Vén màn bí mật về hoạt động buôn lậu gỗ của ông trùm Phượng "râu"

Liên quan đến vụ việc ông trùm gỗ lậu Phượng “râu” bị Ban chuyên án Bộ Công an bắt giữ, có rất nhiều vấn đề được vén màn bí mật và được dư luận đặc biệt quan tâm.

Ngoài việc 4 quyển sổ ghi chép tỉ mỉ số tiền chung chi hàng  tỷ đồng, dư luận đang trông chờ vào kết quả điều tra có hay không Phượng “râu” mua gỗ trục vớt hợp pháp để làm bình phong cho việc buôn bán, vận chuyển gỗ lậu của mình?.

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, tháng 3-2017, UBND tỉnh Đắk Lắk bàn giao hơn 640m³ gỗ trục vớt đã bán thanh lý (tổng số tiền hơn 2,7 tỷ đồng) cho Phan Hữu Phượng (tức Phượng “râu”, 48 tuổi, trú thị trấn Ea TLinh, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) và một doanh nghiệp ở TP Cần Thơ. 

Tuy nhiên, đến tháng 4-2018, một khối lượng rất lớn gỗ này vẫn còn nằm ngổn ngang dọc theo tuyến QL14C (gần Đồn Biên phòng 747) chưa được chuyển đi. Từ đây có thể thấy dấu hiệu dùng số gỗ này để làm bình phong cho hoạt động buôn bán gỗ bất hợp pháp của trùm gỗ Phượng “râu”.

Vén màn bí mật về hoạt động buôn lậu gỗ của ông trùm Phượng "râu" - 1

Số gỗ còn sót lại được vứt rải rác dọc theo tuyến QL14C.

Theo hồ sơ mà chúng tôi có được, ngày 25-10-2016, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có quyết định phê duyệt phương án xử lý, giá khởi điểm để bán đấu giá đối vối hơn 640m3 gỗ (từ nhóm II đến nhóm VI) trục vớt dưới suối Đắk Đam. 

Trong đó, có 374 lóng gỗ tròn (khối lượng 579,2m³) có giá khởi điểm hơn 2,3 tỷ đồng; 116 hộp gỗ xẻ (có khối lượng gần 61,4m³) có giá khởi điểm  hơn 285 triệu đồng. 

Ngày 23-1-2017, số gỗ này đã được Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản Đắk Lắk đưa ra bán công khai thành công với tổng số tiền thu về là hơn 2,7 tỷ đồng. 

Trong đó, 579,2m³ gỗ tròn được bán cho Công ty TNHH Thảo Trúc do ông Nguyễn Thành Kiệt (có địa chỉ tại 01-B2, Trần Văn Khéo, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đứng tên với giá hơn 2,4 tỷ đồng; số gỗ gần 61,3m³ gỗ xẻ bán cho Phượng “râu” với giá 294 triệu đồng. Đến tháng 3-2017, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản bàn giao hơn 640m³ gỗ trục vớt nêu trên cho người trúng đấu giá. 

Vén màn bí mật về hoạt động buôn lậu gỗ của ông trùm Phượng "râu" - 2

Ông trùm Phượng "râu" lúc bị bắt

Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty Thảo Trúc dù trên thực tế đứng tên mua gần 600m3 gỗ nhưng thực chất người mua, làm lán trại canh giữ vẫn không ai khác chính là Phượng “râu”.

Chiều 3-5, trao đổi với PV về việc đến nay, số gỗ trên đã được 2 đơn vị vận chuyển ra khỏi rừng hay chưa, đại diện Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn cho biết, lô gỗ 579,2m³ của Công ty Thảo Trúc trúng đấu giá từ ngày 10-4 đến ngày 12-4-2018, đơn vị đã kiểm tra xác nhận hơn 434m³ gỗ tròn từ nhóm II đến nhóm VI đã được vận chuyển ra khỏi rừng, số gỗ còn lại hơn 145m³ hiện đang để dọc theo tuyến QL14C nằm sát Đồn Biên phòng 747. 

Còn đối với số gỗ hơn 61m³ từ nhóm II đến nhóm VI mà ông Phan Hữu Phượng trúng đấu giá, Hạt Kiểm lâm huyện đã kiểm tra, xác nhận từ ngày 10-4 đến ngày 5-9-2017, ông Phượng đã vận chuyển toàn bộ số gỗ này ra khỏi rừng.

Tuy nhiên, rạng sáng 28-4, Ban chuyên án của Bộ Công an đã bắt giữ 2 xe ô tô mang BKS 61C-072.70 và 61L-3057 chở gần 40m3 gỗ các loại không có giấy tờ tại thị trấn Ea Tling, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông

Vén màn bí mật về hoạt động buôn lậu gỗ của ông trùm Phượng "râu" - 3

Gỗ có đường kính lớn bị chặt hạ

Qua điều tra ban đầu, số gỗ này chính là của ông trùm Phượng “râu” được vận chuyển từ bãi tập kết gỗ tại Tiểu khu 464 (thuộc lâm phần Vườn Quốc gia Yok Đôn, gần Đồn Biên phòng 747). Trong khi đó, ông Phạm Tuấn Linh, Phó giám đốc phụ trách Vườn Quốc gia Yok Đôn cho biết, số gỗ trục vớt đã bán vẫn được “gửi” dọc tuyến QL14C, gần vành đai biên giới thuộc sự quản lý của Đồn biên Phòng Bo Heng (đồn 747). 

Ngày 20-3-2018, đơn vị đã có văn bản gửi sở Tài chính Đắk Lắk đề nghị có văn bản đôn đốc, yêu cầu phải đưa số gỗ đã mua thanh lý ra khỏi khu vực này. 

“Hiện nay Tây Nguyên nói chung và Vườn Quốc gia Yok Đôn nói riêng đã bước vào mùa khô nên dễ xảy ra việc cháy rừng, nguy cơ cháy lan vào bãi gỗ là rất cao. Ngoài ra, để tránh những đối tượng xấu trà trộn vào khu vực bãi gỗ, thực hiện hành vi xâm hại vào rừng nên chúng tôi đề nghị Sở Tài chính nhắc nhở người mua trúng đấu giá đưa gỗ ra ngoài”, ông Linh nói.

Ông Từ Thái Giang, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk thông tin, sau khi bán đấu giá, Sở cũng không theo dõi việc vận chuyển gỗ. Cho đến khi có văn bản của Vườn Quốc gia Yok Đôn, đơn vị đã ngay lập tức có hai văn bản nhắc nhở, đôn đốc ông Phượng và doanh nghiệp nêu trên nhanh chóng đưa gỗ ra ngoài trong thời gian sớm nhất. 

“Việc ra hai văn bản nêu trên là để người mua trúng đấu giá đưa gỗ ra ngoài, tránh việc cháy rừng. Đây không phải là văn bản “đôn đốc” các đồn biên phòng, chốt kiểm lâm tạo điều kiện cho xe gỗ của ông Phượng như có thông tin phản ánh”, ông Giang nói.

Trong khi đó, Đại tá Tống Anh Tuấn, Phó Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk cho rằng, chúng tôi có nghi ngờ các đối tượng lợi dụng bãi gỗ hợp pháp để trộn lẫn gỗ phi pháp. 

“Đây mới chỉ là nghi vấn, cần chờ kết quả điều tra từ cơ quan Công an. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định gỗ trong Vườn Quốc gia Yok Đôn gần Đồn Biên phòng 747 không bị chặt hạ như các thông tin ban đầu”, Đại tá Tống Anh Tuấn nói.

Cũng theo Đại tá Tống Anh Tuấn, mới đây, để đảm bảo an ninh khu vực biên giới, chống cháy rừng, tránh việc trà trộn gỗ bất hợp pháp, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản gửi ông Phượng phải nhanh chóng đưa hết gỗ đã mua thanh lý ra khỏi khu vực biên giới trước 30-4. 

“Tuy nhiên, bất ngờ thì ông Phượng bị bắt về hành vi buôn bán, vận chuyển gỗ lậu vào ngày 28-4 vừa rồi. Về mặt nội bộ, những sỹ quan của các đồn đã có thiếu sót, lơ là trong công tác chỉ đạo, chỉ huy dẫn đến việc xe gỗ của ông Phượng đi qua mà không biết Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã có hình thức kỷ luật cách chức đối với 4 chiến sỹ tại đồn 747 và 749. Riêng việc có hay không chiến sỹ “tiếp tay” cho ông Phượng thì sau này cơ quan điều tra có kết luận thì tùy vào tình hình mức độ sẽ xử lý sau. Vấn đề này đơn vị cũng đang cho tích cực điều tra, làm rõ”, Đại tá Tống Anh Tuấn khẳng định.

Liên quan đến vụ việc, Đại tá Tống Anh Tuấn cũng nhìn nhận, để xảy ra việc gỗ lậu của Phượng “râu” lọt ra khỏi rừng có một phần trách nhiệm của Bộ đội biên phòng tỉnh. 

pCụ thể, các đồn biên phòng đã không thường xuyên kiểm tra chặt chẽ phương tiện ôtô của Công ty Thảo Trúc và ông Phượng vào khu vực biên giới mà các đồn phụ trách. Đặc biệt không kiểm soát chặt chẽ xe ôtô của Phượng “râu” và doanh nghiệp này nên để xảy ra việc lợi dụng trà trộn gỗ không hợp pháp với số gỗ hợp pháp vận chuyển ra khỏi địa bàn.

Ngỡ ngàng tài sản chìm, nổi của trùm gỗ lậu Phượng ”râu”

Phượng “râu” chỉ từ một người vào Tây Nguyên làm thuê và trở thành “trùm gỗ lậu” tại địa bàn huyện Cư Jút,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Thành (Công an nhân dân)
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN