Tìm em 36 phố phường

Sự kiện: Tình yêu nữ giới

Thế là tôi không phải lang thang 36 phố để tìm em, vì em không còn là gió để bay đi nữa.

1. Tìm em, 36 phố phường Hà Nội.
Và em
như cơn gió sang mùa, gió thổi.
Em,
em là gió bay đi…

(Tìm em – bài hát viết năm 1985)

Gần 30 năm trước, bỗng dưng viết Tìm em. Chẳng phải một bài tình ca của anh chàng 42 tuổi là tôi ngày ấy. Một bài hát buồn, có cái gì đó rất mơ hồ mà tôi chưa thể cảm nhận được.

Tôi nhớ khoảng cuối thập niên 1960, mỗi lần về Hà Nội, không có cái cảm giác cô đơn như thế. Mẹ tôi bảo: “Cái thằng này, bạn cứ như ruồi bâu!”. Quả thật, bạn bè rất đông. Đứa vẽ, đứa làm thơ, viết văn, đứa làm nhạc, đứa nổi tiếng trong chính thống, đứa nổi tiếng trong giới “văn nghệ chui”, toàn là những người tài hoa cả. Bọn tôi, chơi với nhau xuồng xã, gặp nhau ồn ào trong quán bia hơi, uống vài vại với lạc rang, rồi chân nam đá chân chiêu, mỗi người mỗi ngả, cũng có thể lặng lẽ chè chén vỉa hè, thằng Trường Sơn, thằng Tam Đảo, thằng làm hơi thuốc lào, rồi khe khẽ nói chuyện văn chương, toàn những chuyện của học vấn cao quý và đẹp đẽ. Riêng tôi làm nhạc, lép vế hơn, chỉ ngồi nghe là chính. Chúng tôi bề ngoài có vẻ giống nhau như đồng năm xu đúc từ một khuôn: Dép râu, dép nhựa Tiền Phong, mũ cối, áo bộ đội cũ, áo xanh Sĩ Lâm bạc màu, chiếc quần kaki tích kê đầu gối, đại loại như thế. Còn bên trong ư? Cũng có một sự giống nhau: Sống và suy nghĩ theo kiểu đoàn thể và tập thể. Mất đi chân dung cá nhân, thay vào bằng chân dung thế hệ: Trong sáng, đơn giản, giàu nhiệt huyết và lý tưởng. Quen nhau hoặc sống chung cũng bởi hai chữ đồng chí. Cái kết nối này thời ấy gọi là kết đoàn. “Kết đoàn chúng ta là sức mạnh”, một khẩu hiệu đúng cho một đất nước nghèo khổ và chiến tranh.

Thế mà chỉ 10 năm, sau ngày kết thúc chiến tranh (30/4/1975), tôi lại viết Tìm em như một ám ảnh về sự lạc mất nhau, về điều không thể. Em không phải là một cô nào đấy bởi tôi lúc ấy có yêu ai đâu. Một cuộc khủng hoảng thật sự của thế hệ chúng tôi. Sự kết nối tinh thần để làm nên sức mạnh của cả một thế hệ không còn nữa. Xưa, sống là chiến đấu cho những lý tưởng xã hội cao cả, không ra trận nhưng vẫn là chiến sĩ. Nay chữ chiến đấu thay bằng chữ kiếm sống, khẩu hiệu “học, học nữa, học mãi” thay bằng khẩu hiệu “hãy trở thành triệu phú”, chân dung thế hệ mờ đi và chân dung cá nhân bị “đám đông hóa” bắt đầu nổi lên. Một sự phân rã tất yếu đã đánh mất sức mạnh vốn có. Cái kết nối xưa không còn lý do để tồn tại. Trong khi thế hệ 8X và 9X sinh ra và lớn lên trong một hoàn cảnh xã hội khác. Sự bùng nổ cá nhân trên một nền tảng vật chất khá hơn xưa nhưng nền tảng văn hóa còn thấp đã dẫn đến một kiểu kết nối mới, “kết nối đám đông”. Và sức mạnh của sự “kết nối” này cũng thật là khủng khiếp. Nó đã tạo ra truyền thông lá cải, những trang mạng bẩn và tục, tạo ra cái gọi là “nhạc thị trường”, “showbiz Việt” với những “ông hoàng”, những “divo, diava tự phong” những “thần tượng” cùng các “fan cuồng”… Nói tóm lại, nó đã tạo ra được lối sống và cách suy nghĩ theo kiểu đám đông. “Kết nối đồng chí” cho thế hệ tôi sức mạnh ghê gớm trong công cuộc kháng chiến cứu nước. Còn “kết nối đám đông”, phải chăng chỉ mang đến kiểu sức mạnh tiêu cực đối với một xã hội muốn phát triển trên nền tảng văn hóa và nhân bản, cái xã hội mà những người tử tế luôn mơ ước?

Tìm em 36 phố phường - 1

2. Tôi không tìm được “em” nên “cà phê một mình”. Nhưng chính việc “cà phê một mình” này khiến tôi nhận ra được “đồng loại”, những người đang muốn tách ra khỏi “đám đông” để đi tìm chính mình, hoặc là những nhân vật độc lập, chẳng “đám đông” bao giờ. Họ là số ít, nhưng ở ngành nào cũng có, lứa tuổi nào cũng có. Riêng ngành nhạc tôi đã gặp được nhạc sĩ Bảo Chấn, Quốc Trung, Anh Quân, Huy Tuấn và lứa trẻ hơn như Lê Minh Sơn, Giáng Son, Võ Thiện Thanh, Lưu Hà An, Nguyễn Đức Cường, Hải “bột” (nhóm Quái vật tý hon …, ca sĩ Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh, Nguyên Thảo…, đạo diễn Phạm Hoàng Nam, Việt Tú… Họ là những “đồng loại” trong công việc sáng tác, biểu diễn và sản xuất âm nhạc. Sự kết nối giữa tôi và những người cùng thế hệ với những “người số ít” thuộc thế hệ trẻ hơn và sự kết nối giữa họ với nhau đã cho ra đời những sản phẩm có giá trị của nền âm nhạc mới: Chương trình Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam, Chương trình hòa nhạc thường niên Hòa nhạc Điều còn mãi, cuộc thi Bài Hát Việt, và rất nhiều album tử tế mà sự kết nối đã tạo ra được nhưng tiếc rằng nó chưa được nhìn nhận đúng mức. Vậy tôi không còn “cà phê một mình” nữa.

Năm 2009, tôi hợp tác với tập đoàn Trung Nguyên thực hiện dự án “cà phê nhiều mình” mà tôi đặt tên cho nó là Cà Phê Thứ Bảy. Ở những sinh hoạt cà phê này, sự kết nối của giới trí thức tinh hoa thật là tuyệt vời. Trí thức Sài Gòn, trí thức Hà Nội, trí thức Sài Gòn, trí thức Hà Nội, trí thức Việt Kiều, trí thức U 70-80, U 50-60, U 30-40 ngồi quây quần bên nhau, chia sẻ với nhau niềm cảm hứng sáng tạo, những sự trải nghiệm và những tri thức mới. Không cãi cọ vùi dập nhau để tranh thắng thua hơn kém, tôn trọng các góc nhìn khách nhau, không quan trọng chuyện đúng sai mà điều quan trọng là được tỏ bày sẻ chia, được thoát khỏi cảnh “cà phê một mình”. Và cuối cùng, sau mỗi buổi người nào cũng có thêm bạn mới. Bạn thân tôi đã tìm thấy “mình” khi kết nối với nhiều “mình”. Cà Phê Thứ Bảy cho tôi lòng tin vào sự thức tỉnh và đổi thay.

3. Từ một góc rất hẹp của mình, tôi đã nhìn thấy sự phân rã của những kết nối cũ, phân rã đến cùng rồi, để những kết nối của một xã hội mới nảy nở. Và nó đang nảy nở thật sự, tuy sự nảy nở này chưa thật mạnh mẽ. Dẫu sao, đấy cũng là một tất yếu giống như quy luật của bốn mùa: Đông tàn thì Xuân tới, phải không các bạn?

Viết đến đây tôi thấy vui vui. Thế là tôi không phải lang thang 36 phố để tìm em, vì em không còn là gió để bay đi nữa. Tôi đã nhìn thấy em rồi.

TP.HCM, ngày 15/12/2012

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Thụ (Sinh viên Việt Nam)
Tình yêu nữ giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN