“Thanh xuân rực rỡ” với gian bếp trên đỉnh đồi của Tâm An

Sự kiện: Giới trẻ 2024

Một cô gái từ bỏ công việc thiết kể ở phố để lên núi tìm cuộc sống của nhà nông, ngày ngày ra ruộng hái rau, nấu những món ăn chay, quay những video mỹ thực đẹp mắt …

Tâm An cấy lúa cùng bà con người Mông.

Tâm An cấy lúa cùng bà con người Mông.

Cô gái đó là Tâm An (tên thật là Phạm Thị Thanh Loan, quê Đắk Lắk), được mọi người biết đến qua những video về cuộc sống bình dị, gần gũi… với gian bếp trên đỉnh đồi.

Bắt đầu từ sự ngẫu nhiên

Ban đầu, Tâm An làm công việc thiết kế tại một công ty ở Hà Nội. Công việc ở phố thị nhiều áp lực, Tâm An quyết định nghỉ việc, đúng lúc một người bạn ngỏ lời mời cô lên Sa Pa làm quản lý cho một homestay.

Bản tính vốn thích trải nghiệm cái mới, sau một thời gian, Tâm An lại tạm dừng công việc tại homestay và đang tận hưởng cuộc sống ở một bản nhỏ của người H’Mông (bản Ý Linh Hồ, xã Lao Chải, huyện Sa Pa).

Gần nửa năm sinh sống ở đây, Tâm An cảm thấy cuộc sống Tây Bắc thật dễ thương, cô dùng chiếc máy ảnh mà người bạn ở Hà Nội tặng để ghi lại những khoảnh khắc gần gũi của bản làng.

“Mỗi ý tưởng sáng tạo video đến rất ngẫu nhiên, không có sự sắp xếp hay dàn dựng kỳ công. Chẳng hạn, ngày hôm đó, mình muốn làm món ngô nướng thì cứ vác máy ra để quay lại những góc phim đẹp, cắt ghép thành một video hoàn chỉnh và chia sẻ với mọi người. Do chưa biết nhiều về kỹ thuật quay phim, mình cứ quay đi quay lại nhiều lần”, Tâm An nói. 

Gian bếp đơn sơ là nơi ra đời những món ăn giản dị nhưng hấp dẫn.

Gian bếp đơn sơ là nơi ra đời những món ăn giản dị nhưng hấp dẫn.

Nếu đã xem những video của Tâm An một lần trên kênh Bếp trên đỉnh đồi, bất kỳ ai cũng phải trầm trồ về cuộc sống “thần tiên” giữa đời thực. Căn bếp với ánh sáng rọi xen qua những ô cửa, cảnh sớm mai trong veo ở núi rừng, rau diếp cá lên xanh mơn mởn ngoài bờ ruộng, một cô nàng thạo đôi tay làm những món ăn đẹp mắt… Đó là những hình ảnh hết sức chân thật, mộc mạc… được Tâm An quay lại. Mỗi video như thước phim tua chậm, truyền cảm hứng về cuộc sống gần gũi với công việc nhà nông.

Sau gần một năm, Tâm An đã thực hiện nhiều video với hình ảnh mượt mà, âm thanh nhẹ nhàng, sinh động… Kênh Bếp trên đỉnh đồi có hơn 150.000 lượt đăng ký. Mức độ tương tác trung bình cho mỗi video là gần 1 triệu lượt xem.

Có thể kể đến loạt video giới thiệu những món ăn thực dưỡng dân dã: Củ cải om tương, súp nấm, đậu phụ om gừng, bánh tằm khoai mỳ bắp cải muối chua… Mỗi thước phim ngắn, tái hiện chân thực cuộc sống sinh hoạt đời thường của Tâm An. Hình ảnh mộc mạc, chân phương kết hợp với nhạc nền khiến người xem cảm thấy vui tươi, trong veo… 

Gian bếp đơn sơ trên đỉnh đồi là cảm hứng cho các video của Tâm An.

Gian bếp đơn sơ trên đỉnh đồi là cảm hứng cho các video của Tâm An.

“Cô Lang” ở bản Mông

Thời gian đầu sống ở bản làng, mọi thứ còn nhiều bỡ ngỡ, Tâm An cũng hơi chán nản và có ý định muốn bỏ về quê. Dần dần, bằng sự nhiệt tình và chân thành, cô kết nối với lũ trẻ vùng cao và người dân bản địa.

"Cô Lang" lên nương cùng trẻ em trong bản.

"Cô Lang" lên nương cùng trẻ em trong bản.

“Thời điểm ở Tây Bắc, mình vừa làm vườn, vừa học hỏi kinh nghiệm từ các các cô chú ở bản, tìm hiểu những giống rau mới, phương thức canh tác… Cuộc sống tự cung tự cấp bắt đầu từ đó. Mình ít dùng đến tiền, có khi cả tháng không phải đi chợ, nếu trong nhà có đủ: Gạo, dầu ăn và muối. Mình tự trồng rau, đủ loại: Cà chua, rau muống, cải, dưa chuột… và tận dụng rơm, phân trâu, rau củ thừa… để ủ thành phân hữu cơ bón rau củ. Chỉ khi gần gũi với mảnh vườn, cây cối, mình mới cảm giác được sống là mình”, Tâm An chia sẻ.

Ở đây, cuộc sống bản làng tuy nghèo khó về vật chất nhưng cô cảm nhận sự ấm áp về tình người. “Đó có thể là một buổi sáng - 2 độ C, mình ngồi ở gian bếp để sưởi ấm. Một cụ già bước chậm rãi đến bên cạnh, khẽ tay đưa mình chiếc khăn giặt sạch bằng nước ấm để lau mặt và gọi mình ăn sáng. Hay mọi người ở bản làng vui vẻ đặt cho mình tên gọi theo tiếng H’Mông là “cô Lang”. Các cô chú, anh chị trong bản còn trêu, ăn món ớt nướng như người Mông, mắc váy hoa đi lễ hội, học tiếng Mông, uống rượu ngô… “Cô Lang” thành người của bản làng Mông rồi…”, Tâm An nói.

Cuộc sống mới ở quê nhà của Tâm An.

Cuộc sống mới ở quê nhà của Tâm An.

Sau nhiều năm sống ở Tây Bắc, Tâm An quyết định trở về quê nhà ở Đắk Lắk, tiếp tục công việc làm vườn, nấu ăn và quay những video mỹ thực… “Ở quê nhà Tây Nguyên, mình trồng đủ loại cây trồng vuờn: Cà tím, mướp, bầu bí… Dịch bệnh không ảnh hưởng gì nhiều đến công việc hiện tại của mình. Mỗi ngày, mình thức dậy sớm để chăm sóc cây cối, nhìn ngắm từng luống rau xanh dần, rồi được ăn những mớ rau tự tay trồng. Ngoài công việc vườn tược, buổi chiều mát, mình sẽ đi quay phim, chụp ảnh, đăng YouTube chia sẻ để cộng đồng mạng cùng xem cho vui. Hạnh phúc là đây, chứ ở đâu xa!".

Nguồn: [Link nguồn]

9X Hà Tĩnh quay clip triệu view về cuộc sống sinh tồn trong rừng

Với mong muốn giới thiệu về cuộc sống mưu sinh, văn hóa, ẩm thực người dân quê mình đến với người dân cả nước...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Nguyễn (SVVN) ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN