Vụ nhảy lầu ở tòa: VKS tỉnh Bình Phước lên tiếng

Lãnh đạo VKSND tỉnh Bình Phước và kiểm sát viên trực tiếp giữ quyền công tố tại phiên tòa phúc thẩm ngày 26-5, cùng trả lời một số điểm dư luận quan tâm.

Sự việc ông Lương Hữu Phước (TP Đồng Xoài, Bình Phước) đến TAND tỉnh này tự tử sau khi bị tuyên án 3 năm tù đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Để có thông tin đa chiều, ngày 1-6, PV đã có cuộc phỏng vấn trực tiếp hai người là ông Vũ Văn Chương, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước và ông Hà Văn Hiến, Phó Trưởng phòng Kiểm sát xét xử phúc thẩm (là kiểm sát viên trực tiếp thực hành quyền công tố tại phiên tòa phúc thẩm ngày 26-5).

VKS tỉnh không được mời họp báo

. Phóng viên: Thưa ông, vì sao tại buổi họp báo ngày 30-5, có đại diện công an và TAND tỉnh tham dự nhưng lại không thấy sự xuất hiện của đại diện VKSND tỉnh Bình Phước?

+ Ông Vũ Văn Chương: Lý do là VKSND tỉnh không nhận được thư mời tham gia.

. Quay trở lại phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Phước, HĐXX đã bác kháng cáo kêu oan, tuyên y án sơ thẩm. Lãnh đạo VKS đánh giá sao?

+ Ông Chương: Quan điểm VKS ngay tại phiên tòa đã được HĐXX chấp nhận đó là tuyên y án sơ thẩm, ông Phước có tội.

. Xử phúc thẩm lần một vụ án vào tháng 10-2018, TAND tỉnh đã nêu ra 10 lý do để hủy án sơ thẩm. Vậy quá trình điều tra, truy tố lại sau đó VKS thấy đã làm rõ được bao nhiêu vấn đề?

+ Ông Hà Văn Hiến: Vấn đề thứ nhất là bị cáo Phước có bật đèn xi nhan khi sang đường hay không. Theo đó, cơ quan tố tụng đã kiểm tra đèn xi nhan trên của bị cáo, có lập biên bản, bị cáo xác nhận vào là vị trí công tắc đèn xi nhan nằm giữa.

Ông Phước khai có bật xi nhan khi đi qua đường. Tuy nhiên, nhân chứng lúc thì khai là không bật, lúc lại nói không biết có bật hay không. Tức là lời khai nhân chứng mâu thuẫn…

Ông Chương tiếp ý ông Hiến: Tức là lời khai của ông Phước nói ông qua đường có bật xi nhan nhưng hai nhân chứng khai là không nhìn thấy bật đèn, do đó cấp phúc thẩm đã yêu cầu cấp sơ thẩm làm lại. Người ta kiểm tra xe khi có mặt ông Phước thì thấy công tắc xi nhan trên xe đang ở chế độ không bật. Xe tai nạn như thế nào thì hiện trường vẫn giữ nguyên như thế đó, không ai đụng chạm vô xe đó đâu.

. Trong hồ sơ có thể hiện Lâm Tươi từng khai chạy với tốc độ 50-60 km/giờ. Cụ thể: “Lúc đang chạy xe gần đến nơi xảy ra tai nạn do khoảng cách là 50m thì tôi có nhìn thấy hai người đàn ông đang ngồi trên một mô tô dừng bên lề đường bên phải…”. Và: “Khi tôi điều khiển xe đi đến nơi xảy ra tai nạn có khoảng cách 5m thì tôi thấy hai người đàn ông điều khiển xe đi qua đường do bất ngờ nên tôi đã đụng vào mô tô trên gây ra tai nạn”.

Theo lời khai này thì thấy Lâm Tươi chạy với tốc độ khá cao, vậy tại sao VKS không yêu cầu giám định vận tốc của hai xe?

+ Ông Hiến: Chiếc Honda hồi trước (tức xe máy loại cũ - PV) thì không thể giám định được. Bởi nếu xe hiện đại nhìn trên công tơ mét thì có thể thấy chính xác, còn ở đây thì không có. Cũng có lời khai cho thấy chạy khoảng 40-50 km/giờ thì giờ này mình đâu có cách nào để xác nhận.

Hiện trường nơi ông Phước tự tử tại TAND tỉnh Bình Phước. Ảnh: KD

Hiện trường nơi ông Phước tự tử tại TAND tỉnh Bình Phước. Ảnh: KD

Không thể giám định vận tốc hai xe (!?)

. Có cơ quan nào xác nhận không thể giám định được tốc độ không, thưa hai ông?

+ Ông Hiến: Là trong quá trình cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm không làm việc kiểm tra này mà họ khẳng định là không làm được, ý là không có văn bản nào đề nghị cơ quan giám định.

. Nếu xác định có sự mâu thuẫn trong lời khai, vậy tại sao VKSND tỉnh không yêu cầu giám định vận tốc xe?

+ Ông Hiến: Trong bản án không có đề nghị làm rõ vận tốc xe của Lâm Tươi. Tại sao họ không giám định vì thực tiễn có những vụ án từ chối giám định, không giám định được và đặc biệt vụ án này không có vết thắng của xe Lâm Tươi. Họ có công thức, họ đo vết thắng, trọng lượng xe thì họ mới nói khi mà đạp thắng với trọng lượng xe có vết cà khoảng bao nhiêu mét thì nó có công thức sẽ tương đối thôi, nhưng mà trong vụ án này không có vết thắng của Lâm Tươi trên đường.

. Bà Trần Thị Liên (vợ nạn nhân) khai: “Lâm Tươi vừa điều khiển xe, vừa chạy, vừa quay đầu về phía sau để nói chuyện với người ngồi sau nên đụng vào xe anh Phước”. Vậy VKS đã làm rõ lời khai này chưa?

+ Ông Hiến: Lời khai của Lâm Tươi và Trị Tiếp khẳng định không có chuyện Lâm Tươi quay đầu lại nói chuyện với nhau. Trị Tiếp nói rằng khi đó đã xỉn xỉn rồi nên gục đầu sau lưng Lâm Tươi.

Tại phiên tòa phúc thẩm lần hai, bà Liên nói “Tôi không chứng kiến gì cả, khi tôi lặt rau thì thấy ông Phước chở chồng tôi phía bên kia… Khi đó tôi đem đồ xuống bếp thì nghe rầm một cái nên tôi chạy lên, tôi không nhìn thấy gì”. Trong khi đó, ban đầu bà Liên cho rằng, Lâm Tươi nói chuyện với Trị Tiếp có quay đầu lại. Bà Liên tự mâu thuẫn với chính mình. Lời khai của Lâm Tươi và Trị Tiếp phù hợp với nhau. Cho thấy lời khai của bà Liên không có cơ sở để chấp nhận.

. HĐXX có nêu rằng nạn nhân Quý đặt hai tay lên vai bị cáo. Theo VKS, hành vi này có nói lên điều gì không?

+ Ông Hiến: Sự việc này xảy ra nhanh, người thì giờ đã chết rồi, nên việc họ đặt tay lên vai để đừng cho lái hay là họ đặt lên nhẹ nhàng thì không thể làm rõ được. Chỉ cần họ đặt lên và các nhân chứng nói họ dùng dằng thì mình nhận định rằng trong vấn đề xảy ra tai nạn này là một phần lỗi của bị hại thôi.

Xin cám ơn hai ông!

VKSND Cấp cao yêu cầu tỉnh chuyển hồ sơ

Cùng ngày 1-6, VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã yêu cầu VKSND tỉnh Bình Phước chuyển toàn bộ hồ sơ kiểm sát vụ án lên để VKSND Cấp cao nghiên cứu. 

Được biết, sau sự việc ông Phước đến tòa nhảy lầu tự tử, lãnh đạo VKSND Tối cao và VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã liên lạc với VKSND tỉnh để nắm bắt tình hình. Hiện, VKSND tỉnh đang làm báo cáo gửi VKSND Tối cao về vụ án liên quan đến tai nạn giao thông mà ông Phước là bị cáo và bị kết án.

Sáng 30-5, tại buổi họp báo, TAND tỉnh khẳng định tòa này xử phúc thẩm kết tội ông Phước là hoàn toàn công tâm, vô tư, khách quan. Trong khi phía gia đình ông Phước thì cho biết, sẽ tiếp tục kêu oan vì cho rằng ông bị kết án oan.

Ông Phước trong lúc ngồi chờ tòa tuyên án. Ảnh: LS Dương Vĩnh Tuyến

Ông Phước trong lúc ngồi chờ tòa tuyên án. Ảnh: LS Dương Vĩnh Tuyến

Như đã phản ánh, trưa 15-1-2017, sau khi uống rượu ở nhà ông Phạm Văn Tuấn (thị xã Đồng Xoài, Bình Phước), ông Phước về nhà. Chiều cùng ngày, ông Trần Hữu Quý gọi điện thoại cho ông Phước quay lại nhà ông Tuấn để đổi dép do ông Phước đi nhầm. Ông Phước quay lại nhà ông Tuấn thì ông Quý rủ đi hát karaoke. Ông Phước chở ông Quý đi một đoạn thì thấy ông Quý không đội mũ bảo hiểm nên chở về nhà ông Quý để lấy mũ bảo hiểm.

Khi đến gần trước nhà ông Quý, ông Phước dừng xe bên lề đường bên phải để ông Quý sang đường vào nhà lấy mũ bảo hiểm nhưng ông Quý không chịu xuống xe. Lúc này ông Phước điều khiển mô tô rẽ trái sang đường. Khi xe ông Phước tới phần đường dành cho xe đi ngược chiều thì bị mô tô do anh Lâm Tươi điều khiển (đang chở một người) lưu thông bên phải đụng vào gây tai nạn.

Hậu quả là ông Phước và ông Quý bị thương, được đưa đi cấp cứu, hai ngày sau thì ông Quý qua đời. Ngày 29-3-2018, TAND thị xã Đồng Xoài xử sơ thẩm và tuyên phạt ông Phước 3 năm tù về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Sau đó, ông Phước kháng cáo kêu oan. Ngày 9-10-2018, TAND tỉnh Bình Phước xử phúc thẩm đã tuyên hủy toàn bộ bản án để điều tra lại.

Tháng 12-2019, TAND TP Đồng Xoài xử sơ thẩm lần hai vẫn phạt ông Phước mức án như trên. Đến ngày 26-5, TAND tỉnh Bình Phước xử phúc thẩm lần hai và nghị án kéo dài. Sáng 29-5, tòa này đã tuyên bác kháng cáo kêu oan của ông Phước, y án sơ thẩm. Đến chiều cùng ngày, ông Phước đã đến TAND tỉnh nhảy lầu tự tử. 

Nguồn: [Link nguồn]

Vụ nhảy lầu tự tử: VKSND Cấp cao yêu cầu tỉnh chuyển hồ sơ

VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã yêu cầu VKSND tỉnh Bình Phước chuyển toàn bộ hồ sơ kiểm sát vụ ông Lương Hữu Phước cho...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngân Nga - Minh Tâm ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN