GS Xoay: Thi Nông nghiệp vì nghĩ mình biết trồng cây

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Anh quyết định không theo ngành nghề bố mẹ định hướng sẵn mà lựa chọn ngành học theo sở thích bản thân.

Là khách mời trong buổi tư vấn hướng nghiệp tại Ngày hội thông tin hướng nghiệp của Học viện Design Global, Giáo sư Xoay đã chia sẻ về việc lựa chọn ngành học của mình: “Bố tôi là họa sỹ, hướng tôi học vẽ vì ông nghĩ con mình cũng có khả năng vẽ. Mẹ tôi là bác sỹ, hướng tôi vào làm ngành Y, công việc yên ổn, ngày ngày mặc áo blouse trắng, giờ giấc làm việc ổn định, 7h sáng đi làm, 16h chiều đã tan ca, cùng bạn bè đi uống bia, tối về với vợ con v.v…”

Anh cho rằng, hầu như tâm lý bố mẹ nào cũng thế, đó là muốn cho con mình không phải khổ. Nhưng anh đã không chọn ngành của bố, cũng không theo định hướng của mẹ và quyết định thi vào Đại học Nông nghiệp “vì nghĩ mình có khả năng trồng cây”.

GS Xoay: Thi Nông nghiệp vì nghĩ mình biết trồng cây - 1

Anh cho rằng, rất ít người kiếm tiền bằng niềm đam mê của mình

Anh cũng chia sẻ thêm rằng, bản thân anh thường tự mày mò tìm kiếm để thỏa mãn sở thích. Ví dụ như anh rất thích đánh trống và ca hát. “Có một lần, tôi mạnh dạn đăng ký thi hát ở trường. Hát xong ai cũng vỗ tay khen. Tôi nghĩ lần đầu tiên đi hát mà đã thành công thế này biết đâu mình có năng khiếu nên tôi tiếp tục hát thêm một bài nữa. Hát xong, anh chỉ đạo vừa cười vừa nói: “Tao chưa thấy ai hát mà mặt đơ như mày!”.

Sau đó, anh được tuyển vào đoàn kịch của trường Đại học. Nhờ biết vẽ nên anh thường được phân công vẽ áp phích cho đoàn. Và may mắn hơn nữa là anh được thầy giáo giỏi dạy cho cách viết kịch bản, từ đó anh mày mò viết và được nhiều người đánh giá cao.

Hiện tại, anh đang hợp tác viết kịch bản với nhiều nghệ sỹ nổi tiếng như: Hoài Linh, Xuân Hinh, Xuân Bắc… “Nếu như ngay từ đầu tôi chọn trường Sân khấu Điện ảnh thì rất có thể tôi đã không ngồi ở đây mà theo một con đường khác” – Giáo sư Xoay hóm hình chia sẻ.

Trong buổi hướng nghiệp, khi một bạn trẻ đưa ra câu hỏi: “Làm sao để có thể tìm được niềm đam mê của mình? Vì 4 năm trước, em thi đại học và chọn ngành tiếng Anh nhưng tiếng Anh chỉ là công cụ, em chưa học sâu vào ngành nào. Em cũng đã học thêm ngành Thiết kế đồ họa, cũng đi làm được một khoảng thời gian nhưng chỉ biết mình làm vì mục đích tài chính, chứ không phải vì đam mê” . Bạn còn chia sẻ thêm: "Sở thích của em là chụp mô hình tĩnh. Nhưng việc đó lại không đem lại lợi nhuận về tài chính cho em".

Giáo sư Xoay chỉ ra rằng: "Việc em nghiên cứu hay ít nhất bỏ thời gian cho nó đã là thể hiện niềm đam mê của mình". Tuy nhiên "Cuộc sống này có chút dã man, đó là rất ít người có được hạnh phúc kiếm tiền bằng niềm đam mê của bản thân. Em phải tự thỏa hiệp thôi, đấy là làm một không việc không đam mê lắm để nuôi cái đam mê của mình" - Giáo sư Xoay hóm hỉnh trả lời.

GS Xoay: Thi Nông nghiệp vì nghĩ mình biết trồng cây - 2

Ông Dương Văn Bá (Thứ hai từ trái sang) - Vụ phó vụ Học sinh sinh viên cho rằng, muốn hướng nghiệp cho học sinh thì phải thuyết phục được phụ huynh

Đồng tình với câu trả lời của Giáo sư Xoay, anh Trần Xuân Hải, trường phòng Dự án – tuyển dụng và chính sách, tập đoàn FPT chia sẻ thêm: “Em phải tự thỏa hiệp với cuộc sống rằng, mình làm một công việc không đam mê lắm trong một thời gian khoảng 1-2 năm để chờ đến thời điểm cái đam mê của em thành trào lưu và em sẽ thành người đi đầu”.

Trong buổi chia sẻ hướng nghiệp, ông Dương Văn Bá – Vụ phó vụ Học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục đào tạo cho rằng: "Các bạn sinh viên Việt Nam học nặng về lý thuyết và học thuật, khả năng thực hành, ứng dụng thực tế và tư duy sáng tạo kém. Đây cũng là điều mà ngành giáo dục đang rất trăn trở".

Bộ Giáo dục cũng đã đưa ra một số phương án để khắc phục tình trạng này, ví dụ bằng việc phân luồng học sinh, tức là phát triển mô hình đào tạo nghề, thậm chí đào tạo nghề ngay khi học sinh kết thúc cấp 2.

Tuy nhiên, ông cũng nêu ra những vấn đề bất cập trong việc hướng nghiệp của các bạn trẻ: “Nói về vấn đề vĩ mô, ở Tây thì học xong cấp 2, nếu học sinh có khả năng học thì sẽ tiếp tục lên cấp 3 và vào đại học. Nếu học sinh học xong cấp 2 cảm thấy năng lực kém không học được thì sẽ học nghề, rồi sau đó vào đại học. Ở Việt Nam cũng dự định theo kế hoạch này nhưng gặp một vấn đề đó là muốn hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên thì phải thuyết phục được cha mẹ. Tâm lý người Việt chịu ảnh hưởng bao cấp quá lâu nên cha mẹ nào cũng muốn con cái mình làm cho nhà nước, để nhà nước lo và công việc ổn định”.

Xem thêm các bài viết liên quan:

GS Xoay: Thi Nông nghiệp vì nghĩ mình biết trồng cây - 3 GS Xoay: Thi Nông nghiệp vì nghĩ mình biết trồng cây - 4 GS Xoay: Thi Nông nghiệp vì nghĩ mình biết trồng cây - 5

Phẫn nộ thái độ miệt thị thí sinh của giảng viên ĐH

"Bóng hồng" vất vả tiếp sức mùa thi

"Biệt đội" áo xanh làm mát lòng sĩ tử

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trung Đức ([Tên nguồn])
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN