5 giây quan trọng nhất để tạo được bản CV hoàn hảo cho bản thân

Nhà tuyển dụng chỉ có vài giây ngắn ngủi để nhìn sơ qua CV của ứng viên. Vì vậy, để gây ấn tượng tốt ban đầu, bạn cần có sự chuẩn bị thật chu đáo.

Sau khi ra trường, hầu như tất cả mọi người đều tạo cho mình một bản CV đầy đủ thông tin nhất để tìm kiếm cho mình một công việc mong muốn. Sau đó là sẽ có những phần thi trắc nghiệm, phỏng vấn... và đây cũng là bước quan trọng nhất để nhà tuyển dụng chọn lọc ứng viên, cân đo đong đếm xem ai sẽ là người phù hợp nhất cho vị trí họ cần. 

Vậy phải làm sao để tạo được CV ấn tượng, độc đáo mà vẫn đầy đủ thông tin của bạn?  Khi đối mặt với nhà tuyển dụng, phong thái của bạn ra sao, ăn mặc như thế nào để "lọt mắt" người đối diện? Và nhà tuyển dung thường có những yêu cầu/mong muốn gì về ứng viên của mình ngoài những kiến thức, kỹ năng họ có?

Sau đây, chúng tôi sẽ giới thiệu với bạn đọc về loạt bài: Tìm việc - Tuyển người để bạn trẻ có thêm những kinh nghiệm, tạo dựng cho mình những kỹ năng mới để có thể "đánh đâu thắng đó" khi đối mặt với nhà tuyển dụng.

Bài 1: Cách thể hiện CV

Nhà tuyển dụng lần đầu tiên nhìn vào CV của ứng viên trong 5-7 giây. (Ảnh minh họa)

Nhà tuyển dụng lần đầu tiên nhìn vào CV của ứng viên trong 5-7 giây. (Ảnh minh họa)

Những nghiên cứu cho thấy nhà tuyển dụng lần đầu tiên nhìn vào CV của ứng viên chỉ trong 5-7 giây. Vì vậy, để lọt vào "mắt xanh" của họ, không còn cách nào khác bạn cần phải dành thời gian và công sức để tạo ra một CV ấn tượng.

Khi viết CV, bạn cần phải suy nghĩ như một nhà tuyển dụng. Vậy thì, một nhà tuyển dụng sẽ muốn biết bạn đang có những kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức nào mà họ cần. Tất cả những thông tin quan trọng này cần phải được làm nổi bật trong CV ở 5-7 giây đầu tiên này. Vì thế, bạn cần phải làm cho họ dễ dàng tìm thấy những thông tin này trên CV thông qua một số mẹo vặt sau:

1. Định dạng CV

Toàn bộ CV nên sử dụng một font chữ cổ điển như Times New Roman hoặc Arial. Cỡ chữ nên là 12, các dòng được cách nhau đồng đều, tránh sử dụng quá nhiều màu sắc lòe loẹt. Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao nếu bạn chỉn chu trong từng chi tiết như vậy.

2. Điều chỉnh tiêu đề

Một số tiêu đề quan trọng trên CV thường bao gồm trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc, hoạt động ngoại khóa, kỹ năng ngôn ngữ, sở thích... Để giúp các nhà tuyển dụng dễ dàng nhận ra bạn đang có những kỹ năng và kinh nghiệm khác mà họ quan tâm, bạn nên đổi hoặc thêm một số tiêu đề khác cho phù hợp.

Ví dụ: Nếu bạn đang ứng tuyển vào một vị trí nghiên cứu và có một số kinh nghiệm liên quan, hãy tạo một phần tiêu đề mới và đặt tên là "Trải nghiệm nghiên cứu". Trong phần này, bạn cần liệt kê các mốc thời gian mình đã từng làm cụ thể.

3. Độ dài CV

Một CV lý tưởng không quá 2 mặt A4. Bạn nên ưu tiên, làm nổi bật những thành tựu và kinh nghiệm làm việc của mình trước đây. Điều này sẽ khiến nhà tuyển dụng hứng thú tìm hiểu bạn hơn.

4. Thông tin liên lạc

Bạn đừng quên điền đầy đủ thông tin gồm họ tên, số điện thoại, địa chỉ email vào CV. Không cần thiết phải viết tuổi tác, tình trạng hôn nhân hay quốc tịch.

5. Thông tin cá nhân

Trong phần này, bạn nên cố gắng viết ra những lĩnh vực mình quan tâm có liên quan tới vị trí đang ứng tuyển. Nói một cách dễ hiểu, đây là phần bạn tự quảng cáo chính mình. Thế nên, bạn cần tóm tắt kỹ năng, mục đích nghề nghiệp, kinh nghiệm của mình một cách thu hút nhất.

Đặc biệt, bạn cần tránh sử dụng những từ sáo rỗng như: "làm việc chăm chỉ", "giao tiếp tốt", "biết làm việc nhóm"... Bạn cần ghi nhớ 3 điều: Ngắn, Rõ ràng, Hài hước.

6. Lịch sử công việc

Rõ ràng đây là phần quan trọng nhất trong CV, vì thế bạn cần tập trung viết một cách cẩn thận nhất. Bạn cần phải ghi rõ ràng cụ thể công việc mình từng làm trước đây theo từng cột mốc thời gian, ghi rõ vị trí, tên công ty. Bạn cũng nên cung cấp thêm các kỹ năng và thành tích mình đạt được khi làm ở vị trí đó.

Tuy nhiên, hãy chắc chắn rằng bạn không làm cho từ CV của mình giống như một mô tả công việc. Bạn nên sử dụng các gạch đầu dòng, sử dụng các từ chỉ hành động như: nghiên cứu, tạo ra, thiết kế, thực hiện, thành lập... để nhấn mạnh vào thành tích của mình. Điều quan trọng là tránh những khoảng trống không giải thích được trong lịch sử công việc.

Nếu bạn là người đã thay đổi việc nhiều lần, hãy nhớ ghi thêm phần lý do mình rời đi trong CV. Đó có thể là do cắt giảm nhân sự, công ty tái cơ cấu và vị trí này trở nên dư thừa...

7. Sở thích

Nhà tuyển dụng thực sự muốn hiểu một chút về ứng viên có thể là nhân viên của mình sau này. Thế nên, bạn cần làm nổi bật các sở thích của mình như liên quan tới thể thao hoặc các hoạt động tình nguyện.

Nhìn chung, sở thích có thể nói rất nhiều về ứng viên, vì vậy nhà tuyển dụng sẽ có một cái nhìn khái quát về tính cách và động lực của bạn, từ đó có thể hỏi han bạn nhiều hơn trong lúc phỏng vấn.

***

Mời các bạn đón đọc bài 2: Những cuộc phỏng vấn xin việc bi hài khiến ứng viên muốn “đập bàn” bỏ đi vào lúc 10h00 ngày 11/8/2020.

Nguồn: [Link nguồn]

Những màn đối đáp cực “bá đạo” khi phỏng vấn khiến nhà tuyển dụng chỉ biết câm nín

Đây đều là những câu hỏi từng được sử dụng thực tế trong các buổi tuyển dụng của Google, Yahoo hay Microsoft. Nhà tuyển...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan Hằng - Remtectalen ([Tên nguồn])
Tìm việc - Tuyển người Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN