Chàng trai miền Tây thành tỷ phú khi mới tuổi 30

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Ở tuổi 30, anh Nguyễn Văn Thật, ở xã Đông Thạnh (Châu Thành, Hậu Giang) đã là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Thạnh Phước với doanh thu trên 1 tỷ đồng mỗi năm, từ việc cung cấp chanh không hạt giống và thu mua trái.

Khát vọng làm giàu

Năm 1999, cha anh Thật mua 11 cây chanh không hạt đầu dòng do một doanh nghiệp mang từ California (Mỹ) về trưng bày ở Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cần Thơ (cũ), về trồng thử. Những năm đầu trồng, cây cho trái đẹp nhưng không tìm được đầu ra vì loại cây này còn xa lạ với người dân trong vùng.

Chàng trai miền Tây thành tỷ phú khi mới tuổi 30 - 1

Anh Thật bên vườn cây giống của mình. Ảnh: Hòa Hội.

Năm 2005, sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh Thật lưỡng lự giữa 2 con đường là học lên tiếp hoặc ở nhà giúp gia đình tìm hướng đi cho cây chanh đầy tiềm năng này. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh quyết định dừng con đường học vấn lại để học đường đời.

Anh Thật chia sẻ: “Ban đầu tôi phân vân không biết phải làm sao vì nếu không học tiếp sẽ thua bạn bè về kiến thức còn đi học thì không có thời gian để tìm đầu ra cho cây chanh. Được cha mẹ động viên là làm chủ bản thân còn hơn đi làm công cho người khác nên tôi quyết định làm giàu trên mảnh đất của mình”.

“Những năm đầu, tôi cùng cha mình đi gõ cửa từng siêu thị, doanh nghiệp, tham gia các kỳ hội chợ để bán sản phẩm và vận động người dân trồng loại cây này. Nhiều lúc nản lòng muốn bỏ cuộc nhưng vì thấy loài cây này có tiềm năng nên cha con động viên nhau cố gắng và có được thành công như ngày hôm nay”, anh Thật tâm sự.

Lợi nhuận 400 triệu đồng/ha

Theo anh Thật, hiện tại mỗi ngày HTX thu mua được hơn 1 tấn chanh với giá 30.000 đồng/kg để cung cấp cho siêu thị, chợ đầu mối trên cả nước. Ngoài ra, mỗi tháng còn bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Đông và châu Âu. Bên cạnh đó, HTX còn đầu tư hệ thống kho lạnh, lò sấy để bảo quản, dự trữ chanh.

Anh Thật cho biết, chanh không hạt dễ trồng, ít bị sâu bệnh lại cho trái quanh năm, thời gian từ trồng đến thu hoạch là 18 tháng. Trung bình 1 cây sẽ cho khoảng 40 kg, năng suất trung bình khoảng 30 - 40 tấn trái/ha/năm, bán với giá dao động từ 20 - 30.000 đồng/kg, trừ chi phí nông dân còn lãi trên 400 triệu đồng/ha. Hiện tại, HTX có 84 hội viên tham gia trồng chanh không hạt trên diện tích 97 ha, đã đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP vào năm 2012.

“Để đạt 2 tiêu chuẩn trên thì các hội viên phải tham dự lớp tập huấn kỹ thuật bài bản, sử dụng phân, thuốc theo đúng quy trình chứ không được làm theo ý thích của mình. HTX sẽ cung cấp cây giống chất lượng để trồng rồi bao tiêu mua sản phẩm lại bằng với giá thị trường để hội viên không bị thiệt và yên tâm sản xuất”, anh Thật nói.

Nói về quy trình làm giống sạch bệnh, anh Thật chia sẻ: “Làm cây giống phải đam mê và nắm vững kỹ thuật nếu không cây con sẽ dễ nhiễm bệnh dẫn đến ảnh hưởng chất lượng và uy tín của đơn vị mình”. Trước đây, HTX đã đầu tư 5 nhà lưới, mỗi nhà có diện tích 240 m2, trị giá hàng trăm triệu đồng để ươm cây đầu dòng, sau đó mới đem ra ngoài vườn nhân giống.

Hiện nay nhu cầu xuất khẩu chanh không hạt rất lớn, HTX không đủ hàng cung cấp cho doanh nghiệp nên đã đề xuất UBND tỉnh Hậu Giang cho thực hiện thí điểm cánh đồng mẫu lớn khoảng trên 200ha. Trong đó, HTX sẽ hỗ trợ cây giống, quy trình sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Ngoài ra, trong năm nay HTX sẽ đặt hàng Viện Cây ăn quả miền Nam 400 cây chanh không hạt đầu dòng để tiếp tục nhân rộng giống chất lượng cung cấp cho người dân.

Năm 2014, HTX Thạnh Phước của anh Thật cung cấp trên 200.000 cây giống chanh không hạt và thu mua trên 60 tấn trái để bán cho doanh nghiệp, trừ chi phí còn lãi trên 1 tỷ đồng. Ngoài ra, còn giúp cho gần 20 lao động nông thôn có việc làm ổn định với mức thu nhập trên 3 triệu đồng/tháng. Với những thành quả trên, anh Thật vinh dự được Trung ương Đoàn tặng giải thưởng “Sáng tạo trẻ” năm 2012.

Anh Nguyễn Thanh Tùng, Bí thư xã Đoàn Đông Phước cho biết, toàn xã có 2.200 ha đất nông nghiệp, đến thời điểm này người dân đã chuyển sang trồng chanh không hạt trên 50% diện tích. “Anh Thật là người chịu khó học hỏi, nghiên cứu và sẵn sàng hỗ trợ, giúp đoàn viên thanh niên khác về kỹ thuật hay xuống tận nhà để chỉ cách trồng. Ngoài ra, các phong trào khác của địa phương phát động anh Thật đều tích cực tham gia”, anh Tùng nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hòa Hội (Tiền phong)
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN