Chật hẹp tương đối…

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Chỉ 2m² cũng đủ để làm chỗ ở và làm việc cho một họa sĩ già trong khu phố cổ.

Thời sinh viên, tôi sống trong một căn hộ ở thủ đô một nước Đông Âu, diện tích 18m² tính cả các công trình phụ. Phòng chính 3x4m làm văn phòng làm việc vào ban ngày, đêm xuống lại kéo đi văng ra hoặc hạ giường đứng xuống làm phòng ngủ. Chỗ này từng là nơi ngủ đêm cho cả một đoàn cán bộ từ Việt Nam sang công tác. 2m² khác cho buồng tắm và máy giặt, 1,5m² nữa cho bếp và chỗ để xe đạp, 1m² ban công để trồng hoa và bỏ các thứ lặt vặt. Nhà nhỏ nhưng ấm cúng và đặc biệt là không có cảm giác chật chội, vì cửa sổ rộng nhìn bao quát xung quanh là vườn cỏ, rừng cây, công viên, khu tập thể thao, khu giải trí, khu thư viện, chỗ hẹn bạn bè ăn uống và xem phim… Theo tôi, đó mới thực sự là điều cần bàn cãi khi các nhà làm luật ở Việt Nam bắt đầu ra quy định về diện tích căn hộ tối thiểu.

Nếu bạn có cơ hội sang Nhật hay Hàn Quốc thì những căn hộ nhỏ trên dưới 10m² không phải là điều hiếm. Khi con người ta phải sống trong những khu nhà trọ mà khoảng không gian cho mỗi người chỉ là 2m² lồng sắt chồng lên nhau như ở Hong Kong thì một căn hộ 4m² đã là điều gì đó quá xa xỉ. Vấn đề là xã hội có thể làm thêm được gì cho họ? Một khu vui chơi nho nhỏ để giải trí và liên kết cộng đồng? Một thư viện để đọc sách báo, xem tivi và uống cà phê giá rẻ? Một sân tập thể thao trong khuôn viên cây cỏ giúp con người ta yêu đời và có nhiều ý tưởng sáng tạo? Một khu trường học cho trẻ em giúp các bé có cơ hội thoát khỏi cảnh sống nghèo khổ? Đó là những gì các nhà quy hoạch và lập pháp có khả năng và cần phải làm cho họ.

Chật hẹp tương đối… - 1

Vẻ đẹp của phố Cổ Hà Nội

Ở Việt Nam, rộng hẹp là một câu chuyện của lẽ tương đối trong đời sống thường dân. Chỉ cần 1m² là đủ để mở một tiệm bia lề đường có cả toilet hằng đêm thu hút khách Tây balô ở “ngã ba quốc tế” đầu đường Đinh Liệt, Hà Nội. Chỉ 2m² gần đó cũng đủ để làm chỗ ở và làm việc cho một họa sĩ già trong khu phố cổ. Những căn hộ bao diêm có thể làm ngứa mắt các vị quan chức nào đó sau ngày giải tỏa xây giao lộ nhưng có khi đó là nguồn sống của cả một đại gia đình bao thế hệ. Tôi từng biết một căn hộ trên một trục đường của TP.HCM, mua và xây lại từ đúng diện tích trước đây là toilet của một nhà khác, thế mà nay là đầu mối tiêu thụ hàng tạo ra nguồn sống cho cả một làng nghề ở đồng bằng Bắc bộ, cũng là nơi sống của đôi vợ chồng trẻ cùng một em bé.

Với tôi, một “kẻ đi làm” có đời sống thị dân giản dị, chỉ cần một căn hộ tập thể cỡ như vậy, có chỗ để xe máy an toàn, gần một quán cà phê đẹp và nhà hàng rẻ nhưng lịch sự để tiếp đãi bạn bè, một vườn hoa đủ để đi dạo, sang trọng hơn là gần một hồ bơi, một góc công viên, một phòng tập có thể chơi bóng bàn hay cầu lông là đủ để hưởng thụ một cuộc sống tối thiểu của người lao động trong một quốc gia này đã được xếp vào hàng thu nhập trung bình trên thế giới. Và tôi mơ, đương nhiên rồi, khi Sài Gòn hay Hà Nội thành những siêu đô thị hiện đại, là một góc sống có lối ra vào tốt nhất là gần ga tàu điện ngầm, và đặc biệt là đừng ngập lụt mỗi khi triều cường hay mưa to. Tôi cũng không quên hi vọng có đại gia hay quan gia nào đọc được bài viết này và nghĩ đến dự án xây khu chung cư cho người lao động theo kiểu như vậy. Chắc chắn tôi sẽ là người đầu tiên đăng ký thuê hay mua trả góp, sống vui cùng những hàng xóm thị dân có giấc mơ nho nhỏ tương đồng. Chật hẹp vốn là lẽ tương đối ở đời, trong vài mét vuông và trong cả lòng người…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Nam (Tuổi trẻ cuối tuần)
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN