Cái giá phải trả của người phanh phui vùng tối làng bóng đá
Rui Pinto - chủ trang Football Leaks đã phanh phui nhiều vụ gian lận tài chính của các đại lý, cầu thủ, huấn luyện viên tầm cỡ thế giới đã bị bắt tại Budapest, Hungary, sau đó bị dẫn độ về Lisboa, nơi anh ta bị kết tội.
Ngày 16-1-2019, Rui Pinto - chủ trang Football Leaks đã phanh phui nhiều vụ gian lận tài chính của các đại lý, cầu thủ, huấn luyện viên tầm cỡ thế giới trong các cuộc chuyển nhượng bị bắt tại Budapest, Hungary, sau đó bị dẫn độ về Lisboa, nơi anh ta bị kết tội "ăn cắp thông tin cá nhân", "âm mưu tống tiền", mà theo luật Bồ Đào Nha sẽ phải chịu ít nhất là 10 năm tù giam.
Đầu tháng 4-2019, Rui Pinto đã bị áp giải đến Tòa hình sự Lisboa. Bây giờ, ngồi sau song sắt, Rui Pinto mới nhận ra im lặng không chỉ là vàng mà còn là tự do, và có thể là tính mạng.
Dọn rác trong thế giới bóng đá
Rui Pinto ra đời tại Vila Nova de Gallo Gaia, một thị trấn không xa Porto là mấy. Mẹ mất vì ung thư khi cậu mới 11 tuổi, người cha là thợ làm giày không có thời gian để ý đến con nên cậu chểnh mảng học hành, chỉ mải quan tâm đến tất cả những gì liên quan đến trái bóng.
"Từ tuổi thiếu niên tôi đã biết lập những dữ liệu liệt kê kết quả những trận bóng đá, những cầu thủ dội bom và những sân vận động diễn ra trận đấu. Qua phân tích những kết quả ấy đã bất ngờ khiến tôi đi đến kết luận rằng trong bóng đá không phải tất cả đều sạch sẽ" - Rui Pinto chia sẻ với tờ Der Spiegel về nguyên nhân khiến anh làm cuộc điều tra năm 2015.
Mùa thu 2015, những bản giao kèo mua - bán, hợp đồng của các cầu thủ bóng đá và nhiều tài liệu khác được Pinto đưa lên mạng internet trong một blog khiêm tốn WordPress - về sau là Football Leaks - và riêng điều đó đã làm "nổ tung ổ mối" của nền công nghiệp bóng đá. Tiếp theo đó, mùa xuân 2016, sau khi chia sẻ thông tin với Tổ chức châu Âu của các phóng viên làm việc ở thể loại phóng sự điều tra EIC (European Investigative Collaborations), anh ta mở rộng sân chơi.
Khi những rò rỉ thông tin về bóng đá của anh ta được nhìn thấy trên các ấn phẩm của EIC như Der Spiegel (Đức), Mediapart (Pháp) và El Mundo (Tây Ban Nha) thì ngành kinh doanh bóng đá quốc tế thực sự chịu một đòn chí mạng. Điều tra báo chí này được gắn biệt danh "FIFAGATE" từng là những đợt sóng thần khiến nhiều nhà lãnh đạo bóng đá thế giới và châu Âu như Chủ tịch FIFA Sepp Blatter và Chủ tịch UEFA Michel Platini mất chức.
Rui Pinto.
Sóng thần
Sau khi có sự thay đổi kiến tạo ở tầng cao nhất của bóng đá quốc tế, Rui Pinto quyết định chuyển hướng sang các Liên đoàn quốc gia, bắt đầu từ Bồ Đào Nha như một lẽ tự nhiên và nhận thấy xu hướng thú vị: Trong các chiến dịch chiêu mộ cầu thủ thường có sự tham gia của các quỹ đầu tư.
Đào xới ở Budapest, nơi anh đã đến theo chương trình Erasmus để nhận bằng cử nhân sử học, nhưng anh ta không tốt nghiệp được vì việc điều tra ngốn nhiều thời gian. Báo chí gọi anh ta là "hacker" dẫu chưa từng bao giờ theo học một khóa lập trình nâng cao nào - chính đó là cơ sở để hôm nay được luật sư bảo vệ với luận điểm: anh ta không thể bẻ gãy site và server bởi vì không hề có khái niệm về việc đó. Đơn giản là anh ta khai thác thông tin qua những nguồn công khai và gặp người trực tiếp.
"Tôi đến với Doyen chỉ vì muốn biết những thông tin tôi có thì đáng giá bao nhiêu, chứ không bao giờ bàn đến chuyện họ phải trả tôi tiền cho sự im lặng" - Rui Pinto nói thế vào hồi tháng 1-2019 trong cuộc trả lời phỏng vấn của tuần báo Đức Der Spiegel, tờ báo duy nhất mà hắn tự nhận là tin tưởng".
Der Spiegel được Rui Pinto tin tưởng vì có Rafael Buschmann là biên tập viên Phòng Phóng sự điều tra. Ông ta đã liên hệ với Pinto qua hộp thư điện tử ghi trong blog, nhưng khác người ở chỗ ông chăm chỉ thư tiếp, dẫu không nhận được hồi đáp, cho đến khi được trả lời...
Tiếp đó là cuộc gặp ở khán đài Volksparkstadion, sân của "Hamburg", trong một trận đấu thuộc Bundesliga. Tại đó Pinto đã chuyển cho Buschmann 8 chiếc đĩa cứng chứa 1,9 Òbyte thông tin.
Những tài liệu Pinto được tập hợp đã vạch trần các loại tội phạm kinh tế của các cầu thủ, câu lạc bộ và của cả Tổ chức thượng đỉnh của thế giới bóng đá. Và 60 nhà báo của EIC phải mất 7 tháng điều tra những thông tin từ Football Leaks mới dám đưa đăng số ít tài liệu.
Ví dụ: kể về tay cò bóng đá người Bồ Đào Nha Jorge Mendes - đại diện cho những cỡ như Cristiano Ronaldo và José Mourinho - đã lập tài khoản chui ở ngoài Tây Ban Nha, những cầu thủ như Luka Modric - người Croatia thi đấu cho câu lạc bộ Real Madrid - đã chuyển tiền sang Hà Lan hoặc Luxembourg để trốn thuế như thế nào; Tổ chức UEFA che lấp như thế nào vụ "doping tài chính" của câu lạc bộ "Paris Saint-Germain" (Pháp) hay "Manchester City" (Anh).
Ngoài ra là những vị đại diện như Mino Raiola - tay cò người Hà Lan gốc Italy, người nắm số mệnh của những Zlatan Ibrahimovi#, Paul Pogba, Mario Balotelli, Henrikh Mkhitaryan, Marco Verratti, Gianluigi Donnarumma, v.v... đã lừa bịp cầu thủ như thế nào trong các cuộc chuyển nhượng; những quỹ đầu tư như Doyen đã lách luật như thế nào để tiếp tục làm việc trên toàn châu Âu bất chấp những điều luật đã hạn chế họ, v.v...
Hàng chục, hàng trăm vụ cực kỳ khó chịu với những nhân vật hàng đầu trong ngành kinh doanh bóng đá được công khai tung hê trên những phương tiện truyền thông.
Bị dẫn giải đến Tòa án Lisboa.
Đưa tin trái pháp luật
Khi những chuyện trong bóng tối của giới bóng đá được tung lên báo, một số trong những nhân vật chính của các vụ ầm ĩ lên tiếng phản đối đưa vụ việc lên thông tin đại chúng. Cristiano Ronaldo với biệt danh CR7 khiếu nại, khiến cho vị phụ trách điều tra cấp 2 của Tòa án Madrid dự định ban lệnh cấm truyền bá rò rỉ thông tin bóng đá trên toàn châu Âu.
Tin về lệnh sắp cấm đó đã được truyền đến tòa soạn El Mundo - tờ báo in hàng ngày lớn thứ hai ở Tây Ban Nha - song tờ báo này vẫn thực hiện trách nhiệm nghề nghiệp của mình, điều đó dẫn tới việc khởi tố vị chủ báo, vị giám đốc điều hành tòa soạn và ba phóng viên khác.
Còn Rui Pinto bị săn lùng ráo riết khiến anh phải chuyển sang tình trạng sống bán bí mật, đi chu du khắp châu Âu nhưng không ở đâu quá một tuần nhưng cuối cùng vẫn bị bắt.
Rui Pinto bị bắt sau khi đăng bài mới trên Der Spiegel, Mediapart và những phương tiện truyền thông khác có sự tham gia của các nhà báo của EIC. Anh bị giữ tại nhà trong vòng hai tháng ở Budapest, vì chưa thỏa mãn những câu hỏi thẩm vấn của nhà chức trách địa phương nên bị phía Hunggary trục xuất về Bồ Đào Nha.
Đến thời điểm bị bắt, Pinto đã kịp cộng tác với chính quyền Pháp, vì họ đang hy vọng nhờ những thông tin anh ta cung cấp sẽ xiết chặt những kẻ trốn thuế trong lĩnh vực bóng đá.
Đầu tiên họ điều tra Pinto là bởi Nelio Lucas, Tổng giám đốc quỹ Doyen Sports Investments Limited, tố bị Pinto tống tiền. Doyen Sports Investments Limited là Quỹ tự bảo hiểm rủi ro, đăng ký tại Malta, từ năm 2008 đứng ra đầu tư vào những dự án của các câu lạc bộ bóng đá ít nổi tiếng, tham gia các vụ chuyển nhượng cầu thủ.
Nhà đầu tư trả tiền cho các đội có nhu cầu trao đổi cầu thủ và tin rằng giá của cầu thủ sẽ tăng nếu điều đó xảy ra khi cầu thủ được chuyển sang đội khác với giá lớn hơn để Doyen có lợi nhuận. Mục đích chính thức của Doyen là "Chúng ta không muốn sống trong một thế giới chỉ có câu lạc bộ giàu mới có thể giành chiến quả".
Nổi tiếng về những hợp đồng với các câu lạc bộ Atlético, Sevilla, Valencia, Getafe, Granada và Sporting của Tây Ban Nha bất chấp hạn chế của FIFA, quỹ Doyen đã mua và bán quyền sử dụng cầu thủ để cầu lợi cho những vụ áp phe trong tương lai. Chính thông tin bị rò rỉ đầu tiên là bắt nguồn từ văn phòng này.
Cuối năm 2015, Lucas lên tiếng phản đối hoạt động của Pinto, khẳng định rằng đã có người nhân danh Football Leaks đến đòi Doyen trả 1 triệu euro để ngừng công bố tài liệu.
Về bản chất, họ định quy cho Pinto tội tống tiền. Nhưng Pinto luôn bác bỏ và tuyên bố rằng đơn giản là vì chỉ muốn biết từ vị Tổng giám đốc nếu quy ra tiền thì những thông tin mà Football Leaks hiện nắm giữ đáng giá bao nhiêu. Cuộc điều tra đang tiếp tục và Football Leaks sắp bị coi là "một tổ chức tội phạm quốc tế".
Thật kỳ lạ vụ bắt giữ chàng hiệp sĩ bóng đá xảy ra đúng ba ngày sau khi Ủy ban châu Âu nhất trí biểu quyết ủng hộ các công dân dám phanh phui bí mật vì lợi ích xã hội. Tức là trên thực tế, có thể áp dụng điều khoản đó đối với trường hợp Pinto, nhưng không hiểu vì sao họ im lặng...
Luật sư bào chữa có gỡ được tội?
"Ronaldo là thần tượng của tôi, nhưng sự thật còn quý hơn"
"Pinto xứng đáng nhận sự ủng hộ của tất cả mọi người đang theo đuổi lý tưởng bảo vệ tự do ngôn luận và điều tra báo chí", Delphine Halgand-Mishra, Giám đốc điều hành tờ báo Mỹ The Signals - nhận định như vậy và hiện đang tài trợ một phần cho đội ngũ luật sư bảo vệ Pinto.
Delphine Halgand-Mishra cho rằng "Các cơ chế quyền lực có trách nhiệm ủng hộ Pinto và đánh giá cao kết quả công việc của anh ấy, bởi, anh ấy cho biết rất nhiều những chi tiết trốn tránh thuế thu nhập của một số nhân vật ở tổng số tiền rất lớn, tức là không cho phép để cho ngân sách nhà nước bị thiệt hại nghiêm trọng.
Được biết, các cơ quan chức năng của Tây Ban Nha đã sử dụng những tài liệu do Football Leaks đưa ra để phát hiện phần thiếu của một số cầu thủ và huấn luyện viên, kể cả Cristiano Ronaldo chưa nộp".
Rui Pinto đã tuyên bố trong trả lời phỏng vấn của trang Mediapart hồi tháng 1-2019: "Tôi coi Cristiano Ronaldo là thần tượng, là cầu thủ vĩ đại nhất của tất cả mọi thời, nhưng cũng coi tài nghệ của anh ấy không được phép vượt qua những ưu tiên ưu đãi khi nộp thuế. Trước pháp luật mọi người đều bình đẳng, và tôi đưa lên internet những tài liệu thực để nói với thế giới về sự thật".
Hiện Liên minh châu Âu vẫn đang bàn luận về sự ủng hội đối với người đưa tin. Còn Rui Pinto phải đối mặt với án tù 10 năm ở Bồ Đào Nha về tội "ăn cắp thông tin cá nhân" và tội "âm mưu tống tiền".
FIFA vừa ra phán quyết mạnh tay với một số cầu thủ bán độ ở vòng loại World Cup.