Leo rào công viên nước: Sao lại ném con vào chỗ nguy hiểm?

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Anh "Chánh Văn" đã thực sự phẫn nộ và đau đớn khi thấy cảnh bố coi rẻ tính mạng của con cái.

Mọi người vẫn còn bàng hoàng với những hình ảnh “không mấy đẹp” tại CV nước Hồ Tây ngày 19.4 vừa qua như: Sự hoảng loạn của những cô gái khi bị cả đám nam thanh niên "tấn công", hình ảnh người lớn, trẻ nhỏ, thanh niên trai gái trèo rào vào vui chơi miễn phí... Những hành động đó làm xấu đi biết bao hình ảnh về ý thức của con người. Từ đó, xuất hiện nhiều câu chuyện xã hội xung quanh với những ý kiến khác nhau.

Leo rào công viên nước: Sao lại ném con vào chỗ nguy hiểm? - 1

Những hình ảnh xấu xí tại công viên nước Hồ Tây ngày 19.4 vừa qua

Cũng nhân sự việc này, anh Hoàng Văn Tú - "Chánh Văn" của báo Hoa Học trò (người thứ hai quản lý mục này sau Đoàn Công Huynh) đã dạy con về những thứ miễn phí ở đời qua bài viết: “Giá của chúng ta là bao nhiêu?”.

Chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với “Chánh Văn” để cùng anh chia sẻ về “những món quà miễn phí”.

Ngày 19.4 vừa qua, CV nước Hồ Tây có tổ chức hoạt động mở cửa miễn phí. Rất đông người tới tham gia, bao gồm cả người lớn, trẻ nhỏ và đặc biệt là rất đông nam thanh nữ tú. Tuy nhiên, có những hình ảnh không đẹp,  không văn minh đã xuất hiện tại nơi công cộng. Và anh thấy sao khi nhìn thấy những hình ảnh đó?

Cảm xúc đầu tiên của tôi là “phẫn nộ”! Tôi thực sự phẫn nộ khi thấy những ông bố bà mẹ đang bế con leo rào. Tôi phẫn nộ và đau đớn khi thấy những gương mặt sợ hãi của lũ trẻ. Là một người cha, tôi thực sự sợ hãi. Tôi sợ hãi với tính mệnh của những đứa trẻ và hơn cả thế, tôi sợ hãi cho tương lai của những đứa trẻ có những bậc cha mẹ như thế!

Còn về những người trẻ khác đang leo trèo, tôi không quá khắt khe với họ bởi tôi cũng từng là những người trẻ như thế! Giữa một đám đông đang ùn ùn như vậy, những người trẻ hẳn sẽ bị kích động. Họ làm theo. Họ “khác” với chính họ ngày thường. Điều đó có thể lý giải được. Nhưng các bậc cha mẹ kia thì không! Không có gì lý giải nổi việc họ “tự nguyện” ném con mình vào sự nguy hiểm.

 Phải chăng những hình ảnh đó phản ánh lối sống của người Việt nói chung và giới trẻ nói riêng?

Thực ra chúng ta không thể (và không nên) quy chụp tất cả người Việt vào trường hợp này. Bởi như chúng ta biết, việc chen lấn, xô đẩy, leo rào, lộn xộn kiểu này ta có thể bắt gặp ở khắp nơi, từ Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp… Và điều đó không thể nói rằng, nó là “đặc sản” của Việt Nam.

Và đặc biệt về giới trẻ! Tôi có gần 20 năm “ăn, ngủ, sống” cùng người trẻ nên tôi hiểu rằng, người trẻ vốn ham vui và dễ bị kích động. Việc họ làm hôm 19.4 thật ra không thể trách họ được. Điều chúng ta cần trách ở đây là công tác tổ chức của công viên nước Hồ Tây mà thôi!

Leo rào công viên nước: Sao lại ném con vào chỗ nguy hiểm? - 2

"Chánh Văn" Hoàng Văn Tú đã gắn bó với Hoa học trò gần 20 năm

 Nhân sự kiện đó, anh có viết những tâm sự của mình gửi các con về “Hãy học cách trả phí với những thứ miễn phí ở đời”. Vậy trong cuộc sống, anh có thường xuyên dạy con của mình về cách sống “cho và nhận”, đặc biệt là được nhận miễn phí không?

Tôi luôn dạy con mình về giá trị bản thân của chúng. Khi chúng hiểu về giá trị bản thân, tôn trọng và xây dựng các giá trị bản thân, chúng sẽ biết chúng nên xuất hiện ở đâu, khi nào, trong điều kiện nào.

Và việc “cho và nhận” cũng chính là một trong nhiều thứ giúp chúng gia tăng giá trị bản thân, hoàn thiện nhân cách cũng như hiểu sâu hơn về giá trị mình mang lại cho xã hội nói chung và cộng đồng quanh chúng nói riêng.

Tôi vẫn quan niệm, dạy con trở thành người tử tế trước nhất bởi, tôi tin sự tử tế sẽ là thứ làm nên sức mạnh và giá trị của mỗi con người. 2 cháu lớn nhà tôi đều có “sổ ghi điều tốt” mà các cháu làm mỗi ngày! Và trong chuyện này, tôi dạy các cháu “tin” rằng, vẫn có những thứ miễn phí trên cuộc đời, chỉ là hãy “trả phí” cho sự miễn phí đó bằng cách này hay cách khác.

Như điều tốt đẹp ta mang lại cho người A không phải để người A trả ơn mà sẽ có người B nào đó sẽ vì điều tốt của người C dành cho họ mà họ đã dành lại cho ta. Lòng tốt là thứ cần lây lan như thế!

Bài viết của anh được rất nhiều ông bố bà mẹ quan tâm. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến trái chiều, có người ủng hộ, có người không đồng tình. Cần phải có phương pháp dạy dỗ con trẻ như thế nào để chúng có thể tiếp nhận được giá trị của những thứ được gọi là “miễn phí”?

Như tôi vẫn thường chia sẻ trên Facebook của mình về cách dạy con. Là những cách phù hợp với các con tôi, phù hợp với môi trường tôi sống, mức sống của tôi cũng như những giá trị mà gia đình chúng tôi đang sở hữu.

Nó có thể khác với những cha mẹ khác, đứa con khác, khu vực sống khác và mức sống khác. Thế nên việc trái chiều không phải là thứ khiến tôi bận tâm. 12 năm làm “Chánh Văn” dạy cho tôi 1 điều: Tuỳ căn cơ chúng sinh mà phổ độ. Không có đáp án nào là đúng với tất thảy mọi người, mọi trường hợp.

Cũng tại công viên nước Hồ Tây vừa qua, có những hình ảnh thiếu nữ bị số đông nam thanh niên “vây” lại sàm sỡ, quấy rối tình dục. Vậy, là một người cha có con gái, anh sẽ dạy con hành xử như thế nào khi phải đối diện với “yêu râu xanh”?

Thứ nhất, như đã nói ở trên , tôi dạy con hiểu giá trị bản thân và con tôi sẽ không bao giờ đến nơi như thế bởi chúng hiểu giá trị chúng đến đâu. Nói vui thì nó là “sang chảnh” .

Thứ hai, trong những sự kiện như thế này nếu chả may con tôi rơi vào đám đông đó, tôi sẽ dạy con mình sự bình tĩnh. Chỉ cần khi chúng bình tĩnh, chúng có thể tìm ra giải pháp.

Bằng vẫn chưa đủ bình tĩnh thì tôi nghĩ rằng chúng ta hãy cùng nhau giải quyết những hậu quả có thể xảy ra. Tôi nghĩ,  khi mọi chuyện xảy ra rồi, các bậc cha mẹ hãy thôi phân tích hay trách cứ con mình. Hãy cùng con giải quyết những hậu quả. Tôi sẽ ôm lấy con mình và nói với nó rằng: “Bố ở đây rồi! Mọi chuyện chúng ta sẽ cùng nhau giải quyết với nhau! Không phải chuyện của con hay chuyện của bố. Nó là chuyện của chúng ta”.

Leo rào công viên nước: Sao lại ném con vào chỗ nguy hiểm? - 3

 "Đừng nghĩ rằng, cứ đồ miễn phí là tha hồ cho kiểu nào cũng được"

Quay trở về với câu chuyện vỡ trận tại CV nước Hồ Tây, theo anh đó có phải là tâm lí chung của con người khi không mất tiền lại được vui chơi miễn phí? Hay đó còn là câu chuyện về sự tò mò với hoạt động giải trí mang tính cộng đồng?

Tâm lý chung của “con người” là thế! Tuy nhiên, cách hành xử mỗi nơi mỗi khác. Tôi vẫn nghĩ rằng trong chuyện này công viên nước Hồ Tây thực sự gặp khủng hoảng truyền thông. Hình ảnh của công viên nước Hồ Tây sẽ không còn tốt đẹp nữa. Ít nhất là với những người như tôi. Chắc chắn, tôi sẽ không bao giờ có ý định đưa con tới đây bởi rõ ràng, công viên nước Hồ Tây không cho tôi cảm giác an toàn với những bậc cha mẹ quan tâm đến con cái mình.

 Đây không phải là hoạt động miễn phí duy nhất có những hình ảnh xấu xí như vậy, còn có rất nhiều hoạt động miễn phí khác như: áo mưa miễn phí, đồ ăn miễn phí, đổi mũ bảo hiểm mới… Và những hình ảnh chen chúc, dẫm đạp để tranh giành phần cho mình, phải chăng đang chứng tỏ ý thức của người Việt đi xuống?

Tôi cho rằng cách tổ chức sự kiện miễn phí ở ta có vấn đề! Khi các nhà tổ chức không lường trước được mọi việc và chỉ quan tâm đến việc càng đông càng tốt thay vì nhắm đối tượng chuẩn của mình.

Với cách làm như vậy, họ sẽ thu hút được một đám đông không bao giờ trực tiếp trả tiền cho họ. Trong khi phân khúc sẽ trả tiền cho họ sẽ không bao giờ tìm đến họ nữa.

 Nó giống như việc chúng ta bán nhà nhưng lại tổ chức miễn phí ở qua đêm với tất cả mọi người. Sẽ có nhiều người đến ở miễn phí chen chúc nhau nhưng người thực sự có nhu cầu mua nhà, có khả năng chi trả lại không dám đến vì quá đông, quá lộn nhộn. Thậm chí lô nhà ấy sẽ bị coi là trại tế bần. Và còn ai muốn mua một ngôi nhà như thế?

Vậy theo ý kiến cá nhân anh, cần làm gì để những hoạt động miễn phí được diễn ra một cách có văn minh và lành mạnh?

 Tôi nghĩ rằng nhà tổ chức nên có một kế hoạch rõ ràng hơn. Miễn phí có điều kiện và được tổ chức một cách trân trọng hơn thay vì thảy cả đống ra. Chẳng hạn như “cơn mưa đồ ăn” là rất phản cảm.

Hãy trân trọng người được nhận đồ miễn phí vì chúng ta vẫn nói với nhau một câu: Của cho không bằng cách cho. Đừng nghĩ ngắn rằng, cứ đồ miễn phí là tha hồ cho kiểu nào cũng được. Như vậy là rất thiếu tôn trọng khách hàng. Bởi tất thảy, người ta sẽ chỉ lên án thương hiệu đã bày ra trò đó chứ không phải người đi nhận đồ đó. Giữ một thương hiệu khó hơn nhiều!

Cảm ơn anh về buổi phỏng vấn!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bùi Anh ([Tên nguồn])
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN