Chu kỳ của Gạch và Gỗ
12 năm trước cả bầu Đức lẫn bầu Thắng đều tiếp quản đội bóng của tỉnh mở đầu cho bước chuyển xã hội hóa mà các doanh nghiệp thay việc nhà tài trợ thành nhà đầu tư. Bây giờ thì hai đội bóng đi tiên phong đấy lại đứng trước hai viễn cảnh khác nhau.
Trong khi HA Gia Lai đang hưng phấn với ngôi đầu thì ĐT Long An lại đứng trước nguy cơ rớt hạng cùng lần thứ hai thay tướng. Hai cực trên bảng xếp hạng bóng đá Việt Nam chính là hai thái cực của hai ông bầu từng nổi đình nổi đám nhất trong làng bóng Việt Nam 12 năm qua.
Hai cách đầu tư của hai ông bầu
Một ngày đẹp trời năm 2001, bầu Đức có cuộc họp quan trọng với lãnh đạo tỉnh Gia Lai và được gợi ý nhận đội bóng cứ ì ạch ở hạng nhất mãi để đầu tư theo chủ trương xã hội hóa. Bầu Đức khó có thể làm khác trong thời điểm đấy nhưng khi gật đầu ông lại có cách làm riêng của ông. Đó là sự quyết liệt tách đội bóng ra khỏi cái bóng quyền lực của Sở TDTT. Ông tiếp quản đội bóng với lời khẳng định rất mạnh: “Nếu các anh còn nghĩ tôi là nhà tài trợ thì tôi sẽ rút. Tôi không phải nhà tài trợ mà là nhà đầu tư và đội bóng phải thuộc quyền của tôi thì tôi mới bắt tay vào làm”.
Câu nói đấy của bầu Đức là khởi điểm cho những va đập sau đó giữa ông và lãnh đạo Sở TDTT Gia Lai. Và hồi đấy bầu Đức phải giải quyết hàng loạt các tồn đọng của bộ máy Sở ăn theo đội bóng. Ông phải cắt bỏ từng phần lê thê của cách làm việc kiểu công chức nhà nước và thay vào đấy là tính năng động của doanh nghiệp.
Sự đầu tư của bầu Đức và bầu Thắng khác nhau
Khác với bầu Đức, cùng thời điểm đó tại Long An, bầu Thắng và Sở TDTT lại gắn với nhau như anh em một nhà dưới sự chỉ đạo của tỉnh ủy Long An. Bầu Thắng hồi đấy “thân” với tỉnh qua nhiều dự án ở Long An và được xem là niềm tự hào của tỉnh nhờ sự lớn mạnh, thành công của Gạch Đồng Tâm và của ông doanh nghiệp trẻ thành đạt. Chỉ một gợi ý của bầu Thắng, thế là tỉnh giao toàn bộ đội bóng không chút khó khăn vướng bận gì. Cứ thế bầu Thắng tiếp quản đội bóng từ Sở TDTT và ôm luôn bộ máy của Sở gắn với đội bóng và xem đấy như một phần, một bộ máy của là lò Gạch. Bước đầu là những chi phí quảng cáo của Gạch được cắt bớt để dồn cho đội bóng và bầu Thắng xem đấy như là cách chuyển đội quảng cáo hữu hiệu hơn mà lại có một đội bóng rồi mình có thêm chức danh… ông bầu.
Và hai sự đầu tư của hai ông bầu cũng khác nhau. Bầu Đức thuê chuyên gia Nguyễn Văn Vinh thực hiện lộ trình phát triển bóng đá và qua đó ông góp nhặt xây dựng lẫn sàng lọc con người của bóng đá phù hợp với tư thế doanh nghiệp đồng thời gạt bỏ phần hình thức, nặng nề từ bộ máy cũ kỹ của Sở TDTT. Trong khi đó thì bầu Thắng cũng thuê chuyên gia ở tận Bồ Đào Nha. Ông tìm và gặp ông Calisto và giao hết “chìa khóa” cho chuyên gia này xây dựng theo cách của mình.
Đi nhanh và đi chậm
Cùng là doanh nghiệp nhưng cách làm bóng đá của hai ông bầu này khác nhau rất nhiều. Bầu Đức quyết liệt muốn “ăn ngay” còn bầu Thắng thì vẫn điềm đạm cùng đội bóng đúng với tính cách của mình.
Bầu Đức bắt tay với SL Nghệ An để học hỏi cách làm bóng đá trẻ và xây dựng những tuyến kế thừa có trọng điểm. Bầu Thắng sử dụng bộ máy cũ cộng thêm cách làm đốt giai đoạn của ông Calisto.
Mùa hạng nhất 2002 xôm tụ hẳng nhờ hai đội bóng của hai ông bầu này. Họ lên hạng thật dễ nhưng lịch sử bóng đá Việt Nam bắt đầu lưu tâm đến những cuộc chạm trán của HA Gia Lai và ĐT Long An với cụm từ “đại chiến Gạch – Gỗ”.
Sau này chính hai ông bầu này bật mí rằng họ giả bộ căng nhau qua những phát biểu trên báo chí để kích cầu thủ và kích độ hot cần thiết của bóng đá Việt Nam. “Đại chiến Gạch – Gỗ” luôn là những trận đấu máu lửa dưới sự đạo diễn của hai ông bầu này khi thì ở phố núi Pleiku, lúc ở Tân An. Và hai cái sân lạnh lẽo đấy bắt đầu náo nhiệt kể từ mùa 2002.
Tuy nhiên trong cách đi thì bầu Đức đi nhanh hơn đúng với tích cách của ông bầu nói là làm. Ông tuyên bố vô địch hạng Nhất và 2002 đội ông vô địch. Lên chuyên nghiệp ông tiếp tục lời tuyên bố đấy và cả đội chạy theo mà không phải lo lắng chuyện tiền bạc.
Kiểu đi nhanh đấy khác với bầu Thắng cứ từ từ mà tiến với quỹ tiền vừa phải.
Và hai ông bầu đấy chia nhau mỗi người hai chức vô địch. Gạch làm cú đúp 2003, 2004 còn ĐT Long An vô địch hai mùa tiếp theo 2005, 2006.
Sau chu kỳ 12 năm…
12 năm sau khi hai ông bầu đấy nhúng tay vào bóng đá thì Gạch và Gỗ hình thành hai lối đi khác nhau. Bầu Đức sau nhiều năm mua cầu thủ đã nhận ra rằng không thể sống và thở ở chuyên nghiệp mà thiếu tuyến trẻ. Một lần ông qua Bangkok và thấy học viên JMG của Arsenal tại đấy, lập tức ông nghĩ ngay đến việc mở học viện đào tạo cầu thủ để làm kinh tế và để lo tuyến trẻ cho HA Gia Lai. Ông phá 6 hecta rừng cao su làm đại bản doanh và biến thành lò đào tạo sau khi kết hợp đào tạo với công nghệ của Arsenal.
Bầu Thắng có đội bóng và cũng có nhiều dự án quanh tỉnh lẫn ngoài tỉnh nhưng không thành công lắm và đội bóng cũng ảnh hưởng theo. Lò đào tạo ở Bến Lức từng được xem là công trình theo công nghệ châu Âu từng là nơi đội tuyển về tập huấn, cuối cùng cũng bỏ dở. Tuyến trẻ của Sở TDTT mai một dần cùng với nhiệt huyết của ông Calisto có hạn khi đụng đến phần đầu tư, đến tiền là “cấp trên” thụt lại.
Là Gạch phát triển nhưng đội bóng lại cứ bình bình trước sự qua mặt của nhiều ông bầu.
Và Bầu Đức vẫn đi vẫn phát triển bằng cách của mình trong khi với bầu Thắng thì đội bóng có lúc là gánh nặng.
Đúng hạn của chu kỳ 12 năm, bầu Đức bắt đầu hạnh phúc với lứa măng Arsenal JMG mà mình đầu tư cùng thành tích của đội bóng trong khi bầu Thắng chức thì nhiều (thêm chức Chủ tịch VPF và Chủ tịch HĐQT ngân hàng Kiên Long) nhưng đội bóng thì rơi khỏi quỹ đạo với nguy cơ rớt hạng rất cao.
Sắp tới nhiều khả năng đội bóng được trả về cho tỉnh kết thúc chu kỳ 12 năm để lại nhiều dấu hỏi cùng sự hoài nghi.