn thắng mang tính chất quan trọng, định đoạt trận đấu.
Nhìn cách tiền vệ Theerathon Bunmathan di chuyển linh hoạt, kiến tạo thông minh và dứt điểm tinh quái, tố chất này ở các ngôi sao hàng đầu của tuyển Việt Nam như Quang Hải, Hùng Dũng, Hoàng Đức, Phan Văn Đức hay Tiến Linh vẫn còn thiếu. Hoặc việc HLV Polking tạo bất ngờ khi sẵn sàng cất các trụ cột trên băng ghế dự bị ở 2 lượt trận chung kết khiến đoàn quân của HLV Park Hang-seo lúng túng trong việc "bắt bài" lối chơi của đối thủ.
Bóng đá Việt Nam (phải) cần nhìn nhận thực tế để phát triển vững bền như Thái Lan. Ảnh: TRỌNG ANH
Chứng kiến màn trình diễn đầy thuyết phục của tuyển Thái Lan, khán giả đều nhận xét thầy trò ông Polking vượt trội tuyển Việt Nam và hoàn toàn xứng đáng vô địch AFF Cup 2022. Và bóng đá Thái Lan vẫn còn trên Việt Nam một bậc, được thể hiện qua khâu đào tạo trẻ cùng sự chuyên nghiệp, chất lượng chuyên môn cao ở các giải đấu quốc nội. Nhìn tổng thể, bóng đá Thái Lan ở đẳng cấp cao và là "anh cả" ở Đông Nam Á với kỷ lục 7 lần đăng quang AFF Cup - giải đấu hàng đầu khu vực mà Việt Nam mới chỉ hai lần vô địch trong tổng số 14 lần tham dự.
HLV Park Hang-seo từng góp ý rằng bóng đá Việt Nam cần đặt mục tiêu vươn tầm châu lục, thoát khỏi khu vực Đông Nam Á để có những hoạch định cao xa hơn trong tương lai. Chiến lược gia người Hàn Quốc khẳng định khâu đào tạo trẻ là mấu chốt quan trọng nhất giúp phát triển một nền bóng đá vững mạnh và Việt Nam vẫn chưa chăm chút, quan tâm đầu tư nhiều vào vấn đề này. "Bóng đá Việt Nam có được thành quả hôm nay là nhờ sự nỗ lực lớn. Nhưng để tham dự World Cup thì không thể chỉ dựa vào sự nỗ lực của một cá nhân, một tập thể mà là cả một nền bóng đá quốc gia" - chiến lược gia Hàn Quốc nhấn mạnh.
Ngoài ra, các giải đấu hàng đầu Việt Nam như V-League, Hạng nhất quốc gia cũng cần chuyên nghiệp hóa để đội bóng nói chung và cầu thủ nói riêng có thể tồn tại, phát triển lâu dài, tránh tình trạng "ăn xổi ở thì" như hiện tại. Bình luận viên Quang Huy thổ lộ: "Bóng đá Thái Lan có nền tảng vững mạnh và đã vươn tầm. Trong khi đó, trước mỗi mùa giải ở Việt Nam, ban tổ chức lẫn người hâm mộ lại phải lo lắng có đội giải tán vì thiếu kinh phí hoạt động".
Dưới triều đại HLV Park Hang-seo, đội tuyển Việt Nam và U23 quốc gia đang có nền tảng vững chắc. Vấn đề tiếp theo là các nhà làm bóng đá phải vạch ra những hoạch định, chiến lược cụ thể để sự thành công không bị đứt quãng quá dài.
Nguồn: [Link nguồn]
Tiền vệ của đội tuyển Thái Lan, Sarach Yooyen, vừa trở thành cầu thủ giàu thành tích nhất tại AFF Cup với bộ sưu tập gồm 4 danh hiệu giành được kể từ năm 2014.