Trận đấu nổi bật

Xem thêm

Partizan vs Dynamo Kyiv
Logo Partizan - PAR Partizan
-
Logo Dynamo Kyiv - DYN Dynamo Kyiv
-
Fenerbahçe vs Lugano
Logo Fenerbahçe - FB Fenerbahçe
-
Logo Lugano - LUG Lugano
-

MU: “Vua ngược dòng” bất đắc dĩ

Đã quá nhiều trận đấu ở mùa giải năm nay, MU phải sắm vai của kẻ bám đuổi khi để đối phương vượt lên dẫn trước.

Ông vua ngược dòng

Có thể khẳng định cho đến thời điểm này của mùa giải, chẳng có đội bóng nào tại châu Âu phải trải qua nhiều trận đấu trong thế bám đuổi, ngược dòng như Quỷ đỏ thành Manchester. Trải qua 2 tháng thi đấu với tổng cộng 12 trận trên mọi đấu trường, 8 trận trong số đó, MU đều để cho đối phương ghi bàn vươn lên dẫn trước và khiến khán giả sống trong sự thấp thỏm lo âu.

Trong 8 trận đấu đó, có 6 trận là MU bị đối thủ dẫn trước 1 bàn, còn lại 2 trận là bị dẫn trước 2 bàn. Và trong 8 lần phải sắm vai kẻ bám đuổi, MU thắng 6 trận, thua 2 trận. Đó là 2 trận thua trước Everton ở trận khai mạc mùa giải và trước Tottenham sau khi bị dẫn 2 bàn trong hiệp 1. Ở trận đấu đêm qua với Braga, cơn ác mộng đó suýt chút nữa đã lặp lại khi Quỷ đỏ để đối thủ ghi 2 bàn liên tiếp chỉ trong vòng 20 phút đầu tiên. Nhưng rất may sự tỏa sáng kịp thời của Chicharito với 1 cú đúp đã giúp đội chủ nhà ca khúc khải hoàn.

MU: “Vua ngược dòng” bất đắc dĩ - 1

Sự thiếu tập trung, hớ hênh của hàng thủ là nguyên nhân chính khiến MU luôn bị đối phương chọc thủng lưới trước

Danh xưng “vua ngược dòng” phần nào nói lên được bản lĩnh và ý chí thi đấu của Quỷ đỏ khi họ đã không hề nao núng và buông xuôi trong thế bị dẫn trước. Đây cũng được xem là một trong những yếu tố làm nên tên tuổi và truyền thống của MU trong quá khứ. Dưới triều đại của Sir Alex, MU là đội gắn liền với những cuộc lội ngược dòng kinh điển nhất như trận thắng ngược Tottenham 5-3, sau khi bị dẫn trước 0-3 ở mùa giải 2001-2002, hay trận bán kết nghẹt thở ở cúp C1 mùa 1998/1999 với Juventus, và nổi tiếng nhất chính là màn lội dòng kỳ vĩ trước Bayern để đăng quang chức vô địch châu Âu cũng mùa giải đó.

Truyền thống ngược dòng tiếp tục được phát huy qua các thế hệ cầu thủ của MU sau này và cho đến thời điểm hiện tại của mùa giải 2012/2013, phẩm chất đó đang được thể hiện rõ nét hơn lúc nào hết và giúp cho Quỷ đỏ thu về những kết quả khá tích cực (xếp thứ 2 tại NHA, xếp đầu bảng tại cúp C1).

Mặt trái của “vua ngược dòng”

“Vua ngược dòng” là một danh xưng khá mỹ miều nhưng có lẽ bản thân MU cũng như các CĐV chẳng hề muốn đón nhận điều đó. Chẳng có CĐV nào muốn mình phải chứng kiến đội nhà lội ngược dòng hết trận này đến trận khác, giải này qua giải khác. Không ai muốn phải sống mãi trong những giây phút căng thẳng lo âu như vậy. Những trận cầu thót tim của MU có vẻ như đang diễn ra ngày một thường xuyên hơn, và điều đó không tốt cho chính HLV trưởng của họ, Sir Alex, người đã bước sang tuổi 70 và đang phải điều trị bệnh tim mạch.

Việc cứ liên tiếp phải lội ngược dòng cho thấy hàng thủ của MU thực sự đang là điểm yếu khó có thể sửa chữa trong ngày một ngày hai. Có thể thông cảm cho Quỷ đỏ ở trận gặp Braga khi họ ra sân với một trung vệ bất đắc dĩ là Michael Carrick cùng 1 hậu vệ trẻ lần đầu tham dự cúp C1 là Buttner. Nhưng nhìn lại cả chặng đường đã qua từ đầu mùa giải, MU vẫn thường xuyên để thủng lưới, dù là họ thi đấu với cặp trung vệ nào. Kể cả sự góp mặt của Vidic hay Ferdinand, những trung vệ tốt nhất hiện có cũng không thể giúp tuyến phòng ngự của Quỷ đỏ trở nên chắc chắn hơn.

Để đối thủ ghi bàn thắng trước, MU cũng đang bộc lộ những vấn đề nhất định trong việc tập trung và bắt nhịp với trận đấu. Trạn gặp Braga không phải là trận đầu tiên họ để thua ngay ở những phút đầu tiên của trận đấu. Khoảng thời gian 15 phút đầu tiên của mỗi hiệp thường là khoảng thời gian MU thi đấu mất tập trung nhất, hàng thủ chơi sơ hở nhất và đó là thời cơ để các tiền đạo đối phương tận dụng cơ hội chọc thủng lưới.

MU: “Vua ngược dòng” bất đắc dĩ - 2

Việc liên tiếp phải lội ngược dòng không tốt cho chính sức khỏe của Sir Alex

Các con số thống kê cho thấy, chỉ tính riêng trong 6 trận đấu đầu tiên tại Premier League năm nay, MU đã có tới 5 trận đấu để cho đối thủ ghi bàn thắng trước và phải rơi vào thế bám đuổi. Ngoài ra, trong tổng số 9 bàn thua mà Quỷ đỏ phải nhận, có tới 7 bàn là diễn ra trong khoảng 15 phút đầu mỗi hiệp. Ở trận gặp Cluj trước đó trong khuôn khổ cúp C1, MU cũng phải nhận bàn thua ở phút thứ 14. Trận gặp Braga, khi đồng hồ mới chỉ sang phút thứ 2, lưới của De Gea đã rung lên (Ở trận gặp Tottenham trong khuôn khổ giải NHA, Vertonghen cũng đã làm được điều tương tự).

Rõ ràng MU đã luôn tự đẩy mình vào thế khó bởi sự thiếu chắc chắn, thiếu tập trung trong khâu phòng ngự. Những đối thủ trước đó mà MU có thể lội ngược dòng thành công đều là những đối thủ chưa thực sự mạnh và thiếu bản lĩnh. Chỉ cần một Tottenham có thực lực một chút là MU đã bất lực. Nếu gặp phải những đối thủ thực sự lớn như Chelsea, Man City, hay Real, Barca ở đấu trường châu Âu chẳng biết điều gì sẽ xảy ra với Quỷ đỏ.

MU có thể là “vua” trong khoản ngược dòng ở thời điểm hiện tại, nhưng trong tương lai, họ sẽ khó có thể trở thành ông vua của bất kỳ giải đấu nào, nếu như vẫn cứ phải mãi sắm vai của kẻ bám đuổi như vậy.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Duy Nguyễn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN