Phải làm việc với đồng nghiệp khó ưa? Đừng “tăng xông” vì đây mới là cách người khôn ngoan làm

Thật tệ khi chúng ta liên tục phải gặp, thậm chí là giao tiếp, làm việc nhóm cùng người mình không thích trong suốt 5 ngày mỗi tuần hay thậm chí là nhiều hơn. Tuy nhiên, thay vì bực dọc, tìm cách nói xấu hay bất hợp tác, đây mới là điều người khôn ngoan nên làm.

Phải làm việc với đồng nghiệp khó ưa? Đừng “tăng xông” vì đây mới là cách người khôn ngoan làm - 1

“Cô ta lại cười rồi kia. Trông thật là giả tạo. Nhìn cô ta cười thôi mình đã thấy khó chịu”.

Những suy nghĩ đó lập tức xuất hiện trong đầu bạn khi cô nàng đồng nghiệp nọ nở nụ cười mà theo bạn chắc chắn là thảo mai, nịnh bợ. Nếu cho kể nguyên nhân bạn không ưa cô ta, có lẽ 24 giờ là quá ít. Chỉ cần nghĩ đến việc hít chung không khí cùng nhau là bạn đã thấy bực mình, thế nhưng vấn đề là bạn lại phải làm việc thường xuyên với cô ấy.

Thật tệ khi chúng ta liên tục phải gặp, thậm chí là giao tiếp, làm việc nhóm cùng người mình không thích trong suốt 5 ngày mỗi tuần hay thậm chí là nhiều hơn.

Với tư cách là một nhà tâm lý học và huấn luyện viên cuộc sống, Suzanne Gelb đã lắng nghe rất nhiều những tâm sự bức bối của những người phải làm việc cùng “cái gai trong mắt họ”. Theo cô, công sở là nơi đòi hỏi sự chuyên nghiệp và đừng chuốc bực dọc vào mình chỉ vì một người không đáng bởi đây mới là những điều khôn ngoan mà bạn nên làm.

Hãy nhớ, chúng ta không cần phải thích tất cả mọi người

Rất nhiều người cảm thấy tội lỗi khi không ưa hoặc thường có suy nghĩ tiêu cực về một ai đó. Tuy nhiên thực tế là việc bạn hoàn toàn không thích tính cách của một ai đó cũng như việc bạn không thích chiếc váy hoa to hay chiếc quần ống rộng trong cửa hàng quần áo, món ăn nào đó trong thực đơn.

Chúng ta là con người và tất cả con người đều có những sở thích và “sở ghét” của riêng mình. Bạn có thể có một số sở thích nhất định, cũng giống như đồng nghiệp siêu khó chịu của bạn cũng có sở thích riêng của họ.

Cảm giác và hành động theo cảm xúc là hai điều rất khác nhau

Cảm thấy không thích một ai đó, tránh việc giao tiếp là điều hết sức bình thường và hoàn toàn riêng tư. Tuy nhiên nếu bạn nảy sinh các hành động theo cảm xúc đó một cách tiêu cực, gây tổn thương thì đó thực sự là vấn đề. Điều này cũng giống như việc bạn cố tình quệt vết son đỏ hay vết bẩn khó xử lý lên chiếc áo mà mình không thích trong cửa hàng. Cư xử thô lỗ, không phù hợp với đồng nghiệp là điều không nên.

Khi phải làm việc với một người mà bạn không hề thích, hãy cố giữ quan điểm lành mạnh nhất có thể, tránh việc có những hành động mang tính cảm tính, thiếu khách quan.  

Tám chuyện, nói xấu sau lưng chỉ khiến bản thân trở nên xấu xí

Phải làm việc với đồng nghiệp khó ưa? Đừng “tăng xông” vì đây mới là cách người khôn ngoan làm - 2

Có thể, bạn sẽ thấy rất “đã”, hả dạ khi túm năm tụm ba được những chị em có cùng tâm lý không đội trời chung với cô nàng đồng nghiệp đáng ghét kia. Bạn nghĩ rằng những câu chuyện phiếm đó giúp mình xả stress và có thêm đồng minh song sự thật là tham gia vào kiểu hành vi đó chỉ khiến bạn giống như một kẻ bắt nạt thô lỗ.

Để phát triển hơn trong sự nghiệp, lời khuyên dành cho bạn là hãy tạo sự gắn kết với đồng nghiệp. Hãy hỏi nhau về những chuyện ai cũng có thể tham gia như thời tiết, thời trang hay đam mê của họ. Là một người sống tích cực, truyền cảm hứng sẽ tốt hơn nhiều so với một người đưa tin.

Nhớ rằng mọi chuyện luôn có lý do của nó

Bạn cảm thấy rất khó chịu khi người đó xuất hiện? Đôi khi, chỉ đơn giản nhìn thấy cái tên đó xuất hiện hay nghe ai kể đến cô ta, bạn đã muốn bực mình? Hãy bình tĩnh và phân tích xem, liệu có phải người đó khiến bạn nhớ đến một người khác từng làm tổn thương bạn trong quá khứ.

Có thể người đồng nghiệp đó khiến bạn phát điên khi liên tục ngắt lời bạn nói, điều mà bạn vẫn cảm thấy không thoải mái khi mẹ luôn đối xử với mình như vậy. Cũng có thể, đồng nghiệp đó lúc nói chuyện với bạn một đằng, khi gặp gỡ sếp rồi các đồng nghiệp khác lại tỏ ra một nẻo, khiến bạn nhớ đến một cô bạn thảo mai từng học cùng những ngày cấp 3.

Nếu ai đó tại nơi làm việc khiến bạn bực mình và cảm giác tiêu cực đó dữ dội, kéo dài hơn 15 giây, đó là một dấu hiệu tốt cho thấy điều gì đó trong quá khứ của bạn đang được khơi dậy. Hãy viết những điều bản thân đang suy nghĩ trong đầu ra, phân tích một cách bình tĩnh hơn và cuối cùng là tha thứ cho người đã từng làm bạn tổn thương trong quá khứ. Nếu giữ mãi những suy nghĩ đó, chúng ta sẽ chỉ khiến bản thân thêm nặng gánh oán giận mà thôi.

Giải quyết vấn đề một cách chuyên nghiệp

Phải làm việc với đồng nghiệp khó ưa? Đừng “tăng xông” vì đây mới là cách người khôn ngoan làm - 3

Nếu bạn thường xuyên cảm thấy khó chịu với người đồng nghiệp của mình vì một vài hành động xảy ra thường xuyên và điều đó liên quan đến công việc, đừng ngại chủ động mở lời hay có một cuộc hẹn. Tốt hơn hết, nó nên xảy ra sớm hơn là muộn, trước khi những khúc mắc đó biến thành vấn đề không thể hòa giải giữa hai người.

Lời khuyên dành cho bạn là cuộc nói chuyện nó nên diễn ra một cách hết sức bình tĩnh, không đưa ra những lời mang tính buộc tội. Nếu đồng nghiệp liên tục thất hứa hoặc làm không đúng thời hạn, bạn có thể nói: “Tôi biết bạn có thể đang ngập trong đống email và tôi cũng vậy. Bạn nói rằng sẽ gửi email cho tôi phần việc của bạn trước 4 giờ chiều nhưng bạn đã không làm và điều đó ảnh hưởng đến dự án mà chúng ta đang thực hiện. Sau này, nếu cảm thấy mình không thể gửi được việc gì đúng thời hạn, đừng quên có sự báo trước kèm theo lý do chính đáng để tôi có sự sắp xếp phù hợp. Cảm ơn!”.

Không nói xấu sau lưng, không càu nhàu than vãn, là người chủ động giải quyết vấn đề sẽ biến bạn trở thành một người dẫn đầu, người lãnh đạo thành công.

Cuối cùng thì, ai cũng muốn được nhận sự yêu thương

D.H. Lawrence đã từng viết: "Mọi sinh vật đều mong có được tình yêu". Đó là sự thật!

Chúng ta, bao gồm bạn, sếp của bạn, đồng nghiệp yêu thích của bạn hay đồng nghiệp mà bạn không ưa – đều là những người muốn yêu và được yêu, theo cách này hay cách khác.

Tất cả đều cố gắng để có được tình yêu theo những cách khác nhau (và một số trong đó dùng những cách không lành mạnh!). Cô đồng nghiệp luôn tìm mọi cách để trở thành trung tâm của mọi sự chú ý kia rất có thể là người luôn cảm thấy bất an và chỉ những lời khen ngợi từ bên ngoại mới giúp cô ấy bảo đảm được sự tự tin cho mình.

Đừng bao giờ tốn thời gian và năng lượng cho những điều không tốt. Thay vì tranh cãi, bực dọc về một người, khiến bản thân mệt mỏi vì những suy nghĩ tiêu cực, hãy nghĩ rằng, suy cho cùng chúng ta đều đang cố gắng đáp ứng nhu cầu tình cảm của mình, chỉ là theo những cách khác nhau.

Hãy cứ làm công việc tốt nhất mà bạn có thể. Cảm giác không ưa ai đó hay ai đó không ưa mình cũng chẳng sao hết. Điều đó không khiến bạn hay người kia trở thành kẻ xấu hay người sai. Hãy đơn giản hiểu rằng chúng ta thuộc hai mảng màu khác nhau và điều cần nhớ nơi công sở là làm việc một cách chuyên nghiệp.

Nguồn: [Link nguồn]

Quy tắc sinh tồn nơi công sở: Vì sao đừng coi đồng nghiệp là bạn thân?

Không ít người nghĩ rằng khi thân thiện với đồng nghiệp, xởi lởi xem họ như là một người bạn tốt thì sẽ giúp cuộc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Anh (thoidaiplus.giadinh.net.vn) ([Tên nguồn])
Công sở và những áp lực Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN