Hai đại gia đình Bắc Nam vỡ òa khi nhận kết quả ADN sau 70 năm cách biệt

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Cuộc đoàn tụ giúp những người con tìm về nguồn cội sau 70 năm người ông, người cha của họ rời khỏi làng quê và mất liên lạc từ đó.

Ở thôn Đông Viên (xã Đông Quang, huyện Ba Vì, TP Hà Nội), hàng năm cứ đến ngày 27/5 âm lịch, gia đình ông Nguyễn Văn Ngó lại làm giỗ cụ Vũ Văn Thai – ông ngoại ông Ngó.

Cách đó hơn 1.500km, ở TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), gia đình bà Nguyễn Thị Năm cũng làm giỗ bố chồng bà vào cùng ngày. 

Hai cái giỗ, cùng một người, cùng một ngày nhưng 2 đại gia đình không hề biết gì về sự tồn tại của nhau. Bởi lẽ, sợi dây kết nối là ông Vũ Văn Bốn chưa từng kể với vợ con về gia đình, dòng tộc của mình ở Đông Viên. 

50 năm sau khi ông Bốn rời quê nhà, gia đình cũng bặt tin ông từ đó.

Ông Bốn hay nói với vợ con rằng “đã trở về thì phải vinh quang”. Suy nghĩ ấy khiến cho khát khao trở về trở thành một điều không thực hiện được cho tới tận đến khi ông qua đời.

Sự ra đi của người lính du kích gan dạ 

Ông Nguyễn Văn Ngó đi tìm người cậu tên Vũ Văn Bốn, thất lạc từ năm 1954

Ông Nguyễn Văn Ngó đi tìm người cậu tên Vũ Văn Bốn, thất lạc từ năm 1954

Trong ký ức của ông Nguyễn Văn Ngó, cậu mình – ông Vũ Văn Bốn là một người lính du kích gan dạ. “Ngày đó, ban ngày thôn Đông Viên do địch quản lý. Cậu tôi thường xuyên hoạt động du kích vào ban đêm.

Năm 1952, cậu tôi bị bắt và bị giam giữ lần lượt ở bốt Tây Đằng, bốt Trung Hà, rồi bị đưa vào nhà tù Hỏa Lò. Đến năm 1954, cậu bị bắt xuống tàu đi vào Nam. Năm ấy, tôi mới 14 tuổi”, ông Ngó chia sẻ.

Ngày ấy, thôn Đông Viên có rất nhiều gia đình tham gia kháng chiến chống Pháp. Cậu Vũ Văn Bốn của ông là một trong những người lính du kích bị địch bắt và tra tấn giữa làng.

Ấn tượng của ông Ngó về cậu Bốn là người đàn ông có khuôn mặt trái xoan, dáng người cao ráo và rất giống hai người anh là ông Năm và ông Sáu. 

Ngày ông Bốn đi, cụ Vũ Văn Thai đã mất. Ngày giỗ bố là thứ duy nhất mà ông mang theo mình, và cũng là sợi dây duy nhất kết nối ông với cội nguồn, dòng tộc. 

Năm 1967, cụ bà mất. Ông Bốn ở trong Nam, không biết ngày giỗ mẹ. 

Người chồng, người cha không có quá khứ

Trong ký ức của bà Nguyễn Thị Năm và các con, những gì họ được biết về cuộc đời ông Bốn bắt đầu từ năm 1962.

Tám năm sau ngày rời đất Bắc, ông Bốn sống bằng nghề thợ mộc ở thị xã Phan Thiết (nay là TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận). Ở đây, ông yêu và cưới bà Năm. Năm đó, ông Bốn 32 tuổi. 

Cuộc sống hôn nhân mới được vài tháng thì ông bị bắt vào Sài Gòn đi lính. 

Ông Ngó kể, vào năm 1964, gia đình có nhận được một lá thư rất ngắn của ông Bốn, thông báo rằng ông đang ở Sài Gòn. Ngoài ra, không có thông tin gì khác.

Sau 6 - 7 năm, ông trở về Phan Thiết, làm nghề mộc được một thời gian thì đất nước thống nhất. 

Bình Thuận là nơi ông Bốn dừng chân, xây dựng gia đình và sống đến cuối đời

Bình Thuận là nơi ông Bốn dừng chân, xây dựng gia đình và sống đến cuối đời

Mấy chục năm sống cùng vợ con, cùng nhau khai hoang, làm rẫy, ông gần như không bao giờ kể với họ về gia đình ngoài Bắc. Thậm chí, ông nói với bà Năm rằng ngoài kia ông từng có vợ con. 

Không ai hiểu tại sao ông lại nói như vậy. Chỉ có ông Ngó nghi hoặc lý giải điều đó bằng câu chuyện hẹn ước của cậu mình với một người con gái cũng tên là Bốn. 

“Ngày cậu tôi đi du kích, có yêu một người con gái tên là Phan Thị Bốn. Hai ông bà hẹn ước sẽ lấy nhau. Nhưng chưa lấy được nhau thì cậu tôi bị bắt. Ngày cậu tôi bị giam giữ ở Hỏa Lò, bà Bốn đi lấy chồng khác.

Trong 2 năm cậu tôi ở tù, người làng thi thoảng cũng liên lạc được với cậu. Có lẽ cậu cũng biết bà Bốn đã đi lấy chồng”. 

Ao ước về quê chưa thành 

Ông Bốn từng nói với vợ mình là bà Năm (bên phải ảnh) rằng ông từng có gia đình riêng ngoài Bắc

Ông Bốn từng nói với vợ mình là bà Năm (bên phải ảnh) rằng ông từng có gia đình riêng ngoài Bắc

Trong ký ức của chị Vũ Thị Hằng - con gái ông Bốn, cha chị là người chịu thương chịu khó và yêu chiều vợ con. Ông không ngại ngần việc nhà, giặt giũ, phơi đồ cho vợ, việc nào ông cũng xắn tay làm. 

Sau khi ông mất, đống củi khô ông tích trữ vẫn còn đầy bồ. Đống củi được sắp xếp gọn gàng như đúng tính cách cẩn thận của ông dù nhà đã không còn dùng bếp củi nữa.

“Khi còn sống, thi thoảng, ba lại ao ước trúng tờ vé số để có tiền về Bắc thăm họ hàng” – chị Hằng kể.

Ông bảo, xa quê đã mấy chục năm, khi về phải có gì đó cho nội ngoại, bà con, về tay không không được. “Ba nói, đã đi rồi, về phải huy hoàng”.

Cũng vì lẽ ấy mà mấy chục năm ông không dám về nhà. Bây giờ, mỗi khi nhớ về cha, chị Hằng lại nhớ những lần ông à ơi ru cháu điệu hát ru miền Bắc: “Con cò bay lả bay la…”.

Quê nhà luôn được cất ở một góc sâu kín trong tiềm thức của ông Bốn

Quê nhà luôn được cất ở một góc sâu kín trong tiềm thức của ông Bốn

Cuộc hội ngộ Bắc - Nam

Từ nhiều năm về trước, ông Nguyễn Văn Ngó đã liên hệ với chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly (NCHCCCL) để tìm người cậu Vũ Văn Bốn, thất lạc từ năm 1954. 

Ê kíp chương trình đã rà soát sơ bộ những địa phương có cộng đồng người Bắc di cư vào Nam trong 2 năm 1954-1955 nhưng không tìm ra. 

Ê kíp cũng nhận định, ông bị người Pháp dẫn đi nên ít có khả năng ông sống cùng những cộng đồng đó. Ông đi một mình, không có người thân, gia đình nên khả năng cao ông không giữ tên họ cũ. 

NCHCCCL đã đăng tin tìm ông trên website của chương trình từ thời điểm đó với hy vọng thân nhân hoặc người quen của ông nhận ra và liên hệ lại.

Một chàng trai xưng tên Mang Vũ Hậu đã gọi điện tới chương trình, nói anh quan tâm đến hồ sơ của ông Vũ Văn Bốn.

Anh Hậu cho biết, ông ngoại anh có tên gần giống, Vũ Văn Bôn - cái tên mà ông Bốn sử dụng sau khi rời quê, cũng là người gốc Bắc vào Nam năm 1954 và hiện gia đình anh không có liên lạc với gốc gác ngoài Bắc. 

Khi so sánh thông tin hai bên cung cấp, ê kíp thấy trùng khớp 50%. Xác minh sâu hơn các thông tin còn thiếu, ê kíp thấy khớp dần từng chi tiết nên quyết định đi đến bước cuối cùng là tiến hành xét nghiệm ADN.

Kết quả xét nghiệm cho thấy, đại diện hai bên gia đình có quan hệ ruột thịt với nhau. 

Ông Nguyễn Văn Ngó xúc động trên sân khấu của NCHCCCL

Ông Nguyễn Văn Ngó xúc động trên sân khấu của NCHCCCL

Trên sân khấu của NCHCCCL, ông Nguyễn Văn Ngó bật khóc nức nở khi được ôm những người em, người cháu lần đầu ông biết mặt. Cả hai đại gia đình - một bên Hà Nội, một bên Bình Thuận - vỡ òa cảm xúc.

Từ nay, họ sẽ không còn phải đau đáu về một người anh, người cậu bặt vô âm tín. Những người con, người cháu ở TP Phan Thiết cũng không còn băn khoăn về tổ tiên, nguồn cội của mình. 

Sau cuộc hội ngộ trên sân khấu, đại gia đình ở phía Nam đã bay ra Hà Nội, về thăm quê cha. Thôn Đông Viên lại chứng kiến cuộc đoàn tụ Bắc - Nam sau 70 năm đại gia đình chia đôi ngày giỗ.  

Haylentieng.vn là website chính thức của chương trình NCHCCCL - nơi lưu giữ thông tin của 20.000 trường hợp thất lạc, đang chờ tìm được thân nhân. Quý độc giả có thể tra cứu thông tin về người thân bị thất lạc bằng cách gõ tên, năm sinh, quê quán,... Hệ thống dữ liệu sẽ hiển thị những trường hợp có thông tin gần nhất với những từ khóa độc giả tìm kiếm. 

Ảnh: Chụp từ chương trình NCHCCCL

Nguồn: [Link nguồn]

Người đàn ông bị bắt cóc từ khi mới 4 tuổi, chút ký ức còn sót lại đã giúp anh tìm được gia đình ruột thịt sau 33 năm xa cách.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thảo ([Tên nguồn])
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN