Chàng trai Việt đầu tiên tình nguyện hiến tặng mô tạng

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

“Nếu như mỗi người khi chết mà hiến tạng của họ thì sẽ cứu được ít nhất 10 người bệnh khác”, là lời bộc bạch của anh Vũ Minh Lý về quyết định hiến tặng mô tạng của mình.

Người trẻ đi tiên phong hiến mô tạng

Thời gian vừa qua, trên các phương tiện truyền thông đại chúng có chia sẻ chân dung của chàng trai tình nguyện hiến mô tạng sau khi qua đời. Đây là một hành động, một nghĩa cử cao đẹp.

Tại Việt Nam, nhiều người cao tuổi đã thực hiện phong trào này. Nhưng người trẻ tuổi đi tiên phong có lẽ là anh Vũ Minh Lý. Mới đây, anh Lý vừa quyết định hiến tặng giác mạc, thận, tụy, tim, gan, phổi và gân sau khi qua đời.

Anh Lý sinh năm 1976, quê ở Vĩnh Phúc, hiện sống tại Hà Nội. Anh hiện là Phó trưởng ban Đoàn kết - Tập hợp thanh niên Trung ương Đoàn, Giám đốc Trung tâm tình nguyện Quốc gia.

Chia sẻ về lý do quyết định hiến tặng mô tạng, anh Lý chia sẻ: “Tôi và Trung tâm Tình nguyện Quốc gia thường xuyên tham gia các hoạt động tình nguyện trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người dân như hiến máu, “Tiếp sức người bệnh”, “Mang âm nhạc đến Bệnh viện” tại các bệnh viện trên khắp cả nước và chứng kiến nhiều nỗi đau của các bệnh nhân mắc phải các bệnh nan y.

Chàng trai Việt đầu tiên tình nguyện hiến tặng mô tạng - 1

Anh Vũ Minh Lý - Người trẻ đầu tiên quyết định hiến tặng mô tạng.

Dịp Tết vừa qua, tôi đi thắp hương người nhà đang yên nghỉ tại nghĩa trang Văn Điển và chứng kiến nhiều đám tang thực hiện theo hình thức hỏa táng. Tôi chợt nghĩ, khi chết đi mà hỏa táng như vậy thì thân xác này cũng thành tro bụi cả, có giữ được gì đâu?

Trong khi đó, qua tìm hiểu các thông tin về nhu cầu cần ghép mô, tạng của người bệnh, tôi được biết, nếu như mỗi người khi chết mà hiến tạng của họ thì sẽ cứu được ít nhất 10 người bệnh khác. Thế nên tôi thấy cần phải thay đổi suy nghĩ và đi đến quyết định đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời”.

Quyết định hiến mô tạng của anh Lý cũng gặp phải sự phản đối gay gắt từ gia đình. Anh cho biết:

“Người Việt mình còn nặng nề chuyện này lắm, nên thuyết phục gia đình cũng không phải dễ. Tuy nhiên, là người đã trưởng thành, tôi được quyền quyết định về cá nhân tôi. Tôi cũng nói rõ thêm với gia đình là nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam là rất lớn, cả nước hiện có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn cần được ghép thận. Về ghép gan, chỉ tính tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội đã có trên 1.500 người có chỉ định ghép gan. Hiện cả nước có khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc và trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc và hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi...

Bao nhiêu người có nhu cầu như vậy mà sao khi mình từ giã cõi đời, mình không trao tặng sự sống quý giá này cho người khác mà mang xuống lòng đất làm gì cho giá lạnh thân xác?.

Chàng trai Việt đầu tiên tình nguyện hiến tặng mô tạng - 2

Ngược lại, khi mình hiến tạng cho người khác thì cũng như mình đang tiếp tục sống vậy, cuộc sống của mình vẫn tiếp diễn trong cơ thể người khác, như vậy không phải là hạnh phúc hơn sao?”

Không chỉ bố mẹ mà vợ của anh Lý cũng khá bất ngờ vì chồng chưa hỏi ý kiến vợ mà đã tự quyết.

“Tôi chỉ cười và nói: Việc này là tốt mà, nó cũng giống như việc anh đi hiến máu tình nguyện hàng năm thôi”.

Là người trẻ tuổi đi đầu trong phong trào hiến tạng, bản thân anh Lý cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc, nói chuyện với PV, anh luôn nở nụ cười hài lòng về quyết định của bản thân:

“Tôi cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc. Chết là hết mà! Nhưng để cái chết trở nên ý nghĩa hơn thì hãy làm điều có ích. Bạn còn lo âu về phương diện tâm linh? Bạn hãy hỏi ý kiến các nhà tu hành mà xem. Nếu bạn là một Phật tử bạn sẽ biết rằng, Ðạo Phật thường được gọi là Ðạo Từ bi, vì tình thương trong Ðạo Phật rất bao la, sâu rộng.

Phật giáo luôn coi bố thí những vật chí thân quí báu nhất của mình như thân mạng, đời sống của mình là công đức cao nhất. Trong Công giáo cũng vậy, những năm qua đã có nhiều giáo dân tình nguyện hiến giác mạc sau khi mất và còn nhiều người đăng ký hiến giác mạc khi qua đời.

Người theo đạo Công giáo đang dẫn đầu cả nước trong phong trào hiến giác mạc, một phong trào nhân văn góp phần mang lại ánh sáng cho người mù. Có thể nói, mọi tôn giáo đều ủng hộ sự cho đi không vụ lợi, nhưng tôi cũng hiểu đây là quyết định khá quan trọng của đời người, và rất mong sau khi cân nhắc thấu đáo, các bạn trẻ sẽ tiên phong trao tặng sự sống của mình cho người khác sau khi qua đời”.

Bạn là người có “quyền năng” trao tặng sự sống

Đến thời điểm này, sau khi đã quyết định hiến mô tạng, anh Lý cũng mong muốn các bạn trẻ hãy dành chút thời gian nghiên cứu tìm hiểu về vấn đề hiến tặng mô, tạng để đi đến quyết định đúng đắn cho mình và mang lại thêm nhiều sự sống cho người khác.

Chàng trai Việt đầu tiên tình nguyện hiến tặng mô tạng - 3

Chắc hẳn các bạn trẻ cũng đã từng nghe qua về hiến tặng mô, tạng thông qua các hoạt động tuyên truyền do Trung tâm Tình nguyện Quốc gia (Trung ương Đoàn) và Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia (Bộ Y tế) tổ chức nhưng chưa có dịp nghĩ sâu hơn để cảm nhận hết ý nghĩa của hành động cao đẹp này. Từng phút, từng giây, quanh ta có rất nhiều người đang cần được ghép tạng để tiếp tục cuộc sống.

Bạn là người có quyền năng trao tặng sự sống ấy. Bạn đang sở hữu một cơ thể vô cùng quý giá mà bạn có thể trao đi một phần nhỏ khi vẫn còn vui sống. Một ngày nào đó khi qua đời, Bạn vẫn có thể đem đến sự sống cho rất nhiều người khác.

Cũng như hiến máu nhân đạo, hiến tặng một số mô, tạng là điều có thể, ví dụ như một phần da, xương sụn, tụy… Thậm chí, bạn có thể cho đi một phần là gan hoặc một quả thận.

Đối với người đã qua đời hoặc chết não, mô, tạng của họ có thể cứu sống ít nhất 10 người khác, và đây là một nghĩa cử cao đẹp của lòng nhân ái. Còn gì tốt đẹp hơn khi một phần của bạn tiếp tục sống trong cơ thể người khác. Hàng ngàn người bệnh đang mong chờ quyết định của Bạn. Hiến mô, tạng là việc rất nên làm, và nếu không phải Bạn thì sẽ là Ai? Nếu không phải bây giờ thì sẽ là khi nào?

Khi chia tay phóng viên, thấy vẻ mặt còn ngại ngần của anh, phóng viên hỏi anh có gì còn muốn chia sẻ thêm, anh nói: "Thật ra, “dân tình nguyện” không bao giờ muốn nói về mình, nhưng những người tốt họ mãi làm việc tốt trong im lặng thì làm sao để những điều tốt đó lan tỏa đến với người khác. Tôi mong chị nếu được hãy dành thêm thời gian đi cùng họ để hiểu và chia sẻ về những việc họ đang làm cho cộng đồng, qua đó, truyền cảm hứng đam mê hoạt động tình nguyện tới các bạn trẻ giúp tôi. Cảm ơn chị nhiều lắm!"

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bạch Dương (Người đưa tin)
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN