Làm sao quản được hàng xách tay?

Sự kiện: Mỹ phẩm Kinh Doanh

Các cửa hàng thường quảng cáo bán hàng chính hãng xách tay, không tốn thuế nên giá bán rẻ hơn 1/3 – 2/3 so với giá gốc.

Mua bán vẫn sôi động, nguồn hàng khó về

Hơn 2 tháng sau khi Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình có văn bản chỉ đạo 5 bộ tăng cường quản lý hàng hóa, quà biếu, tặng từ nước ngoài, hoạt động kinh doanh các mặt hàng xách tay vẫn còn khá sôi động. Tuy nhiên, việc thông quan hàng từ nước ngoài về có phần khó khăn hơn trước do hải quan siết chặt loại hàng hóa này.

Làm sao quản được hàng xách tay? - 1

Hàng xách tay đủ loại bán tràn lan trên thị trường, đặc biệt trên môi trường mạng xã hội. Ảnh: Hoàng Triều

Nhiều người chuyên bán thực phẩm, mỹ phẩm xách tay cho biết các lô hàng mới đang gặp khó khăn do cơ quan hải quan siết chặt quản lý, các lô hàng vượt chỉ tiêu miễn thuế bị ách lại. Các đại lý nhận đặt và vận chuyển hàng theo hình thức hàng xách tay từ Mỹ về với lượng lớn rất khó lấy hàng ra tại thời điểm này.

Anh Nguyễn Văn Dũng, chủ một tài khoản chuyên bán các loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng của Mỹ, Nhật, Úc…, cho biết khoảng hơn tháng nay, hàng từ nước ngoài gửi về chậm hơn hơn do hải quan siết chặt quản lý. "Bình thường hàng từ Mỹ mất 2 tuần đến 1 tháng hàng về tới Việt Nam nhưng hơn tháng nay hải quan kiểm kỹ hơn, giá vận chuyển đã tăng thêm 2-3USD/kg. Nhiều mặt hàng không nhận vận chuyển và các loại vật phẩm có giá trị cao nên nhiều loại khách đặt nhưng không có hàng để giao" – anh Dũng cho biết.

Dễ mua nhầm hàng giả, dỏm

Trong khi đó, ông Lê Thanh Huy, một chủ của hàng kinh doanh mắt kính, đồng hồ tại chợ Bến Thành (TP HCM), cho biết hầu hết mắt kính, đồng hồ, túi xách, quần áo, mỹ phẩm, kể cả thuốc tây bày bán trên thị trường đa phần là hàng lậu, hàng xách tay thậm chí là hàng giả.

Một công ty mỹ phẩm cũng xác nhận các loại mỹ phẩm giả được bán đầy chợ, cửa hàng. Đặc biệt, chợ Kim Biên (quận 5) còn được xem thủ phủ của mỹ phẩm lậu, giả ở TP HCM. Tại Cần Thơ hàng lậu, hàng giả bán từ chợ ra đến đường phố. Hà Nội, Đà Nẵng cũng ngập loại hàng này. Hàng lậu còn được bán tại các chuỗi cửa hàng và tập trung nhiều gần khu vực sân bay. Nhiều chuỗi cửa hàng vừa bán tại cửa hàng vừa bán online, kinh doanh mỹ phẩm cả chính hãng và nhập lậu. Mỹ phẩm lậu, xách tay hiện nay được xem là chiếm lĩnh thị trường.

Cũng theo giới kinh doanh, nước hoa bày bán ở chợ 100% là hàng giả, hàng lậu, như: mascara 75% là giả; kem, phấn, sáp vuốt tóc, thuốc nhuộm tóc 100% là giả. Còn kênh phân phối hàng trên mạng cũng cho thấy hàng giả, hàng lậu, hàng xách tay chiếm tỉ lệ cao không thua gì ở chợ.

Hàng lậu, hàng xách tay, hàng giả còn đi đường vòng sang Campuchia, Thái Lan và mang xuất xứ tại đây để quay về Việt Nam tiêu thụ. Không ít chuỗi cửa hàng kinh doanh hàng lậu, hàng xách tay lại có mối quan hệ gia đình với cán bộ hải quan, quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế. Theo các doanh nghiệp mỹ phẩm, thủ tục nhập khẩu mỹ phẩm chính hãng mất 9 tháng, trong khi hàng xách tay chưa được quản lý chặt chẽ.

Sẽ quản lý tốt hơn?

Bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng có tình trạng thuê gian hàng nổi tiếng trên mạng, đăng ký tên miền giống như nhãn hiệu nổi tiếng để bán hàng, quảng cáo trên trang web để bán hàng nhưng không đưa hình sản phẩm lên. Đây cũng là một dạng vi phạm. Do đó, cần phải hoàn thiện cơ sở xử phạt việc vi phạm sở hữu trí tuệ trên mạng internet. Phần lớn các vụ vi phạm đều xử bằng biện pháp xử phạt hành chính thì không đủ sức răn đe. Tòa án phải có trách nhiệm chính trong việc giải quyết vi phạm này, tức phải áp dụng biện pháp tư pháp để xử lý.

Ông Nguyễn Văn Bách, Chi cục phó Chi cục QLTT TP HCM, nhìn nhận việc 5 bộ: Tài chính, Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công an cùng quản lý hàng xách tay sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ, giúp quản lý tốt hơn. 

Hiện tình hình vận chuyển, chứa trữ, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng vi phạm về sở hữu công nghiệp và sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm, không nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại trên địa bàn vẫn còn diễn biến phức tạp. Hàng hóa nhập lậu chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc do giá thành rẻ, nhiều chủng loại, đa dạng mẫu mã. Trong 6 tháng đầu năm, chi cục đồng loạt kiểm tra hàng giả, hàng lậu tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, tạm giữ 67.817 đơn vị sản phẩm giả. Các đối tượng bị kiểm tra hầu hết đều vi phạm nhiều lần dù trước đó đã bị xử phạt và ký cam kết không buôn bán hàng giả, hàng lậu.

Đại diện Cục Hải quan Tân Sơn Nhất cho biết thời gian qua lực lượng hải quan không xử lý nhiều các vi phạm liên quan đến hàng xách tay bởi theo quy định, hành khách đi nước ngoài xách về một vài sản phẩm để xài, biếu thì không vi phạm. Các sản phẩm hiện nay bán rầm rộ trên thị trường là hàng mạo danh, bán với giá cao để đánh lừa người tiêu dùng.

"Nếu là hàng xách tay phải có giấy tờ mua từ các hãng. Thực tế hiện nay nhiều người mua hàng gom các nơi rồi nói là hàng xách tay" – vị đại diện này nói.

Đừng ham hàng rẻ

Anh Nguyễn Văn Dũng lưu ý ngoài yếu tố lựa chọn người bán tin cậy, khách mua hàng xách tay cần lưu ý không ham mua hàng giá rẻ. Hiện nay hàng được làm giả, nhái rất tinh vi, y chang hàng thật nhưng giá thường thấp hơn so với hàng thật khá nhiều. Nếu sản phẩm có mức giá quá rẻ, người mua cũng cần cẩn thận. Hàng giả thường có mẫu mã nhợt nhạt, in kém sắc sảo hoặc dễ bị tẩy xóa; bao bì sử dụng chất liệu kém nên dễ bì nhàu nát, rách.

Hàng thật, chai thủy tinh sẽ được in kỹ càng, chính xác, nét chữ in nổi hay chìm, nhỏ hay lớn đều rất sắc nét, không bị nhòe; trên nắp chai có logo in nổi mờ, sờ vào thấy có đường gờ, dùng tay cạo mạnh vẫn không bị bong tróc.

Mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không nguồn gốc hoành hành

Lực lượng quản lý thị trường mới đây phát hiện hàng loạt công ty sản xuất thực phẩm chức năng, mỹ phẩm không rõ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Nhân - Nguyễn Hải - Sơn Nhung ([Tên nguồn])
Mỹ phẩm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN