Đôi bạn thân sáng tạo thiết bị thông minh chỉ dẫn đường cho người khiếm thị

Sự kiện: Giới trẻ 2024

Hai cậu học trò trường THPT Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh) đã cùng nhau sáng chế thành công thiết bị thông minh sử dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ người khiếm thị trong việc chỉ dẫn đường đi tránh vật cản, nhận dạng khuôn mặt.

Em Bình An và em Minh Đức cùng thiết bị thông minh hỗ trợ người khiếm thị.

Em Bình An và em Minh Đức cùng thiết bị thông minh hỗ trợ người khiếm thị.

“Thiết bị thông minh sử dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ người khiếm thị” là sáng chế của hai em Trương Minh Đức (Lớp 12A8) và Nguyễn Bình An (Lớp 12A6) trường THPT Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh). Thiết bị này đã đạt giải Nhất Cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) cho học sinh trung học Hà Tĩnh năm 2021, giải 4 Cuộc thi KHKT cấp Quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2021 và mới đây sáng chế này là đại diện duy nhất của Hà Tĩnh được vinh danh trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam 2021.

Đôi bạn thân cùng thực hiện đam mê

Vốn là bạn thân từ khi học cấp 2, lại cùng đam mê sáng chế các thiết bị khoa học kỹ thuật, nên em Trương Minh Đức và Nguyễn Bình An thường xuyên cùng nhau trò chuyện, trao đổi, đề xuất ý tưởng nghiên cứu. Tháng 9/2020, khi nhìn thấy những người khiếm thị đi lại rất nguy hiểm do không thể xác định được phương hướng, chướng ngại vật ở trên đường nên Minh Đức đã đưa ra ý tưởng làm thiết bị thông minh với Bình An để cùng thực hiện.

Hai cậu học trò lên mạng tìm hiểu, vạch ra kế hoạch tỉ mỉ rồi trao đổi với phía nhà trường. Rất vui khi sáng chế này được các thầy, cô giáo nhiệt tình ủng hộ, đặc biệt cô giáo Đinh Thị Hồng Vân (Giáo viên bộ môn Hóa) nhận làm người hướng dẫn cho hai em.

Minh Đức chia sẻ, ban đầu tên thiết bị là kính thông minh, tuy nhiên sau khi bắt tay vào làm nhận thấy làm kính còn có nhiều hạn chế, sử dụng khó nên chuyển đổi sang làm thiết bị thông minh sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Thiết bị được chia thành hai phần, phần cứng và phần mềm. Đó là sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo và bộ loa phát thanh. Thiết bị được làm như một chiếc túi đeo trước ngực gồm các bộ phận như máy chủ, ổ lưu trữ dữ liệu, loa, camera, tai nghe...

Hai em cùng giới thiệu về cấu tạo và nguyên lý hoạt động của thiết bị hỗ trợ cho người khiếm thị.

Hai em cùng giới thiệu về cấu tạo và nguyên lý hoạt động của thiết bị hỗ trợ cho người khiếm thị.

Đối với thiết bị thông minh này, khâu phần mềm sử dụng trí tuệ được đánh giá là mất thời gian và khó khăn nhất. Bởi tài liệu ở Việt Nam rất ít nên hai em phải tìm hiểu, nghiên cứu bằng các trang web nước ngoài bằng tiếng Anh rồi lập trình theo hướng dẫn. Đặc biệt thiết bị sử dụng phần mềm dựa trên các thuật toán được viết trên Visual Studio 2019 do em Đức và An tự lập trình.

“Phải mất đến 4 tháng chúng em mới hoàn thành được lập trình thuật toán này. Mỗi lần làm đến phần nào khó khăn hoặc có vấn đề gì chúng em đều sẽ nhờ cô Vân xem và hướng dẫn để sản phẩm được hoàn thiện một cách tốt nhất”, Minh Đức chia sẻ.

Sản phẩm đạt kết quả cao

Nói về nguyên lý hoạt động của thiết bị, em Bình An chia sẻ, khi người khiếm thị di chuyển trên đường, nếu gặp vật cản phía trước thiết bị sẽ tự động phát loa báo hiệu có vật cản đồng thời hướng dẫn di chuyển sang hướng an toàn. Không những vậy, thiết bị này còn có khả năng nhận diện người thân cho người sử dụng.

Hai em cùng cô Vân nhận bằng khen trong cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia.

Hai em cùng cô Vân nhận bằng khen trong cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia.

“So với những sản phẩm trước thì thiết bị này rất thuận tiện, có tính mở rộng cao hơn, không phụ thuộc vào mạng, có thể hướng dẫn đường đi, tránh vật cản cho người khiếm thị. Chúng em còn muốn tích hợp Google Map vào thiết bị nhưng chưa được hoàn thiện”, em Bình An chia sẻ.

Để có một sản phẩm hoàn chỉnh tham dự cuộc thi cấp Quốc gia, Bình An, Minh Đức cùng cô Vân phải mày mò suốt nhiều tháng liền. Mỗi lần xong, cô trò cùng đưa thiết bị sang Hội người mù Hà Tĩnh thử nghiệm đánh giá những nhược điểm để cùng khắc phục.

Cô Đinh Thị Hồng Vân chia sẻ, vốn là giáo viên dạy môn Hoá, dù không chuyên về Tin học nhưng khi được giao hướng dẫn cho Bình An và Minh Đức, ba cô trò phối hợp, vạch rõ ra các việc cần làm để cùng hỗ trợ lẫn nhau.

“Hai cậu học sinh rất nhanh nhạy, chịu khó tìm tòi và mạnh dạn đưa ra những ý tưởng, sáng kiến để hoàn thành thiết bị. Mỗi lần xong một phần nào đó, hai em sẽ đưa cho tôi xem và tìm ra những thiếu sót để cùng khắc phục. Sản phẩm này không chỉ là trí tuệ mà ở đó còn có sự cố gắng không ngừng nghỉ của cả hai em”, cô Vân chia sẻ.

Cô Vân cùng em Minh Đức vui mừng sau những cố gắng

Cô Vân cùng em Minh Đức vui mừng sau những cố gắng

Tại các cuộc thi, thiết bị được đánh giá có tính ứng dụng cao trong việc hỗ trợ cho người khiếm thị, tỉ lệ xác định đường đi, tốc độ tính toán xác định vật cản cao, khả năng kiểm soát và lưu trữ hiệu quả, có thể lưu thông rộng rãi.

Cô Trần Thị Nga - Phó Hiệu trưởng trường THPT Phan Đình Phùng chia sẻ, Minh Đức và Bình An là hai học sinh giỏi tỉnh môn Tin học, rất thông minh, chăm chỉ và đam mê các sáng chế khoa học kỹ thuật. Trường rất vinh dự khi sáng chế của các em là đại diện duy nhất của Hà Tĩnh được lọt vào Sách vàng sáng tạo Việt Nam 2021.

“Hai em có một quá trình cùng sáng chế khoa học kỹ thuật từ cấp THCS, dựa trên cơ sở đó, từ đầu nhà trường đã chọn nhân tố và định hướng cho các em. Thực sự rất vui và vinh dự khi sản phẩm thiết bị thông minh hỗ trợ người khiếm thị của các em đạt kết quả cao trong các cuộc thi cấp tỉnh và cấp quốc gia”, cô Nga chia sẻ.

Nguồn: [Link nguồn]

Nam Định: 2 nữ sinh lớp 12 sáng chế máy cấy không động cơ độc đáo

Sau một thời gian dài ấp ủ và được sự hỗ trợ của người thầy của mình, cuối cùng 2 nữ sinh lớp 12 trường THPT Giao...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo T'heo Hoài Nam ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN