Người thầy giáo có tâm hồn cao cả

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

PGS.TS Trần Mạnh Tiến - một thầy giáo tâm huyết, một nhà khoa học bền chí, một người thầy thuốc đáng nể trọng.

Lớp chúng tôi có may mắn được học thầy - Phó giáo sư tiến sĩ Trần Mạnh Tiến ngay từ những buổi học đầu tiên của bộ môn Lý luận văn học - môn học mà đối với hầu hết sinh viên khoa văn là khó và khô không khốc. Trong tưởng tượng của đám sinh viên nữ, giảng viên môn Lý luận chính là anh em con cô con bác với khoa triết – “Toàn vĩ nhân nói những điều không thể nào hiểu nổi”. Thế nhưng, ấn tượng mà thầy đem tới cho chúng tôi lại hoàn toàn khác…

Sáng tác thơ từ ngày học lớp 1

Sinh ra ở thị xã Tuyên Quang, lớn lên ở thị trấn Hàm Yên - một huyện nhỏ nằm ở phía Bắc của tỉnh miền núi, PGS.TS Trần Mạnh Tiến đã trải qua thời thơ ấu nơi quê nhà với nhiều ấn tượng kỳ ảo của núi sông hùng vĩ. Ngay từ khi mới lên năm tuổi, thầy đã được cha mình dạy chữ Quốc ngữ và bài học vỡ lòng về chữ Nho, về Tam thiên tự và Tam Tự Kinh,… Mẹ thầy là con gái vùng đất Phú Thọ giàu truyền thống văn hóa dân gian. Thuở nhỏ, thầy thường xuyên được nghe mẹ kể những câu chuyện như: Lục Vân Tiên, Tống Chân Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa… được mẹ hát cho nghe những điệu hát Xoan thân thương của quê ngoại. Có lẽ chính yếu tố gia đình đã góp phần quan trọng vào việc hình thành và nuôi dưỡng niềm đam mê văn hóa, văn học ở PGS.TS Trần Mạnh Tiến.

Ngay từ khi còn đi học, thầy đã sớm bộc lộ năng khiếu văn chương thiên bẩm. Bài thơ “Mẹ” thầy sáng tác hồi còn học cấp 1 sau được in vào tuyển thơ. Hai bài thơ khác trong tuyển thơ Nhà giáo nhà thơ đã được nhạc sĩ Nhã Ca đã phổ nhạc là: “Em tìm hoài trong em” “Tiếng chim chiều”. Phải chăng chính cái chất nghệ sĩ tài hoa, phong nhã ấy đã mang đến cho thầy một phong cách giảng bài rất riêng và độc đáo.

Những giờ dạy của thầy hết sức tự nhiên, thoải mái, không có sự gò bó, ép buộc, bao định nghĩa khó nhằn được thầy hóa giải một cách dễ hiểu, dễ nhớ hơn. Chúng tôi còn nhớ, có lần thầy ốm nặng, giọng khản đặc không thể nói nhiều được nhưng chỉ cần bước lên bục giảng, thầy liền quên hết mọi mệt mỏi, giảng như rút ruột rút gan mình ra vậy. Đối với thầy, dạy học vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ cao cả, vừa là niềm vui, sự say mê bất tận.

Sinh viên bọn tôi thường ham chơi hơn ham học, lười đọc sách nhưng lại dẻo mồm chống chế, nhiều khi khiến thầy “tức điên” lên được, nhưng thầy giận mau mà quên cũng mau. Giờ lên lớp hôm sau, thầy lại ân cần hỏi han những chỗ chúng tôi không hiểu, kiến thức nào bị hổng rồi giảng giải nhiệt tình. Thầy vẫn bảo: “Thầy luôn muốn truyền đạt lại tất cả những kiến thức thầy cảm thấy hay, bổ ích mà thầy đọc được trong sách cho sinh viên. Chưa bao giờ thầy cảm thấy nguội lạnh nhiệt huyết văn chưong, ngược lại, luôn thấy mình làm chưa hết, chưa đủ với học trò".

Làm nghề giáo kiêm chăn nuôi, thầy thuốc

Bất cứ nghề nào cũng có khó khăn nhưng nghề giáo lại càng gian khổ gấp bội. Có thể nói giáo viên là nghề không thể làm giàu. Biết bao thầy cô đã phải bỏ nghề giữa chừng hoặc chấp nhận làm thêm nghề tay trái như kinh doanh, chăn nuôi để tăng thêm thu nhập. Thầy cũng không phải là ngoại lệ.

Người thầy giáo có tâm hồn cao cả - 1

Một người thầy luôn hết lòng với công việc và học trò

Khi đất nước còn chiến tranh, giống như bao bạn bè cùng trang lứa, thầy từ giã giảng đường đại học lên đường nhập ngũ. Hòa bình lập lại, thầy tiếp tục đeo đuổi con đường học vấn còn dang dở ở khoa Văn, trường Đại học Sư phạm Việt Bắc.

Năm 1978, thầy tốt nghiệp đại học về Tuyên Quang công tác. Mới ra trường, cuộc sống hết sức chật vật. Bấy giờ ở Tuyên Quang quê thầy rộ lên phong trào khai thác vàng, nhiều giáo viên vì kinh tế quá khó khăn mà bỏ nghề đi đãi vàng nơi rừng thiêng nước độc. Nhưng thầy không đi theo con đường ấy mà kiên quyết bám trụ với nghề. Ngoài giờ dạy chính trên lớp, thầy nhận dạy hợp đồng ở các lớp văn hóa; kẻ chữ thuê; mở hiệu cắt tóc nhỏ; thậm chí học cả chăn nuôi lợn, gà để tăng thêm thu nhập. Mỗi khi nghĩ lại những ngày tháng gian truân đã qua, thầy cười rất sảng khoái mà bảo: “Thầy buôn bán dốt lắm, toàn lỗ vốn thôi. Thiếu kinh nghiệm về chăn nuôi, nên năng suất chẳng đáng là bao. Nhưng vì đam mê với nghề, vì muốn giữ cái tâm thanh thản nên buộc phải nỗ lực lao động mà vươn lên qua những cơn bĩ cực”.

Song, ít ai biết được, nghề tay trái đã cùng thầy vượt qua những năm tháng khó khăn lại là nghề thầy thuốc. Phải, chính cái nghề đông y truyền thống của gia đình đã vực thầy đứng lên trước mọi phong ba của cuộc đời. Ngay từ khi còn bé xíu, thầy đã lẽo đeo đi theo những người thân hái thuốc. Lúc biết đọc và viết, mỗi lần đi rừng, bên trong chiếc gùi đựng thuốc bao giờ cậu bé Tiến cũng mang theo một quyển vở để ghi chép lại những cây thuốc quý có thể chữa bệnh cho mọi người.

Không có ai tận tình chỉ bảo, chỉ với lòng ham hiểu biết mãnh liệt, ban đêm bên ánh đèn khi mờ khi tỏ, thầy tìm đọc các sách về giải phẩu học, nhiễm trùng học và di truyền học cùng với đó là những trang sách Hán Nôm bám đầy bò hóng nhàu nát. Thầy tự mình nghiên cứu về hệ kinh lạc, học cách châm cứu, bốc thuốc, học thuộc tên và công dụng chữa bệnh của từng loài cây cỏ. Như chú kiến nhỏ cần mẫn tích lũy từng ngày, vốn hiểu biết về đông y của thầy ngày một sâu sắc và đầy đặn lên mãi. Tình thương con người hòa quyện cùng với tình yêu văn chương đã nuôi nấng, nâng cánh cho một tâm hồn tài hoa và đức độ.

Năm 1979, thầy trở lại Hà Nội, theo học cao học chuyên ngành Lý luận văn học tại trường Đại học Sư phạm I (1979-1981), sau đó về lại quê nhà dạy học. Năm 1992, thầy trở lại Trường ĐHSP Hà Nội làm nghiên cứu sinh chuyên ngành Lý luận văn học. Để có tiền trả học phí và nuôi gia đình, thầy mở dịch vụ châm cứu trong trường thu hút nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, chuyên chữa trị các chứng bệnh bại liệt, méo miệng, liệt mặt, thiên đầu thống, đau dạ dày, đau cột sống, đau thần kinh toạ…

Những năm 90, y học cổ truyền còn chưa đáp ứng đủ nhu cầu chữa bệnh, nhiều phương thuốc quý hiếm thất truyền trong dân gian, thầy đã lặn lội lên tận Tây Bắc sưu tầm những cây thuốc Nam của dân tộc thiểu số đem về chữa các bệnh liên quan đến gan, thận, tim, phổi, xương, khớp, rối loạn tiền đình… đem lại mạng sống và niềm hạnh phúc cho mọi người.

Có một lần, trong chuyến đi Trung Quốc, trên tàu có một người đàn ông Thượng Hải bị cảm nặng, bằng phương pháp châm cứu thành thạo, thầy đã cứu sống người đàn ông xa lạ thoát khỏi bàn tay tử thần… Giáo sư nhà giáo nhân dân Nguyễn Đình Chú đã tặng thầy đôi câu đối chữ Hán năm 1997 như sau: “Văn tài sơ nhập khuê tinh hội - Y đức trường lưu bác sĩ danh”. Nghĩa là: Tài văn mới nhập Hội sao khuê - Y đức dài lâu tiếng bốn bề.

Khi đứng trên bục giảng thầy dạy học với tất cả niềm say mê, hứng thú chỉ những mong sao truyền được cái Đẹp và cái Thiện đến với học trò, giúp học trò thành tài, nên người. Ngoài đời, trong những phút giây tạm thời rời xa trang giáo án, thầy lại tận tụy cứu người không cần sự hồi đáp, báo ơn. Thầy vẫn dạy chúng tôi: “Y học và văn học liên thông đều mang tính nhân văn cả”. Mỗi người đều có hai bàn tay, một bàn tay để tự giúp mình, bàn tay còn lại là để dành giúp đỡ người khác. Con người, sống là để tương trợ, đùm bọc lẫn nhau. Thầy nói: “Cuộc đời thầy không có gì đáng giá lớn về vật chất, chỉ có một điều là luôn được học trò kính trọng và mọi người yêu mến”.

Giờ đây, khi đã ở cái tuổi ngoài ngũ tuần, sức khỏe có hạn, thầy tập trung tất cả thời gian, sức lực của mình cho giảng dạy và nghiên cứu phê bình văn học. Phòng châm cứu của thầy đã tạm ngừng hoạt động từ lâu. Nhưng những kiến thức về đông y vẫn được thầy truyền thụ lại cho con cái và học trò, đặc biệt là tinh thần “Nam dược trị nam nhân” (thuốc Nam trị bệnh cho người Nam) của danh y Tuệ Tĩnh. Hai người con trai của thầy ngoài công việc chuyên môn (người con cả hiện đang là thạc sỹ ngành văn hoá Trung Quốc, người con thứ hai là kỹ sư môi trường) thì đều nối bước cha theo học văn bằng hai chuyên ngành châm cứu ở Học viện Y học Tuệ Tĩnh. Thời gian rảnh rỗi, thầy còn viết thêm sách, báo đúc kết lại những kinh nghiệm về đông y như: Lịch sử y học cổ truyền Tuyên Quang; Tiềm năng nơi sơn dã; Địa chí văn hóa Tuyên Quang…

Người thầy với tâm hồn cao cả

Ấn tượng của nhiều thế  hệ sinh viên khi nhớ về PGS.TS Trần Mạnh Tiến là một người thầy thân thiện, gần gũi, lúc nào cũng mỉm cười rất hiền từ. Một người đa tài và đa nghề, dù ở bất cứ lĩnh vực giảng dạy nào, chữa bệnh hay nghiên cứu khoa học, thầy cũng đều tận tụy cống hiến hết mình. Sự nghiệp trồng người bao giờ cũng là nội dung cơ bản trong hoạt động sư phạm của một nhà giáo. Nhưng dạy học ở bậc đại học không phải là giảng giải những bài học có sẵn mà là dẫn dắt học trò khám phá một lĩnh vực khoa học nào đó. Cho nên, muốn trở thành một nhà giáo mẫu mực, người dạy học ở đại học phải phấn đấu để trở thành một nhà khoa học ưu tú.

Người thầy giáo có tâm hồn cao cả - 2

Những công trình nghiên cứu của PGS.TS Trần Mạnh Tiến

Bên cạnh vốn Hán Nôm được học từ cha hồi nhỏ, thầy còn học thêm tiếng Nga, tiếng Trung và Tiếng Anh để phục vụ cho việc nghiên cứu và dịch thuật tài liệu nước ngoài. Thầy bảo: “Ngoại ngữ không phải là trò chơi dùng đánh bóng danh hiệu mà đó là một công cụ đắc lực để tra cứu phục vụ nghiên cứu, để dò cho đến ngọn nguồn tri thức nhân loại”. Niềm vui lớn nhất của thầy đó là đọc sách, nhiều khi thầy đọc mải mê đến sáng, có hôm kiệt sức mà ốm. Sau này mỗi lần làm việc khuya, thầy đều phải đặt đồng để nhắc nhở giờ đi nghỉ.

Hơn nửa đời người buồn vui, cống hiến, hy sinh cho nghề, thầy luôn luôn tâm niệm cũng như nhắc nhở học trò của mình một điều: “Tiến vi sư, thoái vị sư” (Thành đạt thì làm thầy, không thành đạt vẫn làm thầy); “Cuộc sống dù khó khăn, gian khổ đến mấy cũng phải giữ được nhiệt huyết, tâm hồn cao cả với nghề - Đó chính là cái đẹp vĩnh hằng. Người thầy giáo hôm nay cần có một bộ óc năng động, tri thức sâu sắc chắc chắn, biết khám phá trí tuệ trong mình và của mọi người và tuyệt đối không bao giờ được rời bỏ cái thiện.”

Usinxki từng nói: "Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh. Sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác". Đối với nhiều thế hệ sinh viên khoa Ngữ Văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội thì PGS.TS Trần Mạnh Tiến mãi mãi là tấm gương sáng về một người thầy giáo tâm huyết, một nhà khoa học bền chí và một người thầy thuốc đáng nể trọng.

Một số giải thưởng và công trình nghiên cứu của PGS.TS Trần Mạnh Tiến

Tháng 2/1997 thầy bảo vệ luận án Tiến sỹ. Năm 2005, thầy được phong hàm Phó Giáo sư, kiêm phó chủ nhiệm bộ môn Lý luận văn học, khoa Ngữ Văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Thầy cũng từng đạt nhiều giải thưởng lớn:  giải thưởng về khảo cứu văn học dịch thuật 2008 (tỉnh Tuyên Quang trao tặng); Giải Nhì nghiên cứu Khoa học công nghệ 2010,…

Với hơn 100 bài báo khoa học và nhiều công trình nghiên cứu lớn nhỏ như: Lý luận phê bình văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX; Lan Khai - Tác phẩm Nghiên cứu Lý luận và phê bình văn học; Lan Khai - Lầm than; Lan Khai - Truyện đường rừng; Lan Khai - Nhà văn hiện thực xuất sắc; Lan Khai - Tuyển tập (2 tập); Lan Khai - Tuyển truyện ngắn; Đất Tuyên- Núi song diễm lệ; Về Tuyên (Tuyền thơ văn); Tham gia viết các giáo trình: Giáo trình lý luận văn học tập1,2 …  Đặc biệt công trình: Lan Khai -  Nhà văn hiện thực xuất sắc, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Lan Khai - Công trình được cả nước chú ý. Thầy chính  là người có công đầu trong việc khôi phục di sản của nhà văn Lan Khai và minh oan cho cuộc đời và sự nghiệp của một tài năng lớn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo My Việt – Hoài Phương ([Tên nguồn])
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN