Giảng viên bỏ việc để giúp người vô gia cư

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Từng được giữ lại làm giảng viên khoa tiếng Nhật, trường ĐH Hà Nội, thế nhưng cô gái nhỏ bé và cá tính này đã rời bỏ vị trí mà nhiều người mơ ước để theo đuổi đam mê của mình và giúp đỡ người vô gia cư.

Họ và tên: Nguyễn Hoàng Thảo

Ngày sinh: 15/9/1985

Cựu HS Việt Đức, tốt nghiệp loại giỏi khoa tiếng Nhật, ĐH Hà Nội

Giảng viên khoa tiếng Nhật, ĐH Hà Nội khóa 2007-2008

Công việc hiện tại: Quản lý 3 cửa hàng tại HN, phiên dịch tiếng Nhật - Anh cho một công ty Nhật Bản

Leader của tổ chức tình nguyện Ấm

Chúng tôi gặp Nguyễn Hoàng Thảo ngay tại "trụ sở" của Ấm - nơi tập kết quần áo, đồ dùng dành cho những người vô gia cư. Lần đầu gặp mặt, ít ai nghĩ rằng cô gái nhỏ nhắn này lại đang là leader của một nhóm tình nguyện quy mô lớn tại Hà Nội. Ngoại hình xinh xắn, dễ thương cùng cách nói chuyện thân mật, cởi mở và khiêm tốn của Hoàng Thảo đã khiến chúng tôi đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác bởi sự mạnh mẽ, tự lập và giàu lòng nhân ái. 22 tuổi, Thảo tốt nghiệp bằng giỏi khoa tiếng Nhật trường ĐH Hà Nội và là một trong 4 sinh viên được nhà trường giữ lại làm giảng viên. Thế nhưng, có vẻ như chưa thực sự cảm thấy phù hợp với công việc này, Hoàng Thảo quyết định nghỉ việc và làm cho một công ty tại Nhật Bản.

Giảng viên bỏ việc để giúp người vô gia cư - 1

Những tưởng rằng đất nước mặt trời mọc xinh đẹp này có thể giữ chân được cô gái bản lĩnh và cá tính Hoàng Thảo, nhưng chỉ hơn một năm sống và làm việc tại Nhật Bản, Hoàng Thảo đã về lại Việt Nam. Việc đầu tiên cô gái này làm sau khi về Việt Nam là mở tiệm bánh crape đầu tiên tại Hà Nội. Chưa dừng lại ở đó, vì muốn thỏa mãn đam mê của mình, Thảo đã sang Australia tham gia một khóa học 6 tháng về thiết kế. Với hi vọng có thể làm tất cả những thứ mình thích bằng chính bàn tay của mình. Rời khóa học, Hoàng Thảo về Việt Nam và mở tiếp tiệm bánh crape thứ hai cùng quán cafe sách vô cùng lạ mắt và ấn tượng.

Sinh năm 1985, Hoàng Thảo hiện là phiên dịch viên cho một công ty lớn của Nhật Bản tại Việt Nam và cũng là cô chủ của ba cửa hàng tại Hà Nội. Sống trong xã hội vẫn còn những người vô gia cư nghèo khó, hàng ngày nhìn họ thiếu áo mặc, cơm ăn, cô gái nhỏ nhắn luôn tâm niệm một điều là phải làm gì đó cho những số phận kém may mắn đó. Có ý tưởng ngay từ khi đặt chân về Việt Nam nhưng phải đến đầu năm 2012, Hoàng Thảo mới bắt tay vào hiện thực hóa ý tưởng của mình, với hi vọng sẽ giúp cho những người vô gia cư bớt khổ.

Bắt đầu từ dòng status đơn giản nhưng đầy ý nghĩa và trách nhiệm trên facebook của mình, Hoàng Thảo đã thu hút được rất nhiều bạn tham gia vào công việc đầy trách nhiệm và mang tính nhân văn này. Đầu tiên là hàng chục, rồi đến hàng trăm bạn quyên góp áo ấm, sẵn sàng sẻ chia những may mắn của mình cho người kém may mắn hơn.

Giảng viên bỏ việc để giúp người vô gia cư - 2

Với nụ cười thường trực và tấm lòng nhân hậu, Hoàng Thảo đã mang yêu thương và ấm áp đến với những người vô gia cư

"Mình thực sự rất ngạc nhiên khi lời kêu gọi của mình lại được hưởng ứng nhiệt tình như vậy, bởi vì những gì mình đưa ra chỉ là một status, không invite bạn bè vào sự kiện, cũng không hề "tag" bất kỳ ai. Nhìn số lượng đăng ký tham gia tăng dần, tăng dần từng giờ, mình rất vui mừng, vì ít ra mọi người đã không bàng quan trước số phận nghèo khó của người vô gia cư" - Hoàng Thảo tâm sự.

Đó cũng chính là nguyên nhân sự ra đời của Ấm - một tổ chức tình nguyện nổi tiếng tại Hà Nội. Không cần PR hay phô trương tên tuổi, thế nhưng Ấm vẫn được rất nhiều người biết đến bởi sự nhiệt tình và đều đặn của các tình nguyện viên. Cứ mỗi thứ 7 hàng tuần, mọi người lại tập trung tại cửa hàng của Thảo - đồng thời cũng là nơi tập kết quần áo, đồ ăn thức uống cho những buổi đi tình nguyện, để sắp xếp, phân chia đồ thành từng phần, rồi cùng nhau đi trao cho những người vô gia cư khắp nơi trên địa bàn Hà Nội. Dù là nắng hay mưa, lạnh giá hay rét buốt, nhóm tình nguyện Ấm vẫn luôn có mặt đầy đủ và đều đặn. Cứ đúng 23h30, cả nhóm xuất phát và phải đến hơn 1h sáng hôm sau mới về đến nhà.

Hoàng Thảo kể: "Ngoài việc là leader của Ấm, quản lý 3 cửa hàng, mình vẫn đang đi làm phiên dịch viên cho một công ty của Nhật, công việc cũng khá bận rộn. Có hôm sau khi làm ở công ty suốt 1 ngày, tối lại về đi tình nguyện cùng nhóm, gần 2h mới về nhà, Thảo gần như kiệt sức và suýt ngất đi. Thế nhưng chỉ hôm sau thôi những mệt mỏi đó đã không còn nữa. Thảo ngay lập tức lại nghĩ về những việc mình cần phải làm để giúp cho những người vô gia cư".

Giảng viên bỏ việc để giúp người vô gia cư - 3

Giảng viên bỏ việc để giúp người vô gia cư - 4

Đều đặn mỗi tối thứ 7 hàng tuần, Thảo và Ấm - tổ chức tình nguyện của cô đều ra đường và trao quần áo, đồ ăn cho những hoàn cảnh khó khăn mà họ gặp trên đường

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, Thảo rất ít khi nhắc đến bản thân mình, cô chỉ luôn nói đến những người vô gia cư mà cô gặp hàng ngày trong cuộc sống, những người cô đã, đang và sẽ giúp đỡ. Với những thành tích và kinh nghiệm đúc kết được trong suốt những năm đi học, đi làm, du học hay đi làm việc ở nước ngoài, Thảo hoàn toàn có thể tìm được công việc với mức lương cao hơn, nhàn hạ hơn. Thế nhưng cô gái này đã chọn một con đường khác, vất vả hơn, khó khăn hơn nhưng có lẽ cũng ý nghĩa và mang tính trải nghiệm hơn rất nhiều.

Khi được chúng tôi hỏi, sau hơn một năm đi làm từ thiện, cô nhận về được gì, Thảo cười: "Có lẽ điều lớn nhất mình nhận được chính là sự trưởng thành. Nhìn ánh mắt vui mừng của những người vô gia cư khi nhận được nhận lấy gói xôi còn ấm, đôi tất, chiếc áo ấm, đôi giày,... mình thấy rằng cuộc sống này được mang đến niềm vui cho người khác đã là điều quý giá vô cùng".

Hiện tại, số người follow các hoạt động của Ấm đã là hơn 2.000 người. "Chúng mình thường xuyên nhận được điện thoại, email của các bạn khắp nơi trong cả nước, mong muốn được góp tiền, công sức, quần áo để giúp đỡ người vô gia cư. Tuy nhiên, lúc này Thảo chỉ nhận quần áo thôi chứ chưa muốn nhận tiền của mọi người bởi vì lúc này số tiền để mua xôi, mua sữa mỗi tuần Thảo và mọi người trong nhóm vẫn có thể tự lo bằng tiền của mình được. Trong tương lai, Thảo rất muốn phát triển Ấm thành một tổ chức phi lợi nhuận, khi đã có tài khoản riêng, lúc đó Ấm sẽ nhận tiền quyên góp của mọi người" - Hoàng Thảo vui vẻ nói.

Giảng viên bỏ việc để giúp người vô gia cư - 5

Bức ảnh cả team chụp cùng nhau trong một buổi tối mùa đông mưa rét, khi đã trao hết số lượng áo quần và đồ ăn

Trò chuyện xong với chúng tôi cũng là lúc Thảo và mọi người bắt đầu rục rịch chuẩn bị và sắp xếp đồ đạc để lên đường, tìm tới những hoàn cảnh khó khăn và giúp đỡ họ. Cô gái bé nhỏ nói với ánh mắt đượm buồn: "Đã gần Tết rồi, nghĩ đến hoàn cảnh của những số phận bất hạnh không nhà, không cửa, không của cải, mình thấy buồn lắm. Mình muốn làm gì đó để giúp họ có một cái Tết ấm cúng. Hiện tại, chúng mình đã lên ý tưởng sẽ chuẩn bị bánh chưng và lì xì để gửi đến họ. Tuy nhiên như thế Thảo nghĩ vẫn là chưa đủ, Thảo vẫn muốn tìm một chỗ nào đó và tập trung mọi người lại để cùng tổ chức một buổi Tất niên đơn giản và ấm cúng, để mọi người có cảm giác, mình cũng có một ngôi nhà. Nhưng có lẽ đây là việc hơi quá sức với Thảo và mọi người trong nhóm ở thời điểm này khi tìm một địa điểm tổ chức cũng khá là khó khăn...". Có vẻ như thấy không khí cuộc trò chuyện đang bị chùng xuống, Thảo nhìn chúng tôi và cười lớn, nói: "Chắc Thảo phải làm việc thật chăm chỉ để dành dụm tiền mua một ngôi nhà mất. Khi đó thì sẽ không lo về địa điểm nữa rồi"

Tạm biệt chúng tôi, Hoàng Thảo lên xe máy với những túi đồ to ụ, bắt đầu đưa tình yêu thương tới những mảnh đời khó khăn. Cô gái nhỏ nhắn, mảnh mai nhưng lại rất mạnh mẽ này đã cho mọi người thấy một góc nhìn thật khác về giới trẻ trong xã hội hiện nay. Và có lẽ, cô gái Nguyễn Hoàng Thảo cũng đã gieo niềm tin, hi vọng về một cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn trong tương lai cho những người vô gia cư.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quỳnh Chi (TTVN)
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN