Ban tư vấn đạo đức VPF ra mắt
Hoạt động hàng đầu của Ban tư vấn đạo đức là phối hợp phòng, chống và ngăn ngừa tiêu cực bằng việc tư vấn cho HĐQT VPF và Ban tổ chức giải về các trận đấu nhạy cảm…
Chiều qua (21/2), VPF làm lễ ra mắt Ban tư vấn đạo đức trực thuộc HĐQT VPF. Ban này có nhiệm vụ giám sát và phát hiện những hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức trong bóng đá, đề xuất các phương án xử lý kỷ luật cho Ban kỷ luật LĐBĐ VN.
Ban tư vấn đạo đức ra đời là một ý tưởng rất tốt giúp cho các giải vô địch quốc gia ngày càng lành mạnh và chuyên nghiệp. Hoạt động của ban này là phối hợp phòng, chống và ngăn ngừa tiêu cực qua việc tư vấn cho HĐQT VPF và Ban tổ chức giải về các trận đấu liên quan đến đạo đức của các đối tượng là thành viên của giải có thể nảy sinh trong quá trình thi đấu; tập trung theo dõi và có hướng xử lý các thông tin qua từng trận đấu, từng vòng đấu để có đánh giá tương đối đầy đủ về các biểu hiện phi thể thao, kiến nghị cách giải quyết các sự cố lên Ban kỷ luật.
Các thành viên trong Ban tư vấn đạo đức ra mắt. Ảnh: XUÂN HUY
Thực chất về chức năng và nhiệm vụ của ban này có liên quan đến công việc của một số ban chức năng LĐBĐ VN như Tiểu ban an ninh, Ban kiểm tra hay các ý kiến thông qua biên bản của giám sát trận đấu, trọng tài,…Thế nhưng vẫn có nhiều thách thức cho Ban đạo đức khi thực hiện công việc cụ thể, bởi nó phải bảo đảm không giẫm chân hoặc mâu thuẫn với các ban khác, lại vừa phù hợp với quy định về kỷ luật của LĐBĐ VN.
Cái khó của Ban tư vấn đạo đức chính là khái niệm “án tại hồ sơ” mà lâu nay Ban kỷ luật thường dựa vào với những điều khoản cụ thể buộc các đối tượng bị xử lý phải tâm phục khẩu phục. Chẳng hạn, Ban đạo đức có thể kiến nghị kỷ luật đối với kiểu chơi của Hà Nội T&T ở trận cuối V-League 2012 khi làm khách Sài Gòn XT cùng lúc SHB Đà Nẵng “bất ngờ” lên ngôi nhờ trận thắng đậm V. Ninh Bình 4-0 ở sân khách. Hay như trận SHB Đà Nẵng “bỗng dưng” gục cho khách Đồng Tháp lấy điểm dưới con mắt của các chuyên gia là “không thể chấp nhận”,… Thế nhưng ý kiến của Ban đạo đức là một chuyện, trong khi biên bản của các giám sát lại khác và khi lên đến Ban kỷ luật thì vô chứng sẽ rất khó lòng cho Ban đạo đức. Rồi việc ông Nguyễn Đức Thụy lao xuống sân chửi trọng tài nhưng Ban kỷ luật vẫn bó tay vì ông bầu này không đăng ký chức danh nào ở CLB sẽ khiến cho Ban đạo đức ái ngại và áy náy với dư luận...
Thành phần Ban tư vấn đạo đức gồm là các chuyên gia (Nguyễn Văn Vinh, Trần Văn Mui) và nhà báo (Nguyễn Công Khế, Thọ Trung, Quang Tuyến, Quang Huy, Phan Đăng). Một số quy tắc ứng xử và chuẩn mực đạo đức của các thành viên ngoài việc bảo vệ quyền lợi cá nhân, trung thành và bảo mật còn bắt buộc không nhận quà tặng và các lợi ích khác, không nhận hối lộ, tiền hoa hồng,…
Chúc cho Ban tư vấn đạo đức sẽ làm việc công tâm như tên gọi và vượt qua những khó khăn mà lâu nay bóng đá Việt Nam vẫn bó tay với phạm trù đạo đức hoặc kỷ luật những vấn đề nhạy cảm.