Bóng đá Việt Nam không có Messi, Ronaldo

Một số cầu thủ trẻ Việt Nam đang phải gánh chịu áp lực rất lớn khi bị so sánh với các tượng đài bóng đá thế giới…

HLV Miura hồi còn dẫn dắt các đội tuyển Việt Nam có lần phiền trách dư luận tâng bốc học trò mình nhiều quá dễ sinh hư. Trước khi đội tuyển trẻ quốc gia chơi tốt ở Asian Games 2014, nhiều người đã không ngần ngại gọi Phi Sơn là Ronaldo, còn Công Phượng là Messi của Việt Nam. HLV Miura nài nỉ đừng nên gọi cầu thủ như vậy, đơn giản họ là chính họ. Bóng đá Việt Nam chẳng thể nào sản sinh ra Messi hay Ronaldo nào cả.

Cái cách gán ghép tên của ngôi sao đẳng cấp thế giới cho cầu thủ Việt Nam cũng như người Thái hay gọi Chanathip và Chappuis là Messi, Ronaldo của Thái Lan. Chỉ khác là hai tuyển thủ Thái này đang có phong độ cao và trở thành những nhân tố không thể thiếu trong cách sắp đặt đội hình của Kiatisak, ngược lại với việc sử dụng nhân sự của HLV Hữu Thắng.

Chút liên tưởng về dáng dấp và cách chơi bóng bắt chước thần tượng của cầu thủ Việt Nam không ngoài sự tâng bốc thì cũng chỉ để cho vui mà thôi. Chỉ tội là những biệt danh như siêu sao đã không ít lần làm khổ cầu thủ.

Bóng đá Việt Nam không có Messi, Ronaldo - 1

Công Phượng đang gặp khó khăn sau khi được tâng bốc như những ngôi sao thế giới và  anh đang miệt mài tìm lại phong độ. Ảnh: ĐÌNH VIÊN

Công Phượng có hơn 30 phút chơi trận Malaysia chưa hay thì ngay lập tức bị biến thành đối tượng đả phá của nhiều người. Sự yêu mến và kỳ vọng quá lớn vào tài năng của cầu thủ mới 21 tuổi hai năm trước từng làm say đắm lòng người, giờ bị đưa lên bàn mổ chê trách không thương tiếc.

Phi Sơn giờ chót trụ lại đội tuyển quốc gia dù chỉ mới đá vài chục phút ở trận giao hữu cuối và được ra sân trong trận gặp Campuchia. Cách dùng người tùy vào tính chất trận đấu và đối tượng chưa cho phép HLV Hữu Thắng mạo hiểm với Phi Sơn. Ông có quyền ứng xử sao cho có lợi nhất đối với đội tuyển và chịu trách nhiệm về điều đó, không phải chỉ vì một cá nhân để chứng minhh việc giữ Phi Sơn là đúng.

HLV Hữu Thắng nhiều lần kêu gọi truyền thông đừng đưa học trò mình lên mây, sợ họ tự mãn. Bản thân cầu thủ cũng ý thức được khả năng và vai trò của mình ở trên tuyển đến đâu. Tuy nhiên, việc cầu thủ được ưu ái quá mức rồi đến lúc chưa thể hiện mình đạt tầm mong muốn để bị chê bai tới tấp sẽ khiến họ càng gánh nặng sức ép.

Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Mong là những Ronaldo, Messi gượng ép của đội tuyển Việt Nam không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi cái không phải của mình và do mình.

Đông Nam Á và bệnh đưa cầu thủ lên hàng siêu sao

Việc ví cầu thủ với những cái tên siêu sao là căn bệnh chung của bóng đá Đông Nam Á. Nếu Kiatisak được gọi là Zico vì anh rất thích cựu tuyển thủ Brazil và xem đấy là thần tượng thì sau này Thái Lan cũng có nhiều cái tên rất kêu điển hình như “Messi” Chanathip.

Tương tự, Malaysia và Indonesia cũng từng phong cho các cầu thủ mình những danh hiệu rất kêu gắn với các tên tuổi ngôi sao bóng đá thế giới nhưng rồi tất cả đều tàn đi rất nhanh.

Thực tế thì chính truyền thông đã có lỗi khi gắn cho các cầu thủ của mình và nhiều người “ngập ngụa” trong cái bóng quá lớn của những ngôi sao mà truyền thông ghép vào cho mình.

ĐỨC TRƯỜNG

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Huy ([Tên nguồn])
AFF Cup 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN